Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp lo củng cố nguồn lao động sau dịch

Ngoài tiêm vaccine cho người lao động, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp đảm bảo sản xuất an toàn với dịch, không bị đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực.

NovaGroup tái cấu trúc thành Tập đoàn đầu tư và phát triển kinh tế / Vinachem quyết liệt tái cơ cấu, thoái vốn tại các doanh nghiệp

Củng cố đơn hàng và duy trì nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt với khốidệt may, da giày có hàng trăm nghìn lao động. Nhiều DN ngành này cho biết, ngoài việc đẩy nhanh tiêm vaccine, cần có giải pháp giúp họ chủ động quản lý, phòng dịch cho người lao động để đảm bảo chung sống an toàn với dịch và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực cũng như sản xuất.

Nan giải khôi phục nguồn lao động

Là DN may có khoảng 8.000 người lao động tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH May Đồng Tiến hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lao động. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc May Đồng Tiến, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hướng dẫn để DN hoạt động trở lại như tiêm vaccine, lao động phải trong "vùng xanh", được xét nghiệm trước dịch Covid-19…

Nhiều DN khó đảm bảo lực lượng lao động để khôi phục sản xuất.

Nhưng hiện nay ở TP Biên Hòa, các phường, xã theo tiêu chí của Chính phủ đều nằm trong diện "vùng đỏ" và như vậy người lao động không thể đi làm được. Dù DN đang nỗ lực trong thực hiện "3 tại chỗ" nhưng chỉ thực hiện chưa đến 10% nhân lực. Với 90% người lao động còn lại, khi DN đề nghị hỗ trợ theo chế độ bảo hiểm lại chưa được hưởng.

“Thời gian tới, DN phải sống chung với dịch bằng việc đẩy nhanh tiêm phòng cho người lao động và hỗ trợ người lao động để đảm bảo có nguồn lao động sản xuất. DN cũng kiến nghị cho phép được lấy người lao động từ các địa bàn không có ca lây nhiễm từ phường, xã trên địa bàn, thực hiện các xét nghiệm, đảm bảo an toàn để đưa vào làm việc. Nếu cứ khoanh vùng như hiện nay, DN sẽ rất khó đảm bảo lực lượng lao động để khôi phục sản xuất”, ông Hoàng đề xuất.

Nhìn thấy rõ những khó khăn của DN sau dịch, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hiện các DN ngành dệt may đang đối diện với khó khăn trong việc huy động lực lượng lao động và giữ chân khách hàng. Đây là bài toán song song cần giải quyết triệt để, bởi nếu có lao động mà không có đơn hàng, lúc đó gánh nặng sẽ đè nặng lên vai DN khi vừa phải lo trả lương cho người lao động, và phải lo các chi phí thuê đất đai, nhà xưởng...

Mới đây, 7 doanh nghiệp dệt may tại Tiền Giang với 13.300 công nhân đã đề nghị được Thủ tướng quan tâm, hỗ trợ vaccine Covid-19 để trở lại sản xuất trước khi bị mất đơn hàng. Đại diện các DN dệt may phía Nam cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và kéo dài 4 tháng qua khiến doanh nghiệp kiệt quệ, đối diện nguy cơ phá sản.

Cho phép DN chủ động phòng chống dịch?

 

Trước thực tế khó khăn hiện nay, việc sớm khống chế dịch bệnh và mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện để DN phục hồi sản xuất, nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, nhà nước và Chính phủ cần tạo điều kiện để cho người lao động được tiêm vaccine nhằm giữ vững nguồn lực, duy trì ổn định để đẩy mạnh sản xuất.

Theo đề xuất của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, khi phục hồi sản xuất, DN sẽ không thể đảm bảo ngay năng suất sản xuất cao bởi ngoài thiếu hụt lao động, lượng đơn hàng cũng đã rút đi rất nhiều. Hiện tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam đã tăng lên 40-50%. Đơn hàng của ngành da giày từ lúc đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng, như vậy, ít nhất 6 tháng nữa, các đơn hàng này mới có thể quay trở lại.

Chính vì vậy bà Xuân đề xuất, ngoài việc tiêm vaccine Chính phủ có thể cho phép DN chủ động về phòng chống dịch. Đặc biệt, các DN đang rất cần trợ giúp, tư vấn về trang bị y tế tại chỗ, trang bị kiến thức, điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men chữa bệnh… Ngoài ra, kết nối hệ thống thông tin, giám sát, hỗ trợ, khai báo qua hệ thống mạng, công nghệ 4.0… DN cần báo cáo trung thực và chịu trách nhiệm…

“DN có cơ sở, phòng cách ly thế nào để đạt chuẩn, 300 lao động thì bộ phận y tế phải bao nhiêu người, khu cách ly thế nào, sử dụng thuốc ra sao,…? rất cần được ngành Y tế tư vấn hỗ trợ. Việc này vừa giúp DN tự chủ phòng chống dịch, không thụ động, vừa giảm gánh nặng cho nhà nước, địa phương trong quản lý người lao động…”, bà Xuân nói.

Nhiều DN chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới.

Cho rằng thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các DN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ, đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN khi chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới. Hơn nữa, nếu TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021 cũng rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, bởichỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang còn được áp dụng tại nhiều địa phương sẽ là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế.

 

"Thời điểm này, để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền thì vaccine vẫn là “chìa khoá”. Có nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong thời gian tới, hy vọng tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững”, ông Giang hi vọng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm