Hỗ trợ doanh nghiệp

Đạm Phú Mỹ: "Đổi mới để phát triển bền vững"

Thị trường urê tại Việt Nam trong thời gian tới được nhận định là rất khó khăn do nguồn cung dồi dào trong khi giá liên tục giảm. Nhận diện rõ thách thức này, thời gian qua Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, nhà sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phân bón thương hiệu Phú Mỹ) đã triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững vị thế hàng đầu của mình. Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT PVFCCo đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Hành trình 11 năm xây dựng và phát triển của PVFCCo đã ghi dấu ấn với nhiều thành tích ấn tượng. Ông có thể chia sẻ về những dấu mốc này cũng như tầm quan trọng đối với lộ trình phát triển của PVFCCo nói riêng, ngành phân bón Việt Nam nói chung?

Ngày 28/03/2014 vừa qua, PVFCCo kỷ niệm tròn 11 năm xây dựng và phát triển. Thành tựu  nổi bật nhất, đồng thời cũng là tài sản lớn nhất của PVFCCo chính là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có đủ tri thức, năng lực để nắm bắt, làm chủ công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Trong đó, chúng tôi rất tự hào là đã đào tạo được nhiều chuyên gia hỗ trợ đào tạo quản lý, vận hành các nhà máy phân đạm hoặc nhà máy hóa dầu khác.

Đóng bao xuất khẩu sản phẩm Đạm Phú Mỹ

 Về kinh doanh, PVFCCo đã xây dựng được hệ thống phân phối bền vững với nòng cốt là 4 công ty phân phối tại 4 vùng miền, 114 chi nhánh và đại lý cấp 1, hơn 3.000 đại lý cấp 2 trên khắp cả nước. Hệ thống kho, cảng đã được Tổng Công ty quy hoạch đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phục vụ công tác kinh doanh, hiện đạt sức chứa 250.000 tấn. Bên cạnh thương hiệu Đạm Phú Mỹ đã được bà con tín nhiệm, chúng tôi cũng đang tích cực phát triển các thương hiệu NPK Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ…

PVFCCo cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển thị trường quốc tế, mở rộng kinh doanh sang các nước trong khu vực với nhiều hoạt động phát triển thị trường, tiêu thụ phân bón Phú Mỹ tại Campuchia, Myanmar, Phillipnes, Malaysia… Dự kiến, trong những năm tới PVFCCo sẽ xuất khẩu 200.000-300.000 tấn phân bón ra thị trường nước ngoài, đóng góp vào khoảng 25% doanh thu, lợi nhuận chung của PVFCCo.

Trong công tác quản lý vận hành và sản xuất suốt thời gian qua, PVFCCo luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn sản xuất đạt và vượt công suất thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra PVFCCo và Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng đã chủ động xây dựng phương thức sản xuất hợp lý, có kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng. Các công tác bảo dưỡng, sửa chữa được lên kế hoạch chi tiết và được thực hiện kịp thời.

 Đạm Phú Mỹ tích cực tham gia các hoạt động xã hội

PVFCCo cũng được ghi nhận là một trong những đơn vị tích cực trong thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt là với đối tượng bà con nông dân nghèo tại các vùng sâu vùng xa. Tính đến nay, tổng số tiền mà chúng tôi dành để thực hiện an sinh xã hội là hơn 600 tỷ đồng.

Những thành công và dấu ấn này đồng thời cũng là nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển kế tiếp của PVFCCo nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển trở thành một doanh nghiệp đứng đầu cả nước và trong khu vực về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón, hóa chất chuyên dụng cho ngành dầu khí.

 Các doanh nghiệp trong ngành phân bón nói chung, phân đạm nói riêng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi nguồn cung dư thừa và giá liên tục giảm, với PVFCCo thì ra sao, thưa Ông?

 Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam nhu cầu urê khoảng 2 triệu tấn/năm. Về nguồn cung trong nước, đến cuối năm 2014, Việt Nam sẽ có 4 nhà máy sản xuất urê với công suất 2,66 triệu tấn/năm, không chỉ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thị trường nội địa mà còn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu urea với số lượng xuất khẩu dự kiến 660.000 tấn/năm. Mức độ cạnh tranh hiện nay đã khá khốc liệt vì ngoài các nhà máy trong nước, vẫn có một lượng lớn phân urea giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào theo đường tiểu ngạch, đẩy giá phân bón xuống thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.

Xét ở bình diện toàn cầu, thị trường phân ure thế giới cũng ở vào tình trạng cung vượt cầu giá trong xu hướng giảm và mức cạnh tranh cũng ngày một tăng cao.

Tất nhiên là PVFCCo không nằm ngoài bối cảnh chung của thị trường.Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động có những bước chuẩn bị tích cực để tăng sức cạnh tranh, cắt giảm chi phí nhằm giữ vững thị phần phân đạm trong nước, từng bước mở rộng thị phần sang các sản phẩm phân bón khác, các nước trong khu vực đồng thời tích cực triển khai đầu tư vào các dự án mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Để sản phẩm phân bón Phú Mỹ luôn là lựa chọn số 1 của bà con nông dân và PVFCCo giữ vững vị thế doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, theo ông những điều gì là quan trọng nhất?

Với sản phẩm phân bón thương hiệu Phú Mỹ, chúng tôi cam kết và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ (bao gồm cả hướng dẫn kỹ thuật, thông tin tuyên truyền và dịch vụ cung ứng hàng…), thời gian cung cấp hàng phù hợp với mùa vụ.

Đối với PVFCCo, chúng tôi xác định: Mục tiêu đầu tiên cũng là mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là xây dựng và duy trì được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, tinh nhuệ, dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp đã được các thế hệ CBCNV PVFCCo dày công xây dựng.

Mục tiêu thứ hai cũng không kém phần quan trọng là tập trung đa dạng hóa sản phẩm. Trong thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án sản xuất về phân bón hóa chất, cụ thể là hai dự án quan trọng: dự án sản xuất hóa chất UFC85/Formaldehyde; tổ hợp dự án nâng công suất xưởng Amoniac Nhà máy Đạm Phú Mỹ thêm 90.000T/năm và sản xuất 250.000T NPK từ công nghệ hóa học. Hai dự án này đi vào hoạt động sẽ giúp PVFFCo có sự tăng trưởng khá về năng lực sản xuất và tiêu thụ từ năm 2016 -2017.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định phải không ngừng đổi mới và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các đối thủ.

Được biết ông mới chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT PVFCCo từ tháng 12/2013, xin Ông có thể chia sẻ cảm xúc sau thời gian ở cương vị mới?

Mặc dù nhận nhiệm vụ tại PVFCCo chưa lâu nhưng tôi đã cảm nhận sâu sắc giá trị cốt lõi của văn hóa PVFCCo, đó là "chuyên nghiệp - hiệu quả; năng động - sáng tạo; khát vọng - vươn xa; và trách nhiệm - sẻ chia". Tôi cam kết sẽ cùng tập thể Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa PVFCCo ngày càng sâu rộng, quản trị minh bạch, vận hành hiệu quả; đưa PVFCCo ngày càng phát triển và đem lại lợi ích tối đa cho các cổ đông, nhà đầu tư; đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như ngành nông nghiệp nước nhà.

Trong cam kết này, cá nhân tôi rất vui mừng vì tháng 3 vừa qua đã đăng  ký mua thành công 50.000 cổ phiếu DPM, vì đây là thể hiện nguyện vọng của tôi được gắn bó và cống hiến lâu dài cho sự phát triển bền vững của Tổng Công ty. 

 Xin cảm ơn ông! 

                                                                                    

Anh Đào
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo