Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chủ tịch VCCI: "Doanh nghiệp đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch Covid-19"

DNVN - Năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi đại dịch với nhiều hệ lụy. Tuy vậy, 2020 cũng là năm chứng minh khả năng chống chịu kiên cường của DN trong bối cảnh Covid-19. Nói như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch.

Bình Dương: Khám xét loạt cây xăng của Công ty Vân Trúc do nghi vấn liên quan đến đường dây xăng giả / Độ phổ biến của Ferrari giảm hơn 35% trong 10 năm qua

Tại Lễ Công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) và VCCI tổ chức ngày 12/3, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, theo kết quả khảo sát với sự tham gia của 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh với nhiều hệ lụy như giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Lễ Công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" ngày 12/3/2021.
"Tuy vậy, năm 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn và chúng ta đã phát hiện ra rằng khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng … Các sáng kiến trong ứng phó với COVID-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ Covid", Chủ tịch VCCI đánh giá.
Cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động được nhiều DN áp dụng nhất
Nói về các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp trong năm 2020 nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết, thông qua khảo sát cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp như dự trữ hàng hoá hoặc nguyên vật liệu, triển khai phương pháp, mô hình làm việc mới/linh hoạt, đào tạo người lao động về kỹ năng số để triển khai các phương pháp làm việc trực tuyến; chi trả cho nhân viên tự cách ly; tìm các giải pháp chuỗi cung ứng mới, thay thế, cung cấp khẩu trang, đồ bảo hộ và các hướng dẫn tuân thủ vệ sinh phòng dịch cho người lao động, tăng cường tự động hoá các công đoạn sản xuất kinh doanh bằng việc sử dụng robot và thiết bị điện tử...
Hầu hết các doanh nghiệp đã áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp được nêu ở trên.


"Biện pháp mà nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn cả là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động, với 57% doanh nghiệp tư nhân và 71% doanh nghiệp FDI. Kế đến là việc doanh nghiệp triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% doanh nghiệp tư nhân và 40% doanh nghiệp FDI). Dự trữ hàng hoá và nguyên vật liệu là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp theo (20% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm các giải pháp mới, thay thế chuỗi cung ứng (16% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Đáng lưu ý, có 13% doanh nghiệp tư nhân và 15% doanh nghiệp FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến", ông Đậu Anh Tuấn thông tin.
Khảo sát của WB và VCCI cũng nghiên cứu việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 theo mã ngành sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong nhóm doanh nghiệp tư nhân, những nhóm ngành có tỷ lệ cộng gộp áp dụng các biện pháp ứng phó cao nhất là Sản xuất sản phẩm giường tủ, bàn ghế, May mặc, Bất động sản. Với các doanh nghiệp FDI, đó là các ngành sản xuất chế biến đồệp FDI, đó là các ngành sản xuất chế biến đồ da, nông nghiệp, thuỷ sản và sản xuất thiết bị điện.
Nếu tính theo vùng miền thì miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Miền Trung là 3 vùng có tỷ lệ cộng gộp doanh nghiệp áp dụng các biện pháp ứng phó nhiều hơn cả, dù đó là doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI.
Hơn 80% DN ủng hộ giãn cách xã hội nghiêm ngặt
Theo ông Đậu Anh Tuấn, khảo sát của WB và VCCI cũng đánh giá mức độ ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với biện pháp chống dịch. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra có tác động sâu rộng đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chính phủ đã có những biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ và hiệu quả. Kết quả điều tra cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện sự ủng hộ rất cao đối với chính sách phòng chống dịch của Việt Nam.

Ông Tuấn cho biết, phiếu khảo sát 2020 được chuẩn bị khi làn sóng thứ nhất của dịch Covid-19 mới diễn ra. Tận dụng bối cảnh này, nhóm nghiên cứu đã thiết kế nghiên cứu theo hướng giả định trường hợp làn sóng thứ 2 của dịch xuất hiện với xác xuất thấp (25%) và xác xuất cao (75%), để tìm hiểu phản ứng của doanh nghiệp đối với từng trường hợp.
"Trường hợp xác xuất cao của làn sóng thứ 2 xuất hiện, như đã diễn ra sau đó vào cuối tháng 7/2020, 85,9% doanh nghiệp tư nhân và 87,2% doanh nghiệp FDI ủng hộ chính sách phòng chống dịch của Chính phủ. Với trường hợp xác xuất thấp của làn sóng thứ 2 xuất hiện, cũng có đến 84,3% doanh nghiệp tư nhân và 85,2% doanh nghiệp FDI ủng hộ biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đã diễn ra vào tháng 3-4/2020", Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay.
Cũng theo đánh giá của ông Tuấn, dù có hơn 70% doanh nghiệp đánh giá các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích và đây là tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp được khảo sát cho biết chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, trong khi chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khó tiếp cận nhất.
Theo đó, đa số doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm gia hạn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm