Hỗ trợ doanh nghiệp

Để bứt phá, doanh nghiệp cần Chính phủ hành động

Số doanh nghiệp thành lập mới phá vỡ mọi kỷ lục. Dòng vốn đầu tư tư nhân áp đảo trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội... Động lực quan trọng của nền kinh tế đang hội tụ năng lượng mới, cần cơ chế, dư địa để bứt phá.

Ấn tượng thuộc về doanh nghiệp tư nhân

Cho tới thời điểm này, những xôn xao về tỷ lệ 6,81% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 vẫn chưa hết, nhất là khi nền kinh tế bước vào năm 2017 với khá nhiều bấp bênh, tăng trưởng quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm, lạm phát tăng...

Nhưng, với những người kinh doanh, không có gì quá bất thường.

“Chỉ cần nhìn vào số lượng, quy mô doanh nghiệp thành lập mới, nhìn vào số vốn đầu tư của khu vực tư nhân, nhìn vào những dự án mà các doanh nghiệp tư nhân đang làm, sẽ thấy không có gì bất thường, nhưng ấn tượng thì chắc chắn có”, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc SAM Holdings chia sẻ quan điểm.

Khu vực kinh tế tư nhân dồi dào năng lượng, tràn trề sức sáng tạo đang cần dư địa, cần môi trường thuận lợi để cất cánh. Ảnh: Đức Thanh.

Thói quen dựa vào phần vốn đầu tư của Nhà nước, của khu vực doanh nghiệp nhà nước để tính đếm tăng tưởng cho nền kinh tế quá lâu, khiến khi khu vực này chậm lại, mọi bài toán đều trở nên hóc búa.

Trong khi đó, Vietjet Air chỉ sau vài năm gia nhập thị trường đã có tên trong các thương hiệu có giá nhất Việt Nam năm 2017. Trong lĩnh vực xây dựng, các nhà thầunội được thừa nhận ở tầm khu vực và quốc tế vắng bóng thương hiệu có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước, chỉ thấy Coteccons, Hòa Bình, Delta...

Các doanh nghiệp mới thành lập cũng lớn dần lên, khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thậm chí, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn phải dùng tính từ mạnh để kể về cảm nhận với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, mà ông cho rằng, đang báo hiệu sự đột phá.

“Tôi vừa đi Vân Đồn về, sửng sốt thấy dự án sân bay Vân Đồn đã gần xong, chuẩn bị đón khách. Nếu là một doanh nghiệp nhà nước làm, chắc sẽ đình đám lắm và cũng... lâu lắm. Đã đến lúc, tư duy, cách nhìn về phát triển phải rất khác”, TS. Thiên không dấu cảm xúc của mình.

 

Nấc trần... thủy tinh

Rõ ràng, khu vực kinh tế tư nhân đang làm nên những thay đổi mang tính đột phá của nền kinh tế, thậm chí là chủ nhân của sự đột biến trong tăng trưởng năm 2017. Nhưng vấn đề là, một doanh nghiệp nhỏ rất dễ đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt, nhưng giá trị sẽ rất khác so với các bước đi của những người khổng lồ.

“2 năm vừa qua, nền kinh tế đã bắt đầu có sự dịch chuyển trong lĩnh vực, ngành nghề, tăng trưởng không còn dựa vào khai thác tài nguyên, dầu thô... Nhưng sự dịch chuyển này chưa đạt đến đẳng cấp mà nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn diện đang cần, đó là tăng trưởng dựa trên sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, giá trị gia tăng cao. Để đạt được điều này, sự vận động riêng của từng doanh nghiệp không tạo ra được, vì vướng trần... thủy tinh”, ông Thiên thừa nhận.

Trong thực tiễn phát triển của các nền kinh tế, trước mỗi nấc thang phát triển, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, giới nghiên cứu đều nhắc tới nấc trần thủy tinh – đó là nấc trần về tư duy, về thể chế - vốn không dễ nhận thấy, song lại là lực cản vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thậm chí còn cho rằng, để tạo nên bước đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân, cho nền kinh tế, cách duy nhất là “đục trần”.

 

“Sẽ cần phải có thay đổi, thậm chí là làm mới, chứ không phải chỉnh sửa cách làm cũ, theo tư duy thị trường trong quản lý nhà nước, trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Khi nào các bộ, ngành phải đặt được câu hỏi doanh nghiệp cần hỗ trợ gì để phát triển, để cạnh tranh được khi làm chính sách, thay vì mục tiêu quản lý thế nào, khi đó nấc trần thể chế sẽ được mở”, ông Cung khuyến nghị.

Còn hiện tại, nấc trần tư duy, thể chế vẫn đang khiến thị trường các nhân tố sản xuất không thể phát huy được hiệu suất, thậm chí phát triển méo mó. Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, đất đai. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa hình thành, khiến doanh nghiệp không thể tích tụ ruộng đất theo nhu cầu và tín hiệu thị trường, người nông dân không có động lực đầu tư, cải tiến năng suất cho đồng đất của mình...

Hệ quả là nguồn lực vốn hữu hạn của nền kinh tế không được dẫn tới những sử dụng hiệu quả nhất. Khu vực kinh tế nhân dồi dào năng lượng, tràn trề sức sáng tạo không có đất thể hiện...

Doanh nghiệp vẫn cần Chính phủ hành động

Ông Trần Anh Vương khá phấn khích với lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với những người ngồi hàng ghế thứ 2, thứ 3… về các nhiệm vụ phải làm tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

 

“Khi Thủ tướng nói là nếu những người ngồi ở hàng thứ 2, thứ 3 trong hội trường hôm đó, là lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục, các cơ quan liên quan… mà không làm, thì hàng thứ nhất - là lãnh đạo các bộ, ngành cũng không có tác dụng nhiều, chúng tôi tin năm 2018 sẽ là một năm Chính phủ hành động vô cùng quyết liệt”, ông Vương nói.

Còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017, cuộc khảo sát tại chỗ với gần 1.000 doanh nhân có mặt về các yêu cầu của họ với Chính phủ đã cho kết quả, 65% chọn “hành động”, 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”.

“Nếu bây giờ được hỏi lại đúng câu này, tôi tin các đồng nghiệp của tôi vẫn sẽ chọn hành động. Khi Chính phủ quyết tâm hành động, các vấn đề khác sẽ được giải quyết hết”, ông Vương thẳn thắn.

Đây không phải là ý kiến chủ quan, bởi là nhà đầu tư đa ngành, ông Vương phải đối mặt với khá nhiều phức tạp, rối rắm từ các quy định không phù hợp, thiếu khả thi, gây tổn phí không chỉ tiền bạc, mà quan trọng là thời gian, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020, khó khăn vẫn lấn át.

 

Để nhập 1 chiếc điều khiển cần trục xe nâng, trọng lượng chỉ 1,2 kg, doanh nghiệp phải làm thủ tục 8 lần tại nhiều bộ phận khác nhau của 2 Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Để hoàn tất thủ tục liên quan đến kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động, doanh nghiệp phải làm việc với 10 bộ... Để thực hiện thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho lô hàng gồm 6 máy xay thịt, doanh nghiệp phải thử nghiệm sản phẩm tại đơn vị được Bộ Y tế chỉ định với mức phí 22.900.000 đồng. Tổng phí kiểm tra chuyên ngành đối với 1 lô hàng 28.500 tấn khô dầu đậu tương, nhập khẩu qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh) của 29 doanh nghiệp lên tới khoảng 157 triệu đồng, trong đó, phí kiểm tra chất lượng khoảng 123 triệu đồng, phí kiểm dịch thực vật khoảng 34 triệu đồng...

Vấn đề nằm ở chỗ, số lượng văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành lên tới khoảng 430 văn bản, tăng nhanh, nhiều. Hơn thế, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) còn nói, không khó tìm tình trạng một quy định của luật, nhưng mỗi nghị định, thông tư lại có quy định chi tiết khác nhau, mỗi bộ phận trong cùng một bộ lại có cách áp dụng khác nhau.

“Trong trường hợp này, cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan đều gặp khó. Chúng tôi đã có khuyến nghị chi tiết gửi Chính phủ, đề xuất sẽ ban hành tiếp tục Nghị quyết 19 của năm 2018”, bà Thảo cho biết.

Rõ ràng, không có cách nào khác, để doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh hiệu quả, đúng xu hướng thị trường, Chính phủ phải dốc sức.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo