Hỗ trợ doanh nghiệp

DN kinh doanh, lắp ráp máy tính chuyển hướng hoạt động

Các công ty máy tính để bàn (PC) đang đối mặt với những khó khăn khi thị phần sụt giảm liên tục trong suốt những năm qua. Để tồn tại, các doanh nghiệp đang phải chuyển hướng hoạt động.

(TBKTSG) Một báo cáo của hãng nghiên cứu IDC thấy, máy tính để bàn (PC) giảm doanh số trung bình từ 15% đến 30% trong vòng hai năm qua. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm này gần như chỉ thu hẹp vào các phân khúc tiêu dùng doanh nghiệp, văn phòng hoặc khối giáo dục, đặc biệt là các khu vực vẫn đang đầu tư mạnh cho việc phổ cập tin học.

Ông Nguyễn Đức Điền, Giám đốc đối ngoại của Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Robo, đơn vị chuyên về sản xuất và lắp ráp máy tính, cho hay doanh thu của máy tính để bàn đang sụt giảm nhanh trong năm năm trở lại đây. Nguyên nhân là do công nghệ đã thay đổi và người tiêu dùng có xu hướng chọn máy tính cá nhân (laptop) và máy tính bảng thay thế cho PC. Ngoài ra, sản phẩm điện tử đang chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế suất ở mức 0% theo các cam kết thương mại.

Mới đây, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính) cho hay Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì cơ bản đến năm 2014 sẽ thực hiện cắt giảm xuống còn thuế suất 0% đối với mặt hàng nhập khẩu như máy nguyên chiếc, vật tư, linh kiện lắp ráp điện tử. Việc cắt giảm thuế suất này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp lắp ráp điện tử, trong đó có lắp ráp máy tính. Thị trường máy tính bị thu hẹp và bị chi phối bởi các sản phẩm nhập ngoại khiến nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc phải chuyển hướng kinh doanh sang mảng thương mại hoặc dịch vụ.

Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra tại TP.HCM, bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu - Vụ Chính sách thuế, nói rằng, lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử và máy tính trước đây có khoảng 60 doanh nghiệp tham gia nhưng nay gần một nửa số này phải đóng cửa sau khi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện giảm còn 0% đến 5%.

Trước khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp lắp ráp máy tính buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ông Điền nói rằng Robo đang tái cơ cấu lại và đẩy mạnh mảng dịch vụ công nghệ thông tin thay vì chỉ lắp ráp và bán linh kiện máy tính đơn thuần như trước.

Theo đó, Robo đã bắt tay với hãng Cisco để trở thành đơn vị tư vấn và triển khai giải pháp ảo hóa máy tính để bàn (Desktop Virtualization) của hãng này cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một chuyển động khác là các công ty lắp ráp khác đẩy mạnh dịch vụ cho thuê máy tính nhằm tạo doanh số ổn định hơn cho mặt hàng PC và giữ vững phân khúc truyền thống là doanh nghiệp, khối văn phòng và giáo dục.

Hiện, mức phí cho thuê chỉ chiếm khoảng 25% so với tổng chi phí bỏ ra mua toàn bộ các PC mới. Thuê máy tính đang là giải pháp tốt, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi họ không phải tốn thêm chi phí cho bảo trì, sửa chữa định kỳ hoặc nâng cấp máy.

Các doanh nghiệp lắp ráp máy tính nói rằng trung bình một bộ máy tính, sau khi cho thuê khoảng 3 - 4 khách hàng thì doanh nghiệp đã có thể đảm bảo hòa vốn và sau đó có thể thanh lý để lấy đó làm khoản lợi nhuận.

Hiện, dịch vụ cho thuê PC đang thu hút nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy tính tham gia như Công ty máy tính CMS (một công ty con của Tập đoàn Công nghệ CMC), Tiên Phong, Hoàn Long, Thời Gian Vàng…

 

 

Hà Vân
         

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo