Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tiếp cận các chính sách hỗ trợ người lao động vẫn còn khoảng trống rất lớn

DNVN - Hiện nay, số người lao động và doanh nghiệp cần hỗ trợ lớn hơn nhiều so với thời điểm ban hành chính sách. Cho nên dù có thực hiện triệt để chính sách đã ban hành thì số lao động chưa nhận được hỗ trợ còn rất lớn. Vì vậy, cảm nhận về tiếp cận chính sách vẫn còn khoảng trống rất lớn.

Sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19 / Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Số lao động chưa nhận được hỗ trợ còn rất lớn

Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều những chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn và ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn tình trạng người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận những gói hỗ trợ của Chính phủ. Thậm chí có một số địa phương còn xảy ra tình trạng có cách hiểu khác nhau về các tiêu chí và đối tượng hỗ trợ dẫn đến khó khăn trong việc triển khai.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình,Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH),tại buổi đối thoại với chủ đề “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giầy Việt Nam” vào chiều 8/10/2021cho biết, thời gian qua Bộ LĐ-TB-XH đã có nhiều những nỗ lực để triển khai nhằm đảm bảo các gói hỗ trợ của Chính phủ đến được đúng người có nhu cầu cần được hỗ trợ.

Quan điểm và chủ trương của Bộ LĐ-TB-XH là xây dựng chính sách hỗ trợ rõ ràng, đơn giản, nhanh chóng và thông thoáng nhất. Bên cạnh đó cũng trao quyền tự chủ cho địa phương để các địa phương có thể chủ động triển khai hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn, nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, do nhiều lý do khác nhau dẫn đến những vấn đề bất cập như đã nói ở trên.

Tính đến ngày 6/10, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH đã có tổng 20,1 triệu người lao động tiếp cận được các gói hỗ trợ, với tổng số tiền đã được giải ngân là hơn 17.000 tỷ đồng. Mặc dù còn hơn chậm so với dự kiến song số người lao động nhận được hỗ trợ là khá lớn.

Bên cạnh đó, thời điểm xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động là từ tháng 7/2021. Vì vậy việc đánh giá tình hình dịch bệnh và đối tượng bị tác động rất khác so với bây giờ. Số người lao động và doanh nghiệp cần hỗ trợ lớn hơn nhiều so với thời điểm ban hành chính sách. Cho nên dù có thực hiện triệt để chính sách đã ban hành thì số lao động cần được nhận hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ còn rất lớn. Vì vậy, cảm nhận về tiếp cận chính sách vẫn còn khoảng trống rất lớn.

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì cũng có những nguyên nhân chủ quan chẳng hạn như khi triển khai thực hiện tư tưởng của Bộ LĐ-TB-XH là rất thoáng, chủ động trao quyền cho địa phương. Khi thực hiện thì nhiều địa phương lại quá thận trọng làm phát sinh nhiều những khó khăn vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Văn Bình -Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), dù có thực hiện triệt để chính sách đã ban hành thì số lao động cần được nhận hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ còn rất lớn.

Dù có thực hiện triệt để chính sách đã ban hành thì số lao động cần được nhận hỗ trợ, nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ còn rất lớn.

Khi tiến hành xây dựng văn bản, Bộ LĐ-TB-XH cũng quán triệt phương châm là phải rất đơn giản, thông thoáng và nhanh chóng. Khi phát sinh vấn đề trong quá trình triển khai, Bộ cũng đã họp với các địa phương để quán triệt và tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó là lập đường dây nóng với 6 đường dây hoạt động nhưng cũng không đáp ứng do nhu cầu quá lớn của thực tế.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã xây dựng bộ hỏi - đáp để trả lời các vướng mắc của các địa phương và doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại có 130 câu hỏi giải đáp khó khăn vướng mắc từ lớn đến nhỏ mà các doanh nghiệp và địa phương gửi về. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn không thực hiện mà yêu cầu Bộ phải có văn bản ký tên đóng dấu mới thực hiện. Sự thận trọng của các địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực tế.

Linh hoạt hơn trong chính sách làm thêm giờ của người lao động

Nói về việc triển khai thêm các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để phục hồi sản xuất trong thời gian tới, ông Bình cho rằng, trước tiên chúng ta phải nhìn lại tổng thể các Chính sách mà Chính phủ đã ban hành cho doanh nghiệp và người lao động trong thời gian qua. Từ đó đánh giá lại trên cơ sở các chính sách hiện hành sau đó mới đề ra được chính sách nào nên triển khai tiếp theo.

Ông Bình cũng cho biết thêm, hiện Bộ LĐ-TB-XH cũng đang có văn bản trình Chính phủ đề xuất cho phép nới lỏng và linh hoạt hơn trong việc huy động người lao động làm thêm giờ. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XHđã có nội dung đề xuất việc không áp dụng trần làm thêm giờ theo tháng (theo quy định hiện hành là không quá 40 giờ/tháng) và không áp dụng trần làm thêm giờ theo năm (trước đây quy định là 300 giờ/năm cho một số lĩnh vực ngành nghề, mà đề xuất áp dụng trần chung này cho tất cả lĩnh vực ngành nghề.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đang xây dựng một đề án tổng thể nhằm phục hồi thị trường lao động sau đại dịch trong đó có 5 nhiệm vụ lớn bao gồm: Đảm bảo nguồn cung lao động để đáp ứng yêu cầu lao động sau đại dịch. Hiện đại hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung cầu. Phát triển dịch vụ việc làm công để kích hoạt thị trường lao động. Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động và là môi trường và điều kiện làm việc an toàn.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm