DN vẫn khó tiếp cận bảo hiểm tín dụng XK
(danviet) Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là công cụ bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu trước rủi ro thương mại của nhà nhập khẩu như: Mất khả năng thanh toán nợ, phá sản, kéo dài, trì hoãn thanh toán và một số rủi ro thương mại nhất định.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đang rất phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia vào loại hình này còn rất hạn chế. Theo ông Mai Hồng Việt – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bảo Việt Tokio Marine, công tác tiếp thị, tuyên truyền còn hạn chế đã khiến loại hình bảo hiểm này chưa đến được với nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, phí bảo hiểm tương đối cao cũng như bản thân các công ty bảo hiểm ở Việt Nam chưa phát triển mạnh đang là trở ngại lớn để doanh nghiệp tiếp cận. Ông Đặng Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, vì vậy việc áp dụng mức phí bảo hiểm quá cao (từ 0,2-0,5%/doanh số bán hàng) sẽ khiến các doanh nghiệp không kham nổi.
Trong khi đó, bà Trương Tuyết Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, thời gian bồi thường do trì hoãn thanh toán theo quy định là 180 ngày, như vậy là quá dài. Mặc dù vậy, ông Việt cho rằng, loại hình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn là giải pháp cần thiết với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, loại hình bảo hiểm này sẽ tăng được khả năng kiểm soát dòng tiền và các khoản phải thu của doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản nợ xấu. Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của loại hình này, Chính phủ đang thực hiện chính sách hỗ trợ 20% phí cho các doanh nghiệp khi tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Hiện các nhóm ngành được Chính phủ đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phí bảo hiểm gồm: Thủy sản, gạo, cao su, cà phê, dệt may, giày dép…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, với mức phí bảo hiểm quá cao, trong khi Nhà nước hỗ trợ chỉ có 20% là chưa phù hợp. Vì vậy, Nhà nước cần có những hỗ trợ hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Tuấn Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo