Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Ngân hàng bất ngờ xuất hiện làm “bà đỡ” cho nhà sáng chế

Tại hội thảo “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” (ngày 26/9), một ngân hàng đã bất ngờ xuất hiện trước sự khẩn thiết của nhà sáng chế Phan Đình Phương đến từ Công ty CP KHCN An Sinh Xanh

 Một doanh nghiệp rất... lạ!

Tại hội thảo đó, ông Phan Đình Phương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP KHCN An Sinh Xanh (ASX), Chủ tịch Hiệp hội Sở hữu trí tuệ Đà Nẵng cho hay, Công ty ASX chuyên nghiên cứu chế tạo các thiết bị bảo vệ an toàn, môi sinh, tiết kiệm năng lượng và PCCC. Tới nay ông đã có 10 bằng sáng chế do Việt Nam và Hoa Kỳ cấp; được Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa kỳ (ANSI) và Hiệp Hội PCCC Hoa kỳ (NFPA) đã kết nạp làm hội viên chính thức, có quyền góp ý và biểu quyết khi Hoa kỳ xây dựng Tiêu chuẩn PCCC. Công ty ASX cũng là tác giả hệ thống phun nước trên cầu Rồng của Đà Nẵng.

Nhà sáng chế Phan Đình Phương phát biểu tại cuộc hội thảo

“Hiện Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đã sử dụng máy chữa cháy thế hệ mới của ASX, được cả Việt Nam và Hoa kỳ cấp bằng độc quyến sáng chế. Điện hạt nhân của Nhật Bản cũng sang tìm hiểu để dùng, các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực Việt Nam đều dùng hết, vậy mà khi áp dụng vô Đà Nẵng lại rất khó. Chúng tôi chỉ áp dụng được với 2 DN của Nhật Bản ở KCN Hòa Khánh” – ông Phan Đình Phương nói.

Ông cũng cho biết, ASX đã phát minh ra xe thu gom vật liệu, quét rác có tốc độ nhanh gấp 2 – 3 lần xe của Mỹ nhưng tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng 1/10; tốc độ quét 15-20km/h, chi phí hút sạch rác bụi cho 1m2 thấp hơn 3 lần so với máy nước ngoài và thấp hơn 3 lần quét bằng tay. Máy được Chính phủ Việt Nam và Phần Lan tài trợ để hoàn thiện, được Bộ KHCN tặng Cúp vàng Techmart và cấp bằng độc quyền sáng chế. Tuy nhiên TP Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp lại không có chiếc xe quét rác nào mà chỉ quét bằng tay!

10 bằng sáng chế do Việt Nam và Hoa Kỳ cấp cho ông Phan Đình Phương

“Tôi đề nghị lãnh đạo TP có biện pháp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật kể trên vào thực tế của TP một cách hiệu quả. Tôi cũng nghe tới đây TP sẽ mua hai xe cứu hỏa công nghệ 1-7 của nước ngoài. Nếu TP mua hai xe này hết 24 tỉ thì chúng tôi sẽ bán cho TP 4 chiếc, có năng lực chữa cháy gấp 10 lần 2 chiếc kia. Toàn bộ thiết bị được sản xuất, chế tạo tại Đà Nẵng, chữa cháy không cần nổ máy, an toàn tuyệt đối” – ông Phương khẳng định.

Rồi ông hướng sang đại diện các ngân hàng đang có mặt: “Nếu ngân hàng tin tưởng cho vay thì chúng tôi sẵn sàng trả lãi gấp đôi, thậm chí gấp ba lãi suất hiện nay. Và tuy là DN KHCN, được miễn thuế thu nhập DN nhưng chúng tôi cam kết đóng thuế này như các DN khác của TP!”. Nhiều người không khỏi bật cười khi nghe ông nói vì thấy... quá lạ!

Ông Phương giới thệu với PV Infonet thẻ hội viên Hiệp Hội PCCC Hoa kỳ (NFPA)

Vì sao ASX phải lâm cảnh suýt đóng cửa?

Gặp ông sau khi kết thúc hội thảo, chúng tôi được biết ông chỉ hay tin mà tự tìm đến chứ không có giấy mời tham dự. Đúng lúc đó Giám đốc Chi nhánh SeABank tại Đà Nẵng Lê Văn Minh cũng đến đặt vấn đề tới thăm Công ty ASX. Và chúng tôi quá ngỡ ngàng khi ông cho biết vừa suýt phải... đóng cửa công ty vì “hết tiền, không có trả tiền nhà”, lại bị ngân hàng phong tỏa tài khoản vì nợ thuế. Cứ ngỡ nghe như vậy anh Minh sẽ tìm cách... rút lui nhưng anh lại hỏi tiếp địa chỉ Công ty ASX để ngay chiều 26/9 sẽ đến tìm hiểu. Ông Phương thốt lên ngạc nhiên: “Ôi trời ơi! Thanh niên phải như rứa mới được!”.

 

Gặp lại chúng tôi ngày 27/9, anh Minh cho biết chiều hôm qua đã đến thăm ASX, nghe ông Phương trình bày hơn hai tiếng đồng hồ. “Đúng là ổng có 10 bằng sáng chế thật. Hai cái đang làm là xe chữa cháy thế hệ mới và xe thu gom vật liệu, quét rác. Phải nói cách tiếp cận để giải quyết bài toán kỹ thuật của ảnh rất là hay” – anh Lê Văn Minh nói.

Giám đốc Chi nhánh SeABank tại Đà Nẵng Lê Văn Minh (trái) gặp nhà sáng chế Phan Đình Phương sau khi kết thúc hội thảo

Anh nêu ví dụ thiết bị PCCC bình thường hiện nay dùng công thức 1 + 7 (tức 1kg khí + 7 lít nước) tạo ra 8kg bột khí để chữa cháy. Nhưng ông Phương lại dùng khí CO2 hóa lỏng đưa vô bình kết hợp với nước tạo ra cái gọi là “hơi nước chữa cháy”, áp lực tăng gấp 1.500 lần so với vòi phun bình thường. Phun rất xa, nhanh, mạnh mà ít tốn nước...

Vậy tại sao một công ty với những sáng chế gây tiếng vang trong và ngoài nước phải lâm cảnh suýt đóng cửa vì không trả nổi tiền thuê nhà, nợ thuế? Chúng tôi đặt câu hỏi. Anh Minh cho biết, qua tìm hiểu của anh thì Công ty ASX không chỉ “suýt” mà thực chất đã đóng cửa mấy tháng và chỉ vừa mới mở lại. “Các nhà khoa học thường lúng túng về quản lý công ty, quản lý tài chính, thành ra ổng rất là lan man” – anh Minh cho hay.

Xe chữa cháy thế hệ mới...
 

Chắt lọc từ sự lan man đó, theo anh Minh, lý do khiến Công ty ASX lâm cảnh hiện nay là không có vốn. Công ty thành lập năm 2009, đăng ký vốn điều lệ 10 tỉ nhưng chỉ mới góp được hơn một tỉ. Có một số người góp vô 49%, 5 năm nay không có một xu tiền lãi nên họ muốn có ai đó đầu tư vô để rút vốn về. Thứ hai là nhân lực của công ty quá mỏng, chỉ có mấy người, lại không xuất thân từ kinh doanh nên không thể vừa nghiên cứu sản xuất, vừa đi bán hàng, vừa làm marketting, vừa lo huy động vốn, quản lý tài chính...

“Cái chính là anh Phương vừa thiếu vốn, vừa không quản lý được. Ổng điều hành như hiện nay, đưa tiền vô là mất liền. Sản phẩm của ổng rất độc đáo, rất tiềm năng nhưng để thương mại hóa thì lại làm chưa tốt. Ông Phương cũng thừa nhận không làm thương mại, làm marketting, không quản trị tài chính được. Mà khi ngập vô cái đó thì đầu óc của ổng cũng sẽ bị chi phối, không nghiên cứu, sáng chế được” – anh Lê Văn Minh nhận xét.

và xe thu gom vật liệu, quét rác do Công ty An Sinh Xanh sáng chế

Rồi anh bày tỏ: “Tôi thấy tiếc ghê, một doanh nghiệp như thế mà sao không ai giúp họ. Đơn vị này có tiếng đã lâu chứ không phải mới bây giờ. Đâu dễ được chọn để làm hệ thống phun nước cho cầu Rồng. Rồi ổng còn là Chủ tịch Hiệp hội Sở hữu trí tuệ của Đà Nẵng nữa. Tôi nghĩ chắc cũng đã có nhiều người giúp nhưng cách giúp có thể chưa trúng với thực tiễn của ông Phương, nên tôi mới xoay qua hướng nghiên cứu một mô hình hợp tác để giúp ổng, chứ chỉ đơn giản đưa tiền cho ổng thì sẽ thất bại như bao lâu nay!”.

Ngân hàng mở hướng cứu doanh nghiệp

Mô hình anh Minh đề cập là “tìm cho ông Phương một nhà đầu tư có năng lực tài chính và “có nghề” về quản trị doanh nghiệp để ông trình bày, thuyết phục người ta đổ vốn vào công ty. Khi nhà đầu tư đó tham gia điều hành công ty thì ngân hàng hoàn toàn có thể hỗ trợ. Còn ông Phương tập trung phụ trách mảng kỹ thuật. Chứ bây giờ ổng điều hành, quán xuyến tất cả mọi việc thì quá khổ cho ổng”. Thực tế, khi đến Công ty ASX chiều 26/9, anh Minh đã kết hợp mời một người có năng lực tài chính đến cùng nghe.

Ông Phan Đình Phương trình diễn các tính năng đặc biệt của xe chữa cháy thế hệ mới do ông sáng chế

“Chúng tôi hướng đến xây dựng một hệ thống để bảo vệ sở hữu trí tuệ và nguồn lợi của anh Phương về lâu dài nên bàn với nhà đầu tư phải làm sao để phát huy sở hữu trí tuệ của anh Phương mà không ai lấy cắp được. Ngược lại, khi hợp tác thì ảnh cũng không được làm theo kiểu “giấu nghề”. Chúng tôi chia sẻ với anh Phương nếu ảnh hợp tác hoàn toàn, cứ ra một sản phẩm thì anh được bao nhiêu tiền. Cho đến cuối đời, cả khi ảnh mất rồi thì con cái vẫn được hưởng tiền sở hữu trí tuệ của ảnh” – anh Minh nói.

Thái độ của ông Phương trước đề nghị nêu trên như thế nào? Anh Minh cho biết: “Ổng cũng rất thích phương án tìm nhà đầu tư cho Công ty ASX và thừa nhận đúng là mình không quản trị doanh nghiệp được. Trước mắt đã có một nhà đầu tư gặp ông Phương và có thể nói hai bên cảm thấy thích nhau, cùng mong muốn tìm giải pháp hợp tác với nhau. Tôi nghĩ tôi sẽ theo vụ này đến cùng để giúp anh Phương!”.

Hy vọng cái bắt tay giữa Giám đốc Chi nhánh SeABank tại Đà Nẵng Lê Văn Minh với nhà sáng chế Phan Đình Phương sẽ sớm trở thành hiện thực!

Trả lời chúng tôi chiều 27/9, ông Phương cho biết: “Họ thật sự tâm phục khẩu phục với công nghệ của tôi và nói sẽ tìm cho tôi nhà đầu tư tài chính. Nếu có được thì tốt quá. Bây giờ Công ty ASX không còn ở giai đoạn trồng cây mà đã đến lúc hái quả, thậm chí hứng quả, nhưng chưa có người lo về kinh doanh nên họ có tiền và biết kinh doanh thì hợp tác để kinh doanh. Nhưng nguyên tắc của tôi không phải lấy tiền làm trọng mà phải đoàn kết, vui vẻ, bền vững lâu dài thì tự nhiên tiền đến, không phải đến ít mà đến tỉ tỉ kia. Họ nhất trí quan điểm, nói để về nghiên cứu phương án rồi sẽ gặp nhau tiếp!”.

Chưa thể nói sự hợp tác mà hai bên dự định liệu có trở thành hiện thực và sẽ cho kết quả như thế nào. Nhưng chí ít qua câu chuyện này cũng cho thấy một tác phong cần có của ngân hàng là chủ động làm “bà đỡ” cho doanh nghiệp trong những lúc khó khăn. Đó là điều đáng ghi nhận! 

 

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo