Bình Dương: Nhà máy, xí nghiệp trở thành "ngôi nhà thứ 2" của công nhân giữa đại dịch
Bình Dương: Người dùng điện thoại thông minh phải cài đặt Bluezone, khai báo y tế bằng QR-Code / Bình Dương: Ngành gỗ xuất khẩu tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021
Ổn định sản xuất
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận hơn 1.100 ca mắc COVID-19. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất, phát triển doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất, phát triển doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã nghiêm túc thành lập các Tổ an toàn COVID-19, ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch, bố trí tối thiểu 20 - 50% công nhân ăn ở và làm việc tại doanh nghiệp để bảo đảm an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất...
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị phòng cách ly y tế dự phòng, lắp đặt camera quét thân nhiệt tự động, đầu tư máy thở oxy để phục vụ phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp… Ngoài ra, có doanh nghiệp còn lập thêm bộ phận y tế có chuyên môn cao túc trực chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại công ty.
Theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, bất chấp những biến động của đợt dịch lần thứ 4, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh các giải pháp vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thích nghi trong điều kiện mới, cùng địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, theo ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH DAFI (thị xã Tân Uyên), nếu doanh nghiệp không làm tốt công tác phòng, chống dịch, để phát sinh ca bệnh thì nhà máy sẽ bị phong tỏa, tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và thiệt hại rất lớn. Vì vậy, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, DAFI đang “căng mình” phòng, chống dịch bệnh.
Theo các chủ doanh nghiệp, nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch, để phát sinh ca bệnh thì nhà máy sẽ bị phong tỏa, tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và thiệt hại rất lớn.
“Khoảng 90% sản phẩm công ty xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hiện khách hàng đã đặt hàng đến đầu năm sau, công ty rất cẩn trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh để không ảnh hưởng đến sản xuất. Công ty có cả ngàn lao động nên việc bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động cũng hết sức quan trọng”, ông Tùng cho biết thêm.
Nhà máy trở thành “ngôi nhà thứ 2” của công nhân
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chọn phương án “3 tại chỗ” (ăn, ở và làm việc tại nhà máy), nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, tính đến nay đã có 48 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho gần 7.000 công nhân lao động ăn, ở và làm việc tại nhà máy.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện phương án "3 tại chổ", bố trí cho người lao động ở lại công ty ăn ở, sản xuất.
Tiên phong trong việc thực hiện phương án “3 tại chổ” có thể kể đến Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Công ty Cao su Miền Nam), khi đã tổ chức cho gần 500 công nhân của công ty ăn, ở tại nhà máy để làm việc.
Ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Công ty Cao su Miền Nam cho biết, khi thị xã Tân Uyên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch bệnh, Ban giám đốc công ty đã họp bàn phương án cho toàn bộ công nhân viên ở lại công ty để duy trì sản xuất. Ngay sau đó, công ty tiến hành mua sắm đồ đạc, lều trại, sắp xếp chỗ ở đầy đủ tiện nghi cần thiết cho 480 người đồng ý vào ở lại. 170 lao động còn lại làm việc tại nhà hoặc nghỉ việc hưởng lương tối thiểu.
Công ty cũng phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân để bảo đảm không đưa mầm bệnh vào nhà máy. Vật tư phải đi qua thang trượt ở cổng và khử trùng trước khi đến tay người nhận.
“Bên cạnh miễn phí 3 bữa ăn chính và 2 bữa phụ, mỗi công nhân còn được công ty hỗ trợ 150.000 đồng/ngày. Khu nội trú có nội quy rất nghiêm, yêu cầu công nhân phải tuân thủ để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Công ty còn mua sắm các dụng cụ thể thao cho công nhân vui chơi khi chiều đến, sắm dụng cụ cắt tóc cho những người có nhu cầu, trang bị wifi tại khu nội trú để công nhân tiện liên lạc, cập nhật thông tin, sinh hoạt cá nhân”, ông Hoàng Vĩnh Phúc chia sẻ.
Tương tự, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II) đã vận động được 700 người lao động ở lại công ty ăn ở, làm việc. Nơi ngủ được bố trí sạch sẽ, thoáng mát, có nệm, mùng chụp, máy lạnh; nam, nữ được bố trí ở khu riêng biệt; khu vực nhà vệ sinh, phòng tắm lắp vòi hoa sen... Ngoài 4 bữa ăn được cung cấp miễn phí, họ còn được công ty tặng 1 thùng sữa tươi và hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày.
Nhà máy đã trở thành “ngôi nhà thứ 2” của nhiều công nhân ở Bình Dương.
Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu lây lan nhanh vào các nhà máy, khu công nghiệp, việc doanh nghiệp bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc là việc làm hết sức cần thiết và mang tính chủ động cao.
“Liên đoàn Lao động tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các cấp Công đoàn cơ sở vận động chủ doanh nghiệp cho công nhân ở lại nhà máy làm việc, vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm thu nhập. Tuy nhiên, đơn vị cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, khi tổ chức cho công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, phải bảo đảm chỗ ăn, ngủ, điều kiện y tế cùng các nhu yếu phẩm cần thiết”, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, cho biết thêm.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách do dịch COVID-19 gây ra, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,39% - đây là ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (85%). Một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ, như: Dệt (tăng 5,2%); trang phục (tăng 4,26%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 26,73%); sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 5,68%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 12,24%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 8,43%); thiết bị điện (tăng 6,12%); giường, tủ, bàn, ghế (tăng 26,73%).
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo