Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần gì, làm gì?

Những vấn đề trên được đặt ra và thảo luận tại “Bàn tròn doanh nhân” do Báo Người Lao Động thực hiện trong tuần với chủ đề “Doanh nghiệp đang cần gì nhất?”, nhằm hướng tới ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10)

Mở cửa hội nhập, gia nhập các cộng đồng kinh tế chung… diễn ra ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, phân phối bán buôn bán lẻ, dịch vụ và kể cả logistic (kho vận). Nhiều cơ hội đang mở ra trong sân chơi mới quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp (DN) cần gì, chuẩn bị gì cho cuộc chơi chung đang là nỗi trăn trở lớn.

Liên kết để vượt khó

Ông Nguyễn Lâm Viên - Phó Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit - cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 53.192 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn 320.300 tỉ đồng, tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy DN đã quay lại đầu tư làm ăn nhiều hơn. Tăng trưởng vốn của các DN không chỉ từ nguồn trong nước mà còn có sự tham gia của các DN nước ngoài thông qua góp vốn, mua bán chuyển nhượng…

Sản xuất bóng đèn tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (TP HCM).

Nếu trước đây DN trong nước phải ra ngoài tìm nhà đầu tư thì hiện tại, DN ngoại đang tràn vào Việt Nam, liên doanh, liên kết với DN trong nước hoặc thành lập DN CP mới để tận dụng khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại. Trong bối cảnh này, điều cốt lõi là DN phải khai thác được thị trường trong nước. Ngoài ra, việc chọn liên kết với ai cũng là thách thức lớn.

“Cơ hội của chúng ta lớn hay nhỏ tùy thuộc vào chúng ta có gì trong tay. Nước mạnh nhất về nông nghiệp ở gần chúng ta là Thái Lan, Trung Quốc, Nhiều tập đoàn lớn của Nhật, Mỹ cũng chuẩn bị nhảy vào Việt Nam. Các DN này có tính chuyên nghiệp cao, khả năng hỗ trợ của các công cụ thiết bị tốt… Không chỉ những DN lâu đời như Vinamit mà các DN mới thành lập càng phải thận trọng. Chúng ta đừng trông chờ vào liên kết ở bên ngoài mà ngay bản thân các DN trong nước cũng nên liên kết với nhau, nếu không thì khó có thể vượt qua thách thức” - ông Viên nói.

Dưới góc nhìn của một nhà bán lẻ, theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, DN bán lẻ nội địa phải chấp nhận cạnh tranh với những người chơi mới mạnh hơn, giỏi hơn. Trong khi các đối thủ ngoại có nguồn tài chính dồi dào, tích lũy hàng trăm năm tại những thị trường phát triển, có kinh nghiệm vận hành bán lẻ chuyên nghiệp, có hệ thống chuỗi toàn cầu thì DN Việt Nam chỉ mới làm quen với bán lẻ hiện đại chưa tới 20 năm, còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này và mới phát triển được mạng lưới ở Việt Nam.

Trước thực trạng này, để vượt qua khó khăn và chiến thắng trên sân nhà, không có cách nào khác hơn là DN Việt cần đầu tư, khai thác triệt để lợi thế lớn nhất của mình: Đó là sự am hiểu thói quen, tập tục cũng như tận dụng sự ủng hộ của người Việt Nam. Dĩ nhiên, trong chiến lược phát triển, DN phải xác định được lợi thế cốt lõi, khía cạnh cần tập trung để “đi tắt đón đầu”.

Tin vào chính mình

Tại một diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ TP HCM tổ chức gần đây, khi được hỏi “DN có tự tin gia nhập cuộc chơi mới không?”, trong hội trường có gần 1.000 doanh nhân trẻ, chỉ vài chục cánh tay đưa lên.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, hầu hết DN nhỏ và vừa  chưa tự tin trong cuộc chơi mới. Họ tự thụt lùi, e dè. “Quan trọng nhất là DN cần có niềm tin vào chính mình, trước hết tin rằng trong cuộc chơi mình cũng có nhiều lợi thế. Những DN nhỏ, DN mới tham gia thị trường không có lợi thế về tài sản nhưng nếu biết đi sâu vào sự đổi mới, sáng tạo để tìm ra chỗ đứng trên thị trường thì sẽ có nhiều cơ hội thành công. Cần lấy sự năng động thắng quy mô, lấy sự sáng tạo chiến thắng kinh nghiệm trong cuộc chơi mới” - bà Phi nhấn mạnh.

Niềm tin, sự hợp tác và thông tin được xác định là những yếu tố DN đang cần nhất để phát triển thời hội nhập. Bản thân thị trường phải có tính chuyên môn hóa thì DN mới hợp tác tốt. Làm ăn thời hội nhập, DN không còn muốn tự làm từ A đến Z mà cần hợp tác theo khía cạnh phân công nhau theo chuyên môn hóa thị trường và có chiến lược tập trung dựa trên lợi thế cạnh tranh cốt lõi của từng DN; xác định phân khúc riêng của mình, cũng có thể lựa chọn thị trường ngách. Song song đó là ý thức tự thay đổi tư duy: đánh vào thị trường nào, chiến lược gì, liên kết ra sao.

Theo đánh giá chung, vấn đề lớn hiện nay không phải là DN khó tiếp cận vốn mà là cách tiếp cận vốn chưa phù hợp dẫn đến cung - cầu giữa các tổ chức tín dụng và DN chưa gặp nhau. Bởi lẽ, điều kiện tiên quyết để DN tiếp cận vốn là phải có 1 dự án khả thi. Nhiều ngân hàng đang gõ cửa những DN lớn, làm ăn tốt để cho vay. Vì vậy, DN vừa và nhỏ cũng cần tập trung nêu lên đề án khả thi để dễ tiếp cận vốn hơn so với những nguồn vốn truyền thống.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế và chủ DN, sắp tới, DN sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới. Năm 2012, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã hòa chung một thị trường chứng khoán và 70% vốn của thị trường Đông Nam Á dồn về 3 quốc gia này. Sắp tới, chúng ta sẽ làm chung với Indonesia và một số quốc gia khác trong khu vực.

Bản thân các DN tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), phát hành vốn trên thị trường chứng khoán cũng dễ thu hút vốn ngoại hơn. Đây sẽ là kênh để DN tiếp cận vốn tốt. Bên cạnh đó, dòng tiền đổ vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại sẽ nhiều hơn, không có bất kỳ ranh giới nào. Quan trọng nhất là DN có dự án khả thi để tổ chức tín dụng yên tâm cấp vốn. 

 Từng bước thoát đáy


Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng đều ở hầu hết các lĩnh vực chủ lực. Nền kinh tế được ghi nhận đang dần thoát đáy. Đây được đánh giá là thành quả của những tác động tích cực trong việc tái cấu trúc ngành tài chính của Chính phủ.


Song song đó, từ năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia bắt đầu được ký kết hoặc có hiệu lực, mở ra cơ hội làm ăn mới và nhà đầu tư các nước đang đổ vào Việt Nam. Đó cũng là nguồn ngoại lực tác động đẩy DN trong nước chuyển dịch. Quan trọng hơn, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đã học được cách “sống chung với lũ”, biết cách phòng vệ và bắt đầu làm quen với môi trường nhiều áp lực. Những giải pháp của họ cũng đã phát huy tác dụng.

Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo