Hỗ trợ doanh nghiệp

Đầu tư ở nước ngoài: Bao giờ cho đến mùa vàng?

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường nước ngoài. Nhưng tiền ra thì nhiều, còn tiền về chưa được bao nhiêu.

 

Với nội lực đang ngày một tăng lên cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu, rộng hơn với khu vực và thế giới, các doanh nghiệp Việt ngày một tự tin hơn trên con đường chinh phục thị trường quốc tế.  

 
Đại gia Việt dốc vốn
 
Trong những ngày cuối năm 2014, hàng không Thái Vietjet (ThaiVietjet) đã chính thức ra đời với sự góp vốn của hãng hàng không Thái Lan Kan Air (51%) và Vietjet Air (49%) - một tên tuổi đang nổi lên ở Việt Nam.
 
Lên kế hoạch từ hơn một năm trước và giờ kế hoạch đó đã được hiện thực hóa nên sự kiện này là tin mừng không chỉ với riêng hai nhà đầu tư mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan. 
 
Nhưng không chỉ là ThaiVietjet, cuối năm 2014, giới truyền thông Việt Nam cũng đã dồn dập đưa tin việc Viettel sẽ tham gia một dự án trị giá 1,8 tỷ USD ở Myanmar, trong đó Viettel góp 800 triệu USD. Đây là bước đi tiếp theo của Viettel trong hành trình chinh phục thị trường nước ngoài, sau khi khai trương dịch vụ di động với thương hiệu Bitel tại Peru vào giữa tháng 10/2014, cũng như sau khi chính thức cung cấp dịch vụ di động tại Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Đông Timor và Cameroon.
 
Chỉ riêng trong năm 2014, Viettel đã có mấy dự án lớn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án đầu tư Mạng viễn thông tại Tanzania, với vốn đầu tư 355,2 triệu USD; Dự án đầu tư Mạng viễn thông tại Burundi, với vốn đầu tư 170 triệu USD… Sau khi được cấp phép đầu tư tại Tanzania Viettel cũng đã đề cập tới kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD để phát triển mạng 3G của nước này. Chưa kể, những thông tin gần đây cho thấy, Viettel đã có kế hoạch “lấn sân” sang Congo, Kenya…
 
Một đại gia khác - FPT - cũng đã đánh dấu một năm 2014 thật đặc biệt bằng việc vượt qua một công ty sừng sỏ, đứng trong top 3 công nghệ thông tin của Ấn Độ để giành quyền mua lại RWE IT Slovakia. Thông tin chi tiết vụ mua lại này không được tiết lộ, song hẳn nhiên, FPT cũng đã phải dốc hầu bao để có được vị thế và thị trường tại Slovakia, sau đó là các thị trường châu Âu.
 
Nhằm thực hiện chiến lược toàn cầu hóa, tháng 11/2014 FPT cũng đã chính thức khai trương văn phòng mới tại Los Angeles (Mỹ) với quy mô hơn 500 m2.
 
Thực tế, không khó để tìm kiếm thông tin về việc các đại gia Việt Nam “đánh đông, dẹp bắc” ở xứ người. Ngoài những cái tên trên, còn có thể kể đến Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, CT Group, Gemadept, gần đây là Tập đoàn Xuân Thành. 
 
Không tính “đại gia”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đã “rủ nhau” chinh chiến ở xứ người. Chỉ trong năm 2014 đã có thể nhắc tới các cái tên như Công ty cổ phần An Đông Mia (80,4 triệu USD), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD), Công ty cổ phần Dầu Tiếng - Kratie (63,8 triệu USD) và Công ty cổ phần Tân Biên Kampong Thom (61,98 triệu USD). Chưa kể, hàng loạt tên tuổi doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam… PetroVietnam vào giữa tháng 11/2014, nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng đã ký 4 thỏa thuận quan trọng với các đối tác Nga. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận về việc thành lập công ty liên doanh để thăm dò khai thác mỏ Dolghinskoe (nằm ở phần trung tâm của Biển Pechora - Nga) với Gazprom Neft…
 
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2014, đã có 108 dự án mới được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 14 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 564 triệu USD. Như vậy, trong năm 2014, tính cả vốn cấp mới và tăng thêm, các doanh nghiệp Việt Nam đã lên kế hoạch dốc trên 1,6 tỷ USD để đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ - một con số không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
 
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên mạnh hơn. Từ một quốc gia chỉ biết nhận đầu tư, thậm chí là nhận đầu tư bằng mọi giá, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường quốc tế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận. 
 
Vui buồn mấy nỗi…
 
Vui là dễ hiểu, khi làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang lan rộng. Tính lũy kế cho đến nay, hơn 19 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư ở nước ngoài. Dòng vốn này sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới khi kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam như: Viettel, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục được triển khai.
 
Viettel, ngoài các thị trường hiện tại còn đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Belarus, Burkina Faso… Tập đoàn này cũng đã không giấu giếm tham vọng đầu tư ở 25 thị trường khác nhau, trong đó có một thị trường nước ngoài có 600 - 800 triệu dân vào năm 2020 và lọt vào top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.
 
Trong một báo cáo gần đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư sang Lào và Campuchia đã nhắc tới một loạt dự án mà doanh nghiệp Việt đang “chờ” được cấp phép. Chẳng hạn, Dự án Khoáng sản tại huyện Attapeu, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn hay Dự án Khảo sát thăm dò khai thác khoáng sản Barite tại Savanakhet (Lào)… Nhưng nếu nhìn vào số lượng dự án (khoảng 1.000 dự án) và số vốn đầu tư đăng ký thì thấy rõ tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn rất hạn chế. Cho tới nay, số vốn giải ngân thực tế mới chỉ suýt soát 6 tỷ USD, trong đó riêng năm 2014 là khoảng 1 tỷ USD. Song những thành tựu đầu tiên trong quá trình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp là đáng ghi nhận.
 
Viettel có thể nói là một trong những doanh nghiệp Việt thành công nhất ở thị trường nước ngoài, với vị thế hàng đầu ở các thị trường Lào, Campuchia, Mozambique… 
 
Hàng loạt dự án trồng cao su, khai thác khoáng sản, làm thủy điện… ở Lào, Campuchia cũng đã đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội quốc gia sở tại. Chẳng hạn, các dự án của doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào đã mang lại doanh thu khoảng 150 triệu USD trong năm 2014, đóng góp 1,3% tổng GDP của Lào. Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng đó, đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia như Lào, Campuchia... Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã khẳng định điều này và cho rằng, đầu tư ra nước ngoài thành công là một cách để khẳng định vị thế của Việt Nam. Mặc dù vậy, cho tới nay, câu hỏi luôn được đặt ra cho các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt là: vốn bỏ ra lớn nhưng lời lãi được bao nhiêu? Năm 2013, tổng doanh thu từ các đơn vị ở nước ngoài của Vietel đã cán mức 1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2012, lợi nhuận đạt 150 triệu USD. Năm 2014, theo thông tin ban đầu, khả năng doanh thu của Viettel từ thị trường nước ngoài khoảng 1,2 tỷ USD.
 
Trong khi đó, 11 tháng đầu năm, hoạt động toàn cầu hóa của FPT đạt doanh thu 3.216 tỷ đồng, tương đương 152 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước lợi nhuận trước thuế đạt 527 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Hoàng Anh Gia Lai năm ngoái cũng đã công bố các khoản thu đầu tiên ở thị trường nước ngoài, còn năm nay chưa có số liệu chính thức được công bố. Thực tế, ngoài các thông tin nhỏ giọt như vậy, dư luận cũng ít được biết thực sự thì các dự án đầu tư ra nước ngoài mang lại hiệu quả thế nào cho cá nhân nhà đầu tư và cho kinh tế đất nước, nhất là khi các khoản đầu tư đó xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước…
 
Bình luận về điều này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã từng nhắc đến việc phần lớn các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn đầu triển khai, thậm chí chỉ đang thăm dò… nên khó có thể kỳ vọng thu được lợi nhuận về ngay.
 
 
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo