Hỗ trợ doanh nghiệp

Công ty đầu tiên sản xuất bao cao su ở Việt Nam báo lỗ

Là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất bao cao su từ năm 1987, đến năm 2017 thì những yếu kém của Merufa đã dần bộc lộ khi ghi nhận lỗ trước thuế hơn 4,3 tỷ đồng. Đáng nói là việc báo lỗ xảy ra ngay sau khi doanh nghiệp này vừa niêm yết.

Vừa “lên sàn” đã báo lỗ

 Công ty Cổ phần Merufa (mã chứng khoán MRF), tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế, Merufa được thành lập vào tháng 8/1987 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế với nhiệm vụ là sản xuất bao cao su tránh thai và các sản phẩm cao su y tế khác cung cấp cho nền kinh tế.

Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Tổ chức Dân số Thế giới – UNFPA (Liên Hợp Quốc) và Chính phủ Việt Nam, với sự trợ giúp kỹ thuật do Tổ chức PIACT thực hiện dựa trên dự án quốc gia chu kỳ 3 (1988-1991) và chu kỳ 4 (1994-1997) nhằm cải tiến chất lượng bao cao su nhằm đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Là đơn vị đầu tiên sản xuất bao cao su ở Việt Nam nhưng Merufa hiện chỉ thực hiện được khoảng 20% công suất.

Đây cũng chính là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, cung cấp cho thị trường các mặt hàng y tế quan trọng, trong đó có bao cao su chế tạo từ cao su thiên nhiên (từ năm 1987), găng tay phẫu thuật sản xuất trên các dây chuyền hoàn toàn tự động (từ 1994)…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng bao cao su các loại do Merufa sản xuất đã giảm đáng kể. Nếu năm 2015, sản lượng bao cao su đạt hơn 19,6 triệu cái thì sang 2016, con số này giảm chỉ còn 7,8 triệu đơn vị, doanh thu từ bao cao su cũng giảm còn chưa đầy một nửa, với 3,7 tỷ đồng.

Găng tay các loại mặc dù tăng sản lượng từ gần 34 triệu cái lên gần 35,7 triệu cái song doanh thu lại giảm từ 74,6 tỷ đồng xuống còn 68,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, dây chuyền sản xuất bao cao su của Merufa có công suất lên tới 120 chiếc/năm, có năm công ty đã sản xuất đạt 60-70% nhưng hiện chỉ sử dụng được khoảng 20% công suất. Công suất dây chuyền nhúng găng tự động cũng mới chỉ đạt khoảng 55%.

Trước đó, năm 2016, mặc dù tăng lãi hơn 60% đạt khoảng 25,7 tỷ đồng, thế nhưng lại đến từ thanh lý tài sản trong khi lợi nhuận từ hoạt động sản xuất lại giảm hơn 13%. Và đến năm 2017 thì những yếu kém đã dần bộc lộ khi Marufa phải ghi nhận lỗ trước thuế hơn 4,3 tỷ đồng.

 

Cổ đông bất mãn

 Merufa không có công ty con và chỉ có 2 đơn vị liên kết, trong đó góp hơn 43% vốn vào Công ty Cổ phần Mỹ Bích. Thế nhưng, Mỹ Bích đã phải ngưng hoạt động từ tháng 5/2015 do thua lỗ.

Đến tháng 5 vừa qua, đơn vị này đã phải tuyên bố giải thể do kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Đến thời điểm tuyên bố giải thể, Mỹ Bích vẫn còn nợ gần 713 triệu đồng, phần lớn trong số đó là nợ Merufa: Thuê mặt bằng còn nợ trên 397 triệu đồng, tiền mua hàng hơn 200 triệu đồng và khoản đã chi hộ gần 75 triệu đồng.

Với khoảng 1,56 tỷ đồng tài sản còn lại, Mỹ Bích đã phải bán lại hệ thống mấy khuấy phân tán và máy khuấy trộn cho Merufa cấn trừ nợ.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, cổ đông Merufa cho rằng, mặc dù trong một khoảng thời gian dài trước đây Merufa đã chi phối thị trường trên diện rộng, nhưng hiện nay, thị phần rất ít và không có tiếng nói. Các cổ đông của Merufa cũng bày tỏ thái độ không hài lòng với tình trạng hoạt động không hiệu quả và thua lỗ trong 4-5 năm trở lại đây của doanh nghiệp này.

Có cổ đông còn cho rằng, Hội đồng quản trị Merufa đã nhân nhượng rất nhiều với tổng giám đốc cũ, phải “cầm tay chỉ việc” nhưng cũng không có chuyển biến tích cực. Đỉnh điểm là Hội đồng quản trị buộc phải ra quyết định miễn nhiệm tổng giám đốc. Cổ đông yêu cầu lãnh đạo công ty này đánh giá hiện trạng để cố gắng thoát khỏi khủng hoảng.

 

Vào cuối năm 2017, HNX đã cho phép cổ phiếu MRF được giao dịch với giá tham chiếu 18.600 đồng. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 12/12/2017, có 94.000 cổ phiếu MRF được khớp lệnh với giá 25.000 đồng/cổ phiếu và đến nay, giá MRF duy trì mức 20.700 đồng nhưng lại hầu như không có thanh khoản.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo