Đầu tư Thái Nguyên: Không còn ‘trên rải thảm, dưới rải đinh’
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thái Nguyên đang nằm trong số 15 tỉnh có sự tiến bộ về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là 1 trong 2 tỉnh có chỉ số tốt nhất miền Bắc. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017 xếp thứ 17/63 cũng cho thấy những nỗ lực của Thái Nguyên trong cải cách thủ tục hành chính.
Với những con số ấn tượng trên, Hội nghị Xúc tiến đầu tư-Chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư” dự kiến diễn ra vào 1/7 được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị Thái Nguyên sẽ công bố 65 dự án mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp (15 dự án); Nông nghiệp (19 dự án); Hạ tầng thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch (12 dự án); Giao thông - đô thị (15 dự án); Y tế, giáo dục (4 dự án).
Hướng tới xúc tiến đầu tư toàn diện
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyễn Vũ Hồng Bắc, đến nay, tỉnh đã có sơ bộ danh mục các dự án được Quyết định chủ trương đầu tư; danh sách các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các dự án được ký biên bản ghi nhớ đầu tư. Trong đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và 4 lĩnh vực trọng tâm.
Cụ thể, Thái Nguyên vẫn xác định công nghiệp là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, trọng tâm, có tính chất nền tảng. Do đó, tỉnh sẽ tiếp cận các nhà đầu tư có lợi thế trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo hướng vào các khu công nghiệp (Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp, đã lấp đầy được 2 khu, 4 khu đang mở rộng).
Đồng thời, từ thực tiễn còn nhiều hạn chế về du lịch, tỉnh cũng ưu tiên phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ với kỳ vọng vào sự hợp tác với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Xuân Trường, Trường An, Sun Group, Vin Group, FLC…
Tiếp đến, Thái Nguyên chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Hiện một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã quan tâm đến lĩnh vực này tại Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, từ nhu cầu đầu tư phát triển đô thị, Thái Nguyên cũng mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị theo hướng văn minh, tiêu chuẩn cao, có hạ tầng tốt, cây xanh, vỉa hè, các khu nhà ở… khách sạn cao cấp, nhà vườn, nhà nghỉ sinh thái gắn với văn hóa của dân tộc… Hiện một số nhà đầu tư đã có biên bản ghi nhớ với Thái Nguyên trong lĩnh vực này như FLC, Vin Group…
Ngoài 4 lĩnh vực ưu tiên trên, ông Vũ Hồng Bắc cho biết tỉnh cũng quan tâm thu hút đầu tư vào trường học, bệnh viện. Tới đây, Thái Nguyên sẽ cấp phép cho nhà đầu tư xây dựng bệnh viện với số vốn hơn 1.200 tỷ. “Với xu hướng này, bên cạnh những dự án về kinh tế, du lịch, nông nghiệp sẽ có các đầu tư về xã hội, trường học, bệnh viện chất lượng cao để bảo đảm xúc tiến đầu tư toàn diện”, ông Bắc nhấn mạnh.
Tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” đầu tư
Ông Vũ Hồng Bắc cho biết: “Chúng tôi phê phán những biểu hiện cản trở sự phát triển, đặc biệt là hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp”. Đồng thời, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực.
Khẳng định tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” không còn nhưng ông Vũ Hồng Bắc thẳng thắn cho rằng Thái Nguyên còn tồn tại tình trạng vô cảm của một số cán bộ công chức, đặc biệt là ở những bộ phận có liên quan đến các thủ tục hành chính và ở cơ sở (xã, phường)…
Vì vậy, để có thể song hành với các doanh nghiệp cũng như vì sự phát triển địa phương, đại diện tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào việc giải quyết những “điểm ngẽn”, cản trở đến thu hút đầu tư.
Từ việc phát huy những thành công đang ghi nhận trong công tác tác hỗ trợ nhà đầu tư như: Giải phóng mặt bằng nhanh chóng; xây dựng quy hoạch ổn định; cải cách về thủ tục kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử (giúp doanh nghiệp giảm 2/3 thời gian so với trước đây); áp dụng cơ chế một cửa liên thông, đăng ký kinh doanh điện tử tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (rút thời gian, thủ tục đăng ký kinh doanh còn 2 ngày, thủ tục cấp phép đầu tư xuống còn 15 đến 20 ngày)… Nhiều nhà đầu tư, chuyên gia cũng mong muốn có những tín hiệu tích cực, cụ thể, toàn diện hơn từ phía các cơ quan chức năng của Thái Nguyên.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Điều các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trông mong là chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp có các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện nhất quán chính sách của địa phương. “Làm sao để từ những người lãnh đạo đứng đầu của tỉnh đến các công chức chuyên viên của các sở ngành, quận huyện, thậm chí cấp xã, phường có thể nhất quán”.
Trong cải cách thủ tục hành chính, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần tìm ra các giải pháp để những chủ trương tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trở thành hành động hằng ngày của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở, đó là một bài toán khó của các cấp lãnh đạo.
Còn theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời, để giúp những dự án của nhà đầu tư thành hiện thực, giới doanh nhân mong môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện hơn nữa. Ông Thời cũng quan tâm đến việc công bố đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cam kết giải phóng mặt bằng của tỉnh.
Ngoài ra, ông Thời kỳ vọng “giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương phải có sự cộng sinh, hỗ trợ để khai thác thế mạnh của nhau”. Trong đó, ông Thời cho biết, thông qua việc hợp tác với Công ty Samsung trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp địa phương đã học tập được nhiều công nghệ mới và có nhiều cải thiện trong quản trị. Từ năm 2012 đến nay, bình quân tăng trưởng của doanh nghiệp địa phương là trên 50%, tăng cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước khi Samsung vào Thái Nguyên. Đấy là con số chứng minh cho việc học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp FDI.
“Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên tới đây không phải như một lễ hội mà là những cam kết, thông điệp thực chất của lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ nỗ lực, đồng hành với các nhà đầu tư để sớm hiện thực hóa các dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cam kết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo