Doanh nghiệp - Doanh nhân

8 mối bất hòa kinh điển giữa các tỷ phú công nghệ thế giới

Thung lũng Silicon nhiều năm qua đã chứng kiến không ít cuộc đối đầu và những mối hiềm khích giữa các tỷ phú công nghệ thế giới.

Thái tử Anh giàu đến mức nào? / Du thuyền xa xỉ 590 triệu USD của tỷ phú Mỹ dùng để tự cách ly

Thung lũng Silicon, khu vực giàu có nhất thế giới, nơi sản sinh ra nhiều tỷ phú vĩ đại. Ở đây cũng không thiếu sự cạnh tranh. Những tỷ phú không ngại đối đầu, chỉ trích lẫn nhau.

Steve Jobs và Bill Gates

Trong những ngày đầu thành lập Apple và Microsoft, Steve Jobs và Bill Gates từng rất hòa hợp. Mối quan hệ giữa hai nhà sáng lập bắt đầu rạn nứt vào những năm 1980, khi Jobs tới Washington thương thảo với Gates để viết phần mềm Microsoft cho dòng máy tính Apple Macintosh với giao diện đồ họa người dùng mang tính đổi mới cách mạng. Gates không quá ấn tượng với Apple bởi những gì ông thấy là một nền tảng bị hạn chế, cộng thêm thái độ thiếu thiện chí từ “cha đẻ” của “quả táo khuyết”.

Ông chia sẻ: “Cách bán hàng của Steve Jobs rất bất cần, anh ta chẳng cần ai song lại có thể cho người khác tham gia như ban phát một ân huệ”.

Bill Gates (phải) và Steve Jobs. Ảnh: AFP, AP.

Tuy nhiên, họ vẫn tương đối thân thiện cho đến năm 1985, khi Microsoft tung ra phiên bản Windows đầu tiên và Jobs cáo buộc ông đã sao chép Macintosh. Song ngược lại, Gates chẳng hề quan tâm bởi ông hiểu khái niệm giao diện đồ họa rất rộng lớn và Apple không hề độc quyền ý tưởng ấy.

Bộ đôi này đã căng thẳng trong nhiều năm, Jobs gọi Gates là kẻ nhàm chán và Gates nói Jobs là một kẻ kỳ quái lập dị. Căng thẳng vẫn ở mức cao ngay cả khi Microsoft đầu tư vào Apple để duy trì hoạt động, họ chỉ trích nhau hết lần này đến lần khác.

Sau khi Jobs qua đời, Gates tiết lộ: “Tôi tôn trọng Steve, chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Chúng tôi thúc đẩy đối phương ngay cả lúc là đối thủ cạnh tranh. Anh ấy chưa bao giờ khiến tôi bực tức”.

Steve Jobs và Michael Dell

Năm 1994, Steve Jobs quay trở lại ban lãnh đạo Apple để cứu công ty trước nguy cơ phá sản. Michael Dell, nhà sáng lập Dell, khi đó bình luận: "Apple nên đóng cửa và trả lại tiền cho các cổ đông".

 

Câu nói của Dell khiến Jobs tức giận, ông tuyên bố trước các nhân viên: "Thế giới không cần Dell hay HP, những nhà sản xuất máy tính đơn giản, màu be và nhàm chán. Nếu đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm thì Apple nên đóng cửa ngay từ bây giờ".

Steve Jobs (trái) và Michael Dell. Ảnh: AFP, Getty.

Dù Dell cố gắng xoa dịu tình hình, Jobs vẫn khơi lại chuyện cũ trong thông báo gửi tới toàn công ty năm 2006. "Hóa ra Michael Dell không giỏi dự đoán tương lai. Dựa trên thị trường hiện nay, Apple đáng giá hơn Dell. Dù cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm, mọi thứ có thể thay đổi vào ngày mai, tôi nghĩ kết quả này vẫn đáng để chúng ta suy ngẫm", Jobs viết.

Tim Cook và Mark Zuckerberg

 

CEO Apple, Tim Cook và CEO Facebook, Mark Zuckerberg nhiều lần đối đầu gay gắt. Bắt đầu từ năm 2014, khi Cook nói trong một cuộc phỏng vấn: “Khi dùng bất cứ dịch vụ trực tuyến nào một cách miễn phí, bạn không phải là khách hàng. Bạn chính là sản phẩm.”

CEO Mark Zuckerberg tỏ ra vô cùng tức giận, cho rằng những lời nói của Tim Cook là “cực kỳ nông cạn”: “Bạn nghĩ vì bạn trả tiền cho Apple thì lợi ích của bạn cũng là lợi ích của họ? Nếu lợi ích của bạn cũng là của Apple thì họ đã giảm giá sản phẩm của mình đi nhiều rồi".

Tim Cook (phải) và Mark Zuckerberg. Ảnh: AFP, Getty.

Cuộc chiến trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Tim Cook công khai chỉ trích Facebook trong vụ bê bối hơn 50 triệu người dùng Facebook đã bị đánh cắp dữ liệu cá nhân. Ông cũng nói rằng dù có thể kiếm rất nhiều tiền, song Apple sẽ không bao giờ hành động như Facebook. Ngoài ra, Tim Cook nhận định những công ty như Facebook nên bị kiểm soát bởi chính phủ.

 

CEO Facebook đáp trả Tim Cook bằng cách ban hành lệnh cấm các quan chức cấp cao của mình sử dụng các thiết bị iPhone, thay vào đó là chuyển qua sử dụng Android.

Theo Business Insider, mối hiềm khích của hai tên tuổi công nghệ còn được thấy rõ trong sản phẩm của Apple. Dù từng được hưởng nhiều quyền lợi trên iPhone, Apple đã gỡ bỏ tích hợp sẵn Facebook kể từ iOS 11.

Mark Zuckerberg và Jack Dorsey

CEO Twitter, Jack Dorsey và CEO Facebook, Zuckerberg chưa bao giờ thân thiết, nhưng sự cạnh tranh giữa 2 bên dường như trở nên tồi tệ hơn trong vài năm qua. Cuối 2019, Facebook bị lên án vì không kiểm duyệt quảng cáo chính trị. Cùng lúc đó, Twitter ban hành chính sách cấm tất cả quảng cáo chính trị trên nền tảng.

"Các thông điệp chính trị nên xứng đáng lan truyền, thay vì qua hình thức quảng cáo trả phí", Twitter viết trên blog.

 

Mark Zuckerberg (phải) và Jack Dorsey. Ảnh: DPA, Reuters.

Ở sự kiện vào tháng 10/2019, Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter, cho rằng mục tiêu bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Zuckerberg "chứa đầy sai lầm và lỗ hổng".

Về phía Zuckerberg, ông tuyên bố: "Twitter sẽ không thể đóng vai trò như một mạng xã hội tốt như chúng tôi".

Tháng 12/2019, Dorsey bỏ theo dõi Zuckerberg trên Twitter.

 

Evan Spiegel và Mark Zuckerberg

Evan Spiegel, sáng lập Snap, và Mark Zuckerberg, sáng lập Facebook, đã đối đầu nhau từ năm 2012, khi Snap lần đầu từ chối sáp nhập vào Facebook. Trong vài năm sau đó, Spiegel đã ba lần khước từ đề nghị thâu tóm công ty của Zuckerberg.

Evan Spiegel (phải) và Mark Zuckerberg. Ảnh: AP, Getty.

Ngoài ra, Facebook cũng bắt chước nhiều tính năng của SnapChat trên ứng dụng Messenger và Instagram.

 

Năm 2018, khi Facebook sao chép tính năng Stories của SnapChat, Spiegel mỉa mai: "Tôi thực sự đánh giá cao Facebook nếu họ có thể sao chép khả năng bảo vệ dữ liệu của chúng tôi".

Elon Musk và Jeff Bezos

Elon Musk và Jeff Bezos đại diện cho mảng hàng không vũ trụ tư nhân, nhưng tầm nhìn của hai tỷ phú này hoàn toàn khác nhau.

Bezos thành lập Blue Origin năm 2000 trên phương châm "chậm mà chắc", trong khi Musk mở ra SpaceX năm 2002 với mong muốn "di chuyển nhanh và phá vỡ mọi giới hạn".

Vào năm 2004, họ gặp nhau trong một bữa tối và mối quan hệ giữa hai bên trở nên "nóng" hơn. "Tôi cố đưa ra lời khuyên tốt nhất nhưng Jeff gạt bỏ tất cả", Musk nói sau cuộc gặp.

 

Elon Musk (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: Reuters.

Đến 2013, khi SpaceX cố gắng độc quyền sử dụng một bệ phóng của NASA, Blue Origin và United Launch Alliance đệ đơn tố cáo lên chính phủ. Tuy nhiên, SpaceX vẫn giành phần thắng. Vài tháng sau, SpaceX và Blue Origin tiếp tục vướng vào cuộc chiến pháp lý tranh giành quyền sở hữu trí tuệ. Bezos và Musk bắt đầu công khai chỉ tríchnhau trên Twitter.

Trong một cuộc phỏng vấn trên BBC, khi được hỏi về Bezos, Musk trả lời: "Bezos là ai thế?". Ngược lại, Bezos phê phán ý tưởng của SpaceX về hành trình tới Sao Hỏa là "thiếu động lực". Hồi tháng 5/2019, Musk gọi Bezos là "kẻ chuyên sao chép" khi bắt chước dự án cung cấp dịch vụ Internet từ quỹ đạo thấp của SpaceX bằng việc phóng hơn 3.000 vệ tinh liên lạc lên không gian.

Larry Ellison và Bill Gates

 

Mặc dù có vẻ không có mối quan hệ thực sự xấu giữa Gates và Ellison, nhưng chắc chắn họ đã đối đầu trong suốt thập niên 90, phần lớn do Ellison đã cố gắng vượt qua Gates.

Sự căng thẳng của họ một phần xuất phát từ tình bạn thân thiết của Ellison với Steve Jobs, đối thủ thường xuyên của Gates.

Larry Ellison (phải) và Bill Gates. Ảnh: AFP, AP.

Mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2000 khi Microsoft bị chính phủ liên bang điều tra về các vi phạm chống độc quyền. Vào thời điểm đó, một số tổ chức công khai ủng hộ Microsoft. Ellison nghi ngờ những tổ chức này được chính Microsoft tài trợ, ông đã thuê các nhà điều tra tư nhân nhằm làm sáng tỏ sự việc.

 

Cuối cùng, Microsoft thua kiện và Gates từ chức CEO của Microsoft.

Marc Benioff và Larry Ellison

Larry Ellison, người sáng lập Tập đoàn phần mềm quốc tế Oracle và Marc Benioff, Giám đốc điều hành Salesforce gặp nhau khi Benioff bắt đầu làm việc cho Oracle khi anh 23 tuổi. Với tài năng, Benioff nhanh chóng trở thành phó chủ tịch trẻ nhất của Oracle ở tuổi 26, cánh tay phải cho Ellison. Khi Benioff bắt đầu khởi nghiệp với Salesforce, Ellison đã đầu tư vào 2 triệu USD.

Marc Benioff (trái) và Larry Ellison. Ảnh: AFP, AP.

 

Kể từ đó, bộ đôi này công khai chiến tranh nhiều lần. Năm 2000, Oracle ra mắt phần mềm cạnh tranh trực tiếp với Salesforce. Benioff yêu cầu Ellison từ chức hội đồng quản trị Salesforce, Ellison từ chối, cuối cùng ông rời khỏi hội đồng quản trị nhưng giữ lại cổ phiếu và các quyền lợi.

Nhiều năm qua, Benioff và Ellison cãi nhau liên tiếp: Ellison chế giễu Salesforce, gọi đó là một ứng dụng nhỏ xíu phụ thuộc vào Oracle, trong khi Benioff gọi Oracle là “ngu xuẩn”. Năm 2011, Ellison loại bỏ Benioff khỏi danh sách diễn giả hội nghị OpenWorld của Oracle, Benioff cho rằng đó là vì Ellison sợ ông phát biểu hay hơn..

Nhưng sau tất cả, Benioff vẫn coi Ellison là người dẫn đường tuyệt vời nhất. “Tôi đã học được rất nhiều từ Larry Ellison”. Benioff nói năm 2013.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm