Hỗ trợ doanh nghiệp

Công nhân Tesla uống nước tăng lực để chạy kịp tiến độ sản xuất

Theo Bloomberg, công nhân nhà máy Tesla phải uống nhiều Redbull để chống kiệt sức do làm việc 12 đến 16 giờ mỗi ngày.

Để đáp ứng kịp tiến độ sản xuất mẫu xe Model 3, công nhân nhà máy Tesla được cung cấp miễn phí Red Bull và buộc phải bước trực tiếp qua các dòng nước thải thô của nhà máy để không làm gián đoạn sản xuất.

Các nhân viên giấu tên nói với Bloomberg Businessweek rằng, việc uống nước tăng lực nhiều để chống chọi kiệt sức khiến họ trông như những người vô hồn, hay xác sống vì phải làm việc 12-16 giờ mỗi ngày.

Mikey Catura ngồi bên trái và Hai Nguyen đứng cạnh bên phải chụp trước nhà máy Tesla tại Fremont, California vào tháng 8/2017. Ảnh: The Mercury News

"Họ đến với tinh thần sôi động và tràn đầy sinh lực. Vài tuần trôi qua, bạn sẽ thấy họ bước ra khỏi nhà máy với ánh mắt nhìn chằm chằm vào không gian vô định như xác sống", công nhân Mikey Catura nói với Bloomberg.

Các công nhân cũng nói rằng họ buộc phải bước qua dòng nước thải chưa được xử lý để đảm bảo dây chuyền hoạt động liên tục. Tuy nhiên, Tesla phủ nhận và khẳng định chưa phát hiện quản lý nào yêu cầu nhân viên làm như thế.

"Với chúng tôi, không gì quan trọng hơn sự an toàn của công nhân. Chúng tôi không nói là không có bất cứ vấn đề gì cần xử lý ở Tesla, hay không làm gì sai với 40.000 công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi luôn quan tâm sâu sắc đến hạnh phúc của nhân viên và cố gắng tối đa để làm điều đúng đắn, giảm thiểu tai nạn. Chúng tôi cải thiện mức độ an toàn hàng tháng và tiếp tục duy trì cho đến khi trở thành hãng có nhà máy an toàn nhất thế giới", đại diện công ty tuyên bố.

Một báo cáo hồi đầu tháng của Reuters cho biết, nhân viên Tesla phải làm việc nhiều giờ trong môi trường áp lực để đạt được sản lượng đề ra cho mẫu sedan Model 3. Một số nhân viên bắt buộc phải làm việc theo ca vào cuối tuần.

Hãng tin cho biết Elon Musk đã hét lên với các kĩ sư khi tiến độ sản xuất Model 3 bị gián đoạn. Tuy nhiên, cuối cùng công ty cũng đã đạt được mục tiêu với 5.031 chiếc xuất xưởng trong tuần cuối cùng tháng 6, vượt chỉ tiêu 31 chiếc.

 

Những thông tin về điều kiện làm việc 'không như mơ' bên trong nhà máy Tesla đã rò rỉ vài năm gần đây. Cuối năm 2016, một công nhân nhà máy bị gãy chân do xe nâng đâm trúng. Người lái xe sau đó bị sa thải, còn Tesla bị phạt 800 USD.

"Tôi từng làm việc trong đau đớn nhưng không cho ai biết. Tôi không muốn bị sa thải", Hai Nguyen nói với tờ The Mercury News. Anh là công nhân phụ trách kiểm tra, niêm phong và chuyển pin cho dây chuyền sản xuất. Anh bị thương vì phải lặp đi lặp lại việc vặn đinh tán trong nhiều giờ và nhiều ngày liên tục. "Chúng tôi đang xây dựng những chiếc xe cho tương lai bằng dây chuyền sản xuất của quá khứ", công nhân 38 tuổi nói.

Dù than phiền nhưng Hai Nguyen và các công nhân khác của Tesla vẫn tự hào về sứ mệnh của công ty. Họ chỉ muốn tiếng nói được tôn trọng hơn và biết rõ có  phải tăng ca hay cần bổ túc kiến thức mới không.

Một phân tích năm 2017 của tổ chức phi lợi nhuận Worksafe cho biết các thương tích nghiêm trọng tại nhà máy của Tesla trong năm 2015 và 2016 cao hơn mức trung bình của ngành ôtô.

Ngay sau đó, Tesla tuyên bố báo cáo là "một cuộc tấn công mang tính ý thức, có hệ thống của một tổ chức cực đoan". Hồi tháng 6 mới đây, Musk cho biết tỷ lệ tai nạn năm 2018 của Tesla đã thấp hơn 6% so với mức trung bình, ngay cả khi sản lượng Model 3 tăng lên.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo