Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp: Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ

DNVN - Hai năm qua, đại dịch COVID-19 khiến thế giới thay đổi mọi mặt. Ở Việt Nam, dịch cũng gây ảnh hưởng nặng nề. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; nhiều cơ chế, chính sách kịp thời được ban hành...

Doanh nhân Việt kỳ vọng gì trong năm mới 2022? / Doanh nhân KH&CN nhận kỷ lục Việt Nam

Thấu hiểu, đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại dịch đã tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh (SXKD). Các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Các DN bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông, nguồn cung lao động bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nhiều DN bị bạn hàng huỷ hợp đồng. DN lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, chưa kể phải tốn thêm nhiều chi phí trong phòng, chống dịch. Cùng với đó là người lao động bị mất việc làm, đời sống rất khó khăn.

Giai đoạn đó, chúng ta chưa có đủ vaccine, thuốc điều trị COVID-19, chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, cho nên Chính phủ buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp các chỉ tiêu phát triển kinh tế khi mà GDP quý III lần đầu tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự kịp thời ban hành những quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giám sát hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị, và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó sự nỗ lực và đóng góp tích cực của cộng đồng DN, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trong toàn hệ thống và trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2021.

Thấu hiểu những khó khăn của DN, Chính phủ đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. Nhiều cơ chế, chính sách kịp thời được ban hành, điển hình như Nghị quyết 105/NQ-CP, để hỗ trợ các DN hoãn, giãn, miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các tập đoàn, DN giảm giá các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông với trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, thiết thực góp phần hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch.

Phương châm của Chính phủ đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, DN, HTX, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi.

Năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề nhưng các DN trong nước và khối DN FDI vẫn quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống đại dịch, thể hiện việc hưởng ứng đóng góp Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ, đóng góp thông qua MTTQ các cấp, hỗ trợ công nhân, người dân gặp khó khăn do đại dịch… ; hưởng ứng mạnh mẽ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Trong những lúc dịch bệnh căng thẳng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kịp thời có các cuộc đối thoại thẳng thắn với cộng đồng DN trong nước, DN nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thủ tướng đã có nhiều buổi đối thoại với các DN Nhật Bản, Anh, Pháp trong các chuyến công tác nước ngoài nhằm lắng nghe ý kiến, tìm cách giải quyết, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc giúp cộng đồng DN trong nước vượt qua đại dịch.

 

Trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng đều nhấn mạnh quan điểm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nêu rõ, Chính phủ thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với các DN và các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 là điều không ai mong muốn.

Chúng tôi nhớ, lần thăm làm việc tại Thái Nguyên, Thủ tướng đã thăm nhà máy của Tổ hợp Samsung tại Việt Nam. Nói chuyện với ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc các lãnh đạo chủ chốt của Tổ hợp, Thủ tướng đi thẳng vào vấn đề, bày tỏ 3 điều mong muốn: trong Tổ hợp có thêm lãnh đạo là người Việt Nam; tăng tỷ trọng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; tăng cường chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ. Lãnh đạo Tổ hợp Samsung đã đồng tình và hứa có lộ trình thực hiện những đề nghị này của Nhà Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể

Bước ngoặt lớn trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 là Chính phủ đã đề ra Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Chúng ta đã chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Chính phủ kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp. Trên cơ sở đó, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Nhờ vậy, tình hình SXKD đã có khởi sắc, tăng trưởng kinh tế quý IV đã được cải thiện rõ nét. Phòng, chống dịch hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, kinh tế phát triển sẽ có nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng của doanh nghiệp viễn thông, CNTT tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp Công nghệ số lần thứ 3.

Vấn đề khôi phục thị trường lao động cho các DN cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao. Một lượng lớn người dân, người lao động trở về quê dẫn đến những vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước mở cửa nền kinh tế.

 

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau, với các DN, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để sớm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu SXKD trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Chủ động ưu tiên tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ; có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Về lâu dài, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động; đẩy mạnh, xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Các cơ chế, chính sách này và sự chia sẻ của toàn xã hội đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia trở lại các hoạt động kinh tế- xã hội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, khi đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các DN, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các Bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", về quyết tâm vừa duy trì SXKD an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng DN rất phấn chấn. Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng với một loạt các giải pháp, chính sách được Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra linh hoạt, mau lẹ giúp DN đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ.

Trong cuộc gặp gỡ với các DN trong nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Điều quan trọng trong thời gian tới là kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy SXKD cho cộng đồng DN.

Trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19 với biến chủng mới Omicron, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề. Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của cộng đồng DN với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

 

Tùng Bảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm