Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đại dịch COVID-19 thêm một lần thử thách cộng đồng doanh nghiệp Việt

Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào “vị trí trung tâm”, “chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Doanh nghiệp lo củng cố nguồn lao động sau dịch / Doanh nghiệp muốn tự “đo ni đóng giày” trong phòng, chống dịch

Những ngày này, các cuộc hội ngộ, gặp gỡ của đội ngũ doanh nhân được nhiều cấp, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức - theo hình thức trực tiếp, hoặc trực tuyến - tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong các cuộc gặp ấy, không chỉ ghi nhận, tri ân những hành động đẹp vì đất nước, còn là sự sẻ chia, đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải vượt qua để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh “chưa có tiền lệ”.

Vào thời khắc lịch sử 13/10/1945,cảm kích trước tấm lòng vì nước của giới Công Thương Việt Nam đã đóng góp, ủng hộ hàng nghìn lượng vàng cho "Quỹ Độc lập" để kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương và gặp gỡ đại diện là các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn, Hà Nội. Tại đây, Người khẳng định: "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".

Suốt 76 năm qua, giới Công Thương - nay là cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã luôn đồng hành, gánh vác, xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, cùng đất nước phát triển. Xác định tầm quan trọng của doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế đất nước, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định, lấy ngày 13/10 hàng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chiều 7/10/2021, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu. Ảnh: Lê Tuyết
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chiều 7/10/2021, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu. Ảnh: Lê Tuyết

Từ một đội ngũ non trẻ, tự phát, đến nay cả nước đã có hơn 800.000 doanh nghiệp với đầy đủ các thành phần (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Không chỉ làm ra của cải vật chất cho bản thân, gia đình, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách quốc gia và tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng… đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn thể hiện vai trò “chủ công” trong công tác từ thiện, nhân đạo, thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Phẩm chất này càng được thể hiện rõ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tàn phá sức khỏe người dân và nền kinh tế suốt gần 2 năm qua.

Nếu như trước đây, chúng ta thấy sự đồng hành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hỗ trợ các huyện nghèo (trong chương trình 30A) của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp tham gia đóng góp vào các chính sách an sinh xã hội, thì khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế đã thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc giảm giá điện, giảm tiền nước, giảm giá cước viễn thông…

“Chống dịch như chống giặc”, không chỉ tặng máy thở, đóng góp nhiều tỷ đồng vào Quỹ chung tay phòng, chống dịch Covid, Quỹ vaccine…; Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tập trung đầu tư nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế; sáng tạo ra những cây “ATM gạo”, “ATM ô-xy”, “siêu thị 0 đồng”…; Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “tạm dừng đến trường không ngừng học” của Chính phủ, đã có hàng triệu máy tính được các doanh nghiệp, doanh nhân tặng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Có thể nói, ở đâu trong những thời khắc khó khăn nhất của người dân, ở đó có sự xuất hiện của doanh nhân.

Ngay cả khi dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, những trung tâm kinh tế lớn, ảnh hưởng nặng nề tưởng như không thể cầm cự thì rất nhiều doanh nghiệp/doanh nhân vẫn vững chí, bền lòng, cùng đội ngũ công nhân kiên trì vượt qua khó khăn thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đợt dịch lần thứ 4 với biến thể delta nguy hiểm khôn lường đã tác động trực tiếp tới trung tâm kinh tế năng động nhất của đất nước - khu vực kinh tế phía Namchiếm tới 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - cũng là nơi tập trung đông đảo đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Ngay lập tức, GDP của cả nền kinh tế trong quý 3 vừa qua đã tăng trưởng âm tới 6,17%. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, với những thiệt hại hết sức nặng nề. Nhưng cũng chính doanh nghiệp đã gắng sức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng được lưu thông, không bị đứt gãy.

 

Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào “vị trí trung tâm”, “chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh bằng hình thức trực tuyến ngày 2/10 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương đội ngũ doanh nhân Việt Nam và TP Hồ Chí Minh cùng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nắm tay nhau vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong 35 năm đổi mới.

Đại dịch COVID-19 thêm một lần nữa thử thách cộng đồng doanh nghiệp Việt. Cùng với tâm, tài, trí, đức và bản lĩnh của mỗi doanh nhân, cùng với sự hỗ trợ tận lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta có quyền tin tưởng“khó khăn lớn nhất đã nằm lại phía sau… Những cơ hội kinh tế đang mở ra, không chỉ bù đắp lại mất mát đã qua, mà còn cơ hội lớn để bứt phá…”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm