"Vua kè" Việt Nam kể chuyện thi công công trình "khó khăn nhất cuộc đời"
DNVN - Công trình kè hồ Hoàn Kiếm với tổng chiều dài gần 1.500m, một dấu ấn đẹp đầy tự hào đã đi vào lịch sử Thủ đô với sự nỗ lực suốt 65 ngày đêm làm việc khẩn trương của cán bộ công nhân viên thuộc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco). Chỉ huy trưởng công trình không ai khác chính là “vua kè Việt Nam” Hoàng Đức Thảo.
Doanh nhân Việt kỳ vọng gì trong năm mới 2022? / Doanh nhân KH&CN nhận kỷ lục Việt Nam
Bước ngoặt cuộc đời
Những ngày cận Tết Nguyên Đán 2022, trời Hà Nội vẫn lạnh nhưng nhiều nắng. Đứng trên cầu Thê Húc nhìn ngắm thành quả sáng tạo và lao động của bản thân cùng cộng sự sau hơn một năm hợp long toàn tuyến bờ kè hồ Hoàn Kiếm, người đàn ông có vẻ ngoài điềm đạm trong bộ quần áo nâu bạc màu - Chủ tịch Công ty Busadco Hoàng Đức Thảo nhẹ nhõm kể cho chúng tôi nghe về cả những thành công cũng như thất bại trong hành trình chinh phục những điểm son đỏ trong bản đồ sự nghiệp của mình.
"Vua kè" Hoàng Đức Thảo.
Như rất nhiều bạn bè đồng trang lứa sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuần nông, nhà lại đông con, Hoàng Đức Thảo hồi ấy chỉ được học hết lớp 7 phổ thông (tương đương hết cấp hai bây giờ). Những tưởng cuộc đời sẽ mãi gắn bó với ruộng đồng thì cơ may mỉm cười với chàng thanh niên quê lúa khi Trường đào tạo công nhân kỹ thuật số 10 (Bộ Xây dựng) tuyển công nhân kỹ thuật. Khát khao được thoát ly để thay đổi cuộc đời, chàng trai 17 tuổi Hoàng Đức Thảo đã vượt qua vòng tuyển chọn và bắt đầu khóa học hai năm.
Tốt nghiệp ra trường, anh Thảo vào Kiên Giang, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc để cùng tham gia xây dựng Nhà máy xi măng Hà Tiên. Tận tụy, sáng tạo với nhiều sáng kiến kỹ thuật rất có ích như: Cải tiến máy cắt sắt của Trung Quốc (trước đó là cứ vài tuần sẽ hỏng một lưỡi cắt sắt phi 32, phải rất mất thời gian mới mua được lưỡi mới), anh Thảo đã có sáng kiến “gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại” giúp cho lưỡi cắt không bị gãy nữa. Anh cải tiến biện pháp lắp đặt hệ thống thi công thép của Liên Xô (thay thế cóc-kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc, giúp giảm chi phí rất nhiều)...
Chính những sáng kiến được ngay lập tức đưa vào sử dụng ấy mà 20 tuổi, anh Hoàng Đức Thảo đã được Bộ Xây dựng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen. Anh được bình bầu là thanh niên ưu tú xuất sắc, chiến sĩ thi đua toàn ngành xây dựng tỉnh Kiên Giang. Anh Thảo cũng là một trong những công nhân ưu tú được chuyên gia của Đức chuyển giao kỹ thuật thi công công trình rất ấn tượng: Ống khói cao 115m, đường kính 5m ở Nhà máy Xi măng Hà Tiên (Kiên Giang). Nhiều thành tích xuất sắc về kỹ thuật nhưng anh Thảo lại được cử đi đào tạo ngành tài chính kế toán. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp, anh được điều động về làm việc tại Sở Xây dựng Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Không chỉ giỏi nghề với nhiều sáng kiến có ích, Hoàng Đức Thảo còn sớm bộc lộ tư chất người làm quản lý.
Coi khó khăn là cơ hội
Vẫn đậm chất quê lúa Thái Bình từ trong giọng nói, AHLĐ Hoàng Đức Thảo ôn tồn kể cho chúng tôi về những thành công và biến cố trong hành trình chinh phục những dấu mốc quan trọng để đưa công ty từ một doanh nghiệp địa phương với vốn khởi đầu khá khiêm tốn cùng hơn 30 nhân sự lao động không có chuyên môn trở thành doanh nghiệp khoa học kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam.
Công ty Busadco sở hữu rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích trong xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, là mái nhà chung của 500 cán bộ, công nhân viên chính thức cộng thêm lực lượng lao động thời vụ và theo công trình thì gấp hai lần như thế nữa.
“Cho đến nay, chúng tôi đã có 110 công trình khoa học, được cấp 108 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và chấp nhận đơn, 228 Bằng sở hữu kiểu dáng công nghiệp và chấp nhận đơn, có 18 công trình sản phẩm khoa học công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở lên tiêu chuẩn Việt Nam. Kỷ lục Việt Nam xác nhận tôi là tác giả có nhiều bằng sáng chế nhất”, Tổ chức kỷ lục thế giới (WorldKings) xác nhận kỷ lục: “Nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm từ chính hoạt động Khoa học công nghệ theo chu trình khép kín đã ứng dụng vào các lĩnh vực, công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đạt số lượng bằng Sở hữu Trí tuệ nhiều nhất thế giới”, anh Hoàng Đức Thảo tự hào cho biết.
Không chỉ thế, anh đã vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn. Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu”.
“Tổn thất nhất trong cuộc đời tôi là công trình chống xói lở của biển Cà Mau năm 2018. Khi đó tôi đưa ra giải pháp: Kè phá sóng xa bờ, bảo vệ bờ và gây bồi tạo bãi. Tôi đã thành công khi thực hiện công trình này ở biển tây Cà Mau, nhưng khi sang biển đông Cà Mau thì câu chuyện đã đi theo một hướng khác”, anh Hoàng Đức Thảo trầm ngâm khi kể về câu chuyện cách đây ba năm. Đây là một bài toán khó bởi thực trạng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị xói lở bờ biển nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Lúc đó, Công ty Busadco đã ứng toàn bộ kinh phí, đồng ý khi nào hoàn thành, chứng minh được hiệu quả mới nhận tiền với cam kết bảo vệ an toàn, chống xói lở bờ đê hiện hữu trong suốt quá trình thi công công trình mới. Khi thực hiện xong công trình, chưa kịp nghiệm thu thì cơn bão số 3 ập đến. “Chỉ sau một đêm, chúng tôi mất 37 tỷ đồng. Lúc đó đau xót lắm. Không phải chỉ chuyện tiền, mà cảm giác là mình đã chủ quan, chưa lường hết được thiên tai lại khủng khiếp đến như vậy”, anh Hoàng Đức Thảo kể lại.
Hiện nay, Công ty Busadco đã đưa ra một cải tiến mới về công nghệ cho công trình này. Đây được coi là bước đột phá, là chiến công của nhà khoa học Hoàng Đức Thảo cùng các cộng sự trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Không chỉ bởi họ đã lao vào nơi không ai dám nhận làm mà còn bởi ý nghĩa của giải pháp này đối với đất nước ta - vốn nằm trong vùng hạ lưu của các con sông lớn, mạng lưới sông ngòi dày đặc, có đường bờ biển dài trên ba nghìn cây số và chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.
Công trình khó khăn nhất cuộc đời
Anh hùng Hoàng Đức Thảo gọi công trình “Thi công xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm TP Hà Nội” là công trình lớn nhất và cũng khó khăn nhất trong cuộc đời của mình. Anh chia sẻ: “Đây không chỉ liên quan đến kinh tế hay kỹ thuật, mà đây còn là công trình mang tầm vóc lịch sử, văn hóa, tâm linh. Là trái tim, là huyết mạch của dân tộc”.
Thi công xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm, Busadco tiến hành rất cẩn trọng công tác trắc địa để xác định vị trí đặt kè, không xâm phạm vào mốc di sản.
Trong quá trình thi công, bảo vệ cây di sản là công tác đặc biệt quan trọng. Khi thi công đến gần các gốc cây, Busadco đều tiến hành neo cành cây bằng cáp. Sau khi thi công dùng chế phẩm sinh học giúp cây hồi phục và tăng trưởng. Để bảo đảm tiêu chí không xâm lấn diện tích lòng hồ, công ty Busadco cũng đã tiến hành rất cẩn trọng công tác trắc địa để xác định vị trí đặt kè, không xâm phạm vào mốc di sản, không thu hẹp lòng hồ.
Thêm một khó khăn nữa về mặt kỹ thuật chính là phải làm sao để không được ô nhiễm mực nước hồ, bảo vệ an toàn cho hệ thủy sinh, vi sinh rất khác biệt của hồ Hoàn Kiếm. Vừa phải giữ được nét cổ xưa, vừa phải khẳng định tính bền vững hàng trăm năm của công trình thì công nghệ khoa học thôi chưa đủ. Đó còn là tầm nhìn, sự hiểu biết về văn hóa và lịch sử để trả lại những giá trị vốn có cho hồ Hoàn Kiếm.
AHLĐ Hoàng Đức Thảo trầm lắng: Đôi khi trong con đường không dễ dàng mà bản thân đã lựa chọn, vẫn có những suy nghĩ trái chiều từ xã hội, nhưng không thể vì thế mà mất tập trung với mục tiêu và phải quyết tâm thực hiện bằng được. Khi nói về những điều có được sau nhiều năm gắn bó với khoa học và đê kè, AHLĐ Hoàng Đức Thảo cho biết: “Cống hiến của chúng tôi cho những công trình phúc lợi, dân sinh thật sự có ích không chỉ trước mắt mà sẽ là lâu dài, cho người dân và xã hội. Tôi đã chứng minh được những cải tiến trong kỹ thuật do mình sáng tạo ra sẽ giảm bớt được bất cập trong thực tế đời sống”.
“Vua kè”, “bác sĩ môi trường”, “Thảo cống”, “dị nhân làng khoa học” hay “vua sáng chế” đều là những biệt danh yêu mến mà mọi người dành cho AHLĐ Hoàng Đức Thảo.
Ngọc Đinh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo