Hỗ trợ doanh nghiệp

Diễn đàn M&A Việt nam 2012: Kết nối cơ hội đầu tư

Diễn đàn Mua bán, sáp nhập (M&A) năm 2012 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức hôm qua (ngày 7/6) thực sự trở thành kênh kết nối các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tái cấu trúc sẽ đẩy M&A bùng nổ



Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2012, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, giá cả, lạm phát đã cơ bản được kiềm chế, nhập siêu giảm trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể có tác động tích cực trong cân đối và tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi phải đẩy nhanh quy trình tái cấu trúc, nhất là tái cấu trúc đầu tư, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng.

 

Trong bối cảnh đó, hoạt động M&A đang được các cơ quan quản lý nhà nước hết sức quan tâm. Sự gia tăng mạnh số thương vụ M&A thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã coi đó là một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường và là một trong những giải pháp để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động.



Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho rằng, Diễn đàn M&A 2012 là điểm kết nối để các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A.

 

Qua đó, giới thiệu các dự án đầu tư với đối tác, quỹ đầu tư quốc tế, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam theo hình thức M&A, nhất là trong ngành hàng tiêu dùng và tài chính.


M&A tại thị trường Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề, nhất là đối với ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, xu hướng M&A ở Việt Nam được dự báo sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới. 



M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ sôi động



Giám đốc điều hành phụ trách đầu tư và quản lý nguồn vốn Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho biết, ước tính các hoạt động M&A năm 2012 sẽ tăng từ 20 đến 40%. Đáng chú ý là, nhà đầu tư Nhật Bản đang dần tham gia nhiều vào hoạt động M&A.

 

Trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng và ngân hàng sẽ được các nhà đầu tư chú ý nhiều nhất, khi xu hướng M&A ở hai lĩnh vực này đang diễn ra khá sôi động.



Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê - tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng sẽ là cơ hội cho hoạt động M&A bùng nổ. Quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới cũng là cơ hội để M&A phát triển và nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội kinh doanh.



Ông Lê Đức Thúy, Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, M&A là một trong những giải pháp trong việc thực hiện đề án tái cấu trúc ngành mà Chính phủ và 
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện. Vì thế, tiềm năng cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này sẽ còn lớn trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, theo ông Thúy, việc tái cơ cấu của ngành ngân hàng hiện chỉ ở giai đoạn sơ khai, mới sắp xếp được thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, yếu kém, kế tiếp là xử lý nợ xấu đang tồn đọng, gia tăng và tiềm ẩn.


Giám đốc Đầu tư và cố vấn HĐQT Ngân hàng HDBank, ông Hạ Bá Trực cho rằng, động lực thúc đẩy M&A lĩnh vực ngân hàng là định hướng của Chính phủ và 
Ngân hàng Nhà nước về thực hiện đề án tái cấu trúc ngành. Áp lực cạnh tranh tăng cao khiến các ngân hàng nghĩ đến việc hợp nhất để tăng quy mô.

 

M&A là chiến lược hiệu quả để tăng khách hàng, phát triển mạng lưới kinh doanh, cũng như gia tăng thị phần. Tuy nhiên, nhiều thương vụ M&A thất bại trong quá trình hậu sáp nhập, do bỏ qua các thách thức tiềm ẩn về việc tích hợp, đánh giá quá cao sức mạnh tổng hợp.



Ông Yutaka Abe, Ngân hàng Mizuho (thành viên HĐQT Vietcombank) cho biết, ngành ngân hàng Nhật Bản đang dần thu hẹp, nên các tập đoàn tài chính Nhật Bản đang từng bước tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài thông qua hình thức M&A.

 

Trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Vì thế, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư qua hoạt động M&A tài chính sẽ còn gia tăng.



Cải cách khung pháp lý để tận dụng tiềm năng M&A



Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính và M&A, khung pháp lý chưa thực sự hoàn thiện vẫn là rào cản lớn đối với hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam. Vì thế, cần phải cải cách tức thời về khung pháp lý để tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường.



Luật sư thành viên (Luật sư nước ngoài) Công ty Kelvin Chia Partnership Gregory Crovo cho rằng, đa số các giao dịch M&A tại Việt Nam (77%) là các giao dịch hoàn toàn giữa các nhà đầu tư trong nước và không có bất kỳ yếu tố nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia.

 

Tuy nhiên, đến 66% tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam lại đến từ đầu tư nước ngoài, trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang dẫn đầu cả về số lượng và giá trị của các giao dịch.



Trong xu thị trường nói trên, Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 có chung nhận định rằng, số lượng và giá trị của các giao dịch M&A tại Việt Nam còn tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.

 

Điều đáng lưu ý hơn là, các con số này ngày càng tăng, bất chấp bối cảnh hệ thống quy định pháp luật liên quan đến M&A của Việt Nam, dù đang phát triển, nhưng vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và đòi hỏi những cải cách tức thời để tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo