Hỗ trợ doanh nghiệp

Đại gia ngoại trả giá cho cuộc chơi BĐS Việt Nam

Cơn sóng gió của thị trường BĐS vừa qua không chỉ là một bài học xương máu cho các nhà đầu tư trong nước, mà ngay cả những doanh nghiệp ngoại cũng nhanh phải thay đổi để tính kế lâu dài.

Thời huy hoàng đã qua

 
Thời điểm năm 2007-2009, thị trường BĐS thưc sự bùng nổ, cũng là lúc các nhà đầu tư ngoại công bố rầm rộ hàng loạt dự án triệu đô trên đất Việt. Với mác ngoại, cộng với những thiết kế đẹp, cách làm mới lạ chưa có ở Việt Nam, ngay lập tức các dự án này đã thu hút được người mua nhà cũng như giới đầu tư trong nước bỏ tiền.
Cơn sốt BĐS có thời điểm, một căn biệt thự của nhà đầu tư ngoại có giá hàng chục tỷ đồng chưa kể mức chênh cũng tương tự. Hình ảnh người mua xếp hàng tại một dự án căn hộ ở TP.HCM ở thời điểm đó vẫn còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong mỗi câu chuyện sốt giá.
 
Tuy nhiên, quá khứ đã qua và hiện là cuộc chơi mới, nếu không có sự thay đổi đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều rủi ro thách thức. Các nhà đầu tư ngoại cũng phải có chiến lược riêng cho mình.
 
Điểm qua nhiều dự án mác triệu đô hay tỷ đô tại Việt Nam đều có điểm chung là điều chỉnh chiến lược dự án. Mới đây, nhà đầu tư đến từ Malaysia, Perdana ParkCity công bố đề xuất điều chỉnh giai đoạn 2 dự án từ chức năng nhà ở sang chức năng hỗn hợp thương mại.
 
Sau khi điều chỉnh, quy mô dân số đô thị giảm từ 35.000 người xuống 23.000 người, giảm diện tích đất ở và tăng diện tích đất công cộng hỗn hợp. Tổng Giám đốc ParkCity Hanoi cho biết đã giải ngân hơn 100 triệu USD cho khu đô thị, với quy mô dự án thì tổng chi phí đầu tư có thể lên 1 tỷ USD. Trước đó, Perdana Parkcity mua lại 100% cổ phần và tiếp quản CTCP Phát triển Quốc tế Việt Nam (VIDC).
 
Một dự án khác tại khu vực Hà Đông cũng đang trong quá trình điều chỉnh lại quy hoạch. Dự án Daewoo Cleve của Hibrand, một chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc cũng đã xin phép chuyển đổi 7 tòa chung cư còn lại sang thấp tầng. Doanh nghiệp này đang thiết kế sản phẩm để trình làng vào năm tới.
 
Dự án được nhiều người gọi là một "siêu" dự án căn hộ phía Tây Hà Nội, là dự án từng "sốt sình sịch" một thời có vốn đầu tư lên đến hơn 421 triệu USD, quy mô dự án bao gồm 15 tòa nhà cao cấp cao 36-40 tầng, tổng cộng trên 4.500 căn hộ.
 
Ngoài phát triển BĐS cao cấp, các nhà đầu tư ngoại cũng đang chuyển hướng sang phân khúc giá rẻ. Indochina Land, quỹ đầu tư bất động sản của Tập đoàn Indochina Capital, và Công ty cổ phần đầu tư Nam Long đã công bố hợp tác đầu tư vào dự án EHome 3 Tây Sài Gòn tại quận Bình Tân, TP.HCM. CapitaLand cách đây vài năm đã hướng vào phân khúc nhà thu nhập trung bình, với dự án khởi đầu là ParkSpring tại quận 2, TP.HCM.
 
Theo nhận định của một chuyên gia BĐS, trong bối cảnh hiện nay việc thay đổi kế hoạch để tồn tại với thị trường BĐS trong nước là điều tất yếu. Các nhà đầu tư ngoại đang chịu sự cạnh tranh gay gắt khi các nhà đầu tư trong nước sau một thời gian học hỏi đã có nhiều kinh nghiệm để phát triển dự án chẳng kém gì hàng ngoại. Bên cạnh đó, nhu cầu về phân khúc bất động sản cao cấp ít hơn nhưng càng khắt khe hơn.
 
Nhà đầu tư mắc kẹt

Làn sóng ngoại đã tạo ra một diện mạo đáng kể cho thị trường BĐS Việt Nam, tuy nhiên không ít đang trong tình trạng "trùm mền" và bị rút giấy phép. Đứng đầu trong số danh sách các chủ đầu tư có dự án bất động sản chậm tiến độ phải kể đến Công ty TNHH TSQ Việt Nam (100% vốn Ba Lan) với đại diện là dự án "Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây" tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội.
 
Tại Hà Nội, dự án Booyoung của Công ty Booyoung Vina (Hàn Quốc) được cấp phép từ năm 2006, dự án này vẫn chưa từng được xây dựng, do chủ đầu tư gặp khó khăn về thị trường cũng như khả năng tài chính. Ngay cả đến thời điểm này, cũng chưa có một dấu hiệu hồi sinh nào từ dự án này.
 
Hai đại dự án trên địa bàn TP.HCM là Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) và Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) do Tập đoàn Berjaya (Malaysia) đầu tư đang cùng... giậm chân tại chỗ sau nhiều năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 
Theo ý kiến của các chuyên gia, dù trải qua thời gian thăng trầm kéo dài nhưng bất động sản Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua nhiều hình thức.
 
Creed Group, quỹ đầu tư của Nhật Bản, vừa đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của mình tại thị trường Việt Nam thông qua Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để phát triển 3 dự án bất động sản.Tập đoàn Amata (Thái Lan) đề nghị đầu tư Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh.
 
Ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc ParkCity Hà Nội, cho biết, mặc dù điều chỉnh quy hoạch, nhưng vốn đầu tư tăng cao hơn trước do chi phí đầu tư cho các hạng mục như trung tâm thương mại, tiện ích, trường học tiêu chuẩn quốc tế rất tốn kém. Tổng vốn đầu tư cho ParkCity Hà Nội sẽ ngốn đến hàng tỷ USD.
 
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính tới cuối tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư hơn 1,2 tỷ USD vào 32 dự án mới và 4 dự án mở rộng tại Việt Nam. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư nhiều hơn 12 dự án so với năm ngoái và nhiều hơn gấp 3 lần so với năm 2012. Các con số trên phản ánh rõ xu hướng gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay.
 
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, đánh giá, hiện các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ bước từng bước và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơn. Nhưng với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ Việt Nam, về lâu dài sóng FDI vào Việt Nam sẽ có xu hướng mạnh dần.
 
Theo Dân Trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo