Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đại hội cổ đông bất thành, Chủ tịch Eximbank “trách ngược” cổ đông?

DNVN - Eximbank là ngân hàng duy nhất 9 lần dời, hoãn, tổ chức bất thành Đại hội đồng cổ đông trong 2 năm qua. Kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” đó lại bị phá vỡ khi ngân hàng này có thêm hai đại hội nữa được tổ chức vào ngày 26, 27/4/2021 lại… tiếp tục bất thành!

Đại hội cổ đông lần 3 bất thành, cổ đông lớn của Eximbank đòi bãi nhiệm hàng loạt thành viên Hội đồng quản trị / Âm thầm bán Bitcoin trước khi giá lao dốc, Tesla báo lãi kỷ lục, CFO khẳng định 'vững niềm tin' vào Bitcoin trong dài hạn

“Tôi thực sự rất buồn về cổ đông SMBC…”

Ngày 26/4, ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ 3 diễn ra với số cổ đông tham dự tới 94,51%, nhưng do gần 55% cổ đông không thông qua Quy chế đại hội nên đại hội phải ngừng lại.

Hôm sau, ĐHĐCĐ thường niên 2021 lại không thể tiến hành vì chỉ còn 41,65% cổ đông tham dự, thấp so với tỷ lệ tối thiểu phải đạt là 65%.

Ngay sau đại hội 27/4, với gương mặt buồn, ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT Eximbank đã có những phát ngôn gây chú ý.

Ông Saitoh cho rằng, nguyên nhân đại hội không thành công là do cổ đông, rằng ông không hiểu vì sao cổ đông kiến nghị bãi nhiệm hầu hết HĐQT và tỏ ý trách cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

“Ngày hôm qua 26/4, tỷ lệ tham dự rất cao nhưng hôm nay lại rất thấp. Qua đó có thể thấy ngân hàng đang bị chi phối bởi thiểu số một số nhóm cổ đông - nhóm cổ đông này sở hữu một lượng lớn cổ phần Eximbank”. Ông Saitoh nói, rồi tiếp tục có những lời buồn về cổ đông SMBC.

“Tôi cũng không biết ý định của đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là gì. Thực tế là tôi không còn làm việc ở SMBC nữa nên không biết được chiến lược, ý định của bên đó như thế nào. Với vai trò là ngân hàng tầm cỡ toàn cầu như SMBC, tôi thực sự rất buồn khi họ không tham dự vào ĐHCĐ hôm nay (27/4)” – lời ông Saitoh.

Tại sao ông Saitoh lại cho rằng “có một nhóm cổ đông thiểu số” nhưng lại “sở hữu một lượng lớn cổ phần” chi phối Eximbank? Tại sao ông Saitoh lại nhắc đến cổ đông SMBC và chỉ cổ đông này thôi, sau nhận định trên?

SMBC - nỗi buồn của ông Saitoh hay ngược lại?

Ông Saitoh từng là nhân viên của SMBC. Vào năm 2015, chính SMBC đã đề cử ông Saitoh tham gia vào HĐQT Eximbank.

Tuy nhiên, sau 4 năm, SMBC đã không còn sự tín nhiệm với người mà họ từng tin tưởng. Ngày17/5/2019, SMBC có văn bản gửi HĐQT Eximbank thông báo: "từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC".

Trước thời điểm SMBC phải ra Thông báo kể trên, ông Saitoh cũng đã viết đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Eximbnk. Còn tại Eximbank thì đang xảy ra tranh chấp “ghế nóng” Chủ tịch giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú, quyết liệt tới mức sau đó HĐQT chia thành 2 nhóm 5/9 và 3/9. Liên quan đến cuộc tranh chấp này là Nghị quyết 231, ngày 15/5/2019, với cuộc họp đầy “kịch tính”, mà sau này Thanh tra Ngân hàng đã kết luận là một trong nhiều cuộc họp có sai phạm và yêu cầu Eximbank rà soát để thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết liên quan.

Tuy nhiên, với tình trạng mất đoàn kết và chia rẽ kéo dài đến tận bây giờ, kiến nghị của Thanh tra ngân hàng là khó thực hiện.

Chính từ thực trạng này, với vai trò cổ đông chiến lược, SMBC đã liên tục kiến nghị đưa vào chương trình nghị sự của ĐHĐCĐ năm 2019, sau đó tiếp tục kiến nghị cho đến hiện nay, 3 nội dung: Nhận định các vấn đề tồn tại của EIB, HĐQT và kiến nghị giải pháp khắc phục của Ủy ban chỉ đạo độc lập; Xem xét qui mô HĐQT, giảm số lượng từ 10 xuống 7 thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm từng thành viên HĐQT; Và, xem xét việc từ chức của ông Saitoh.

Kiến nghị hợp pháp lần đầu của SMBC đã bị Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc tự ý ký văn bản từ chối.

Tiếp đó, nhóm 5/9 thành viên HĐQT đã họp thông qua Nghị quyết ngày 22/5/2019, thống nhất chưa xem xét Đơn từ nhiệm của ông Saitoh.

Sau đó, ông Saitoh được xem là thành viên của nhóm 6/9 trong HĐQT, đồng thuận trong việc từ chối trái qui định các lần kiến nghị tiếp theo của SMBC.

Ngày 5/12/2019, Thanh tra NHNN đã ban hành cùng lúc 6 quyết định xử lý vi phạm đối với 6 thành viên HĐQT về hành vi “tổ chức hoặc không tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng quy định của pháp luật” khi từ chối kiến nghị của SMBC; bao gồm các ông: Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Yasuhiro Saitoh.

Ông Saitoh lộ rõ hành vi đi ngược lại quyền và lợi ích hợp pháp của SMBC tại Eximbank.

Cùng với quá trình từ chối kiến nghị của SMBC, ông Saitoh tiếp tục được nhóm đa số trong HĐQT thông qua Nghị quyết ngày 25/6/2020 đưa lên chức Chủ tịch HĐQT trong sự phản đối của các thành viên còn lại và của cả cổ đông SMBC.

Ở vị trí Chủ tịch, dù đã dính “án phạt” của NHNN, ông Saitoh vẫn tiếp tục ký nhiều văn bản từ chối kiến nghị của SMBC, khiến cho đến nay kiến nghị hợp pháp của SMBC vẫn chưa được đưa vào chương trình đại hội thường niên để cổ đông xem xét quyết định theo luật định.

Sự “hy sinh” của ông Saitoh…

Cũng gây chú ý không kém là nội dung trả lời báo chí hôm 27/4 về sự kiện ngày 13/4 Eximbank ban hành gần như một lúc 2 nghị quyết trái ngược nhau.

Nghị quyết thứ nhất, chấp thuận Đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT “vì lý do cá nhân” gửi ngày 6/4 của ông Saitoh. Nghị quyết này được ký bởi ông Nguyễn Quang Thông, giữ chức Chủ tịch đúng 55 phút. Nghị quyết thứ 2, bầu chính ông Saitoh trở lại làm Chủ tịch.

Thành viên HĐQT, ông Lê Minh Quốc, đã giải thích như sau: “Ông Saitoh xin rời vị trí là có lý do cá nhân chính đáng, điều này đã được HĐQT phê duyệt và chấp thuận. Còn chuyện bầu ông Thông làm Chủ tịch là bởi theo điều lệ, người chủ tọa cuộc họp HĐQT phải là chủ tịch. Theo điều lệ, luật là sẽ bầu một người Chủ tịch tạm thời, giữ chức chủ tọa hôm đó. Nhưng rồi HĐQT cũng đã thảo luận rất nhiều và quyết định mời ông Saitoh tiếp tục làm. Ông Saitoh cũng hy sinh lắm mới chịu ngồi vào ghế đó”.

Eximbank một lần nữa phá kỷ lục về đại hội cổ đông bất thành vào ngày 27/4/2021 vừa qua.  Eximbank một lần nữa phá kỷ lục về đại hội cổ đông bất thành vào ngày 27/4/2021 vừa qua.

Eximbank một lần nữa phá kỷ lục về đại hội cổ đông bất thành vào ngày 27/4/2021 vừa qua. Eximbank một lần nữa phá kỷ lục về đại hội cổ đông bất thành vào ngày 27/4/2021 vừa qua.

Rất tiếc ông Saitoh không trả lời câu hỏi này nên dư luận vẫn không hiểu nổi “lý do cá nhân” gì mà đến mức ông phải làm Đơn từ nhiệm?

Bởi lúc đó chỉ còn 20 ngày nữa, Eximbank sẽ bắt đầu tổ chức liền một lúc 3 đại hội. Cả một núi công việc “3 năm dồn lại” đang đè nặng lên vai Chủ tịch HĐQT. Vậy mà ông vẫn phải quyết định viết Đơn từ nhiệm “vì lý do cá nhân”. Hẳn ông Saitoh phải suy nghĩ rất kỹ càng nhiều ngày đêm và thấy không còn cách nào khác ngoài việc phải từ chức mới giải quyết được. Trong hoàn cảnh đó việc viết đơn của ông Saitoh chắc chắn không phải là một việc nông nổi, cảm tính. Vậy thì tại sao chỉ trong vòng 55 phút, ông Saitoh lại có thể dễ dàng bị thuyết phục để vượt qua “lý do cá nhân” và chấp nhận “hy sinh” để tiếp tục làm Chủ tịch?

Theo diễn biến sự việc thì việc HĐQT thuyết phục ông Saitoh gạt “lý do cá nhân sang một bên” để tiếp tục làm Chủ tịch chỉ diễn ra mươi lăm phút trong cuộc họp thứ 2. Vậy thì tại sao HĐQT thay vì thuyết phục ông Saitoh thôi từ chức, lại cứ phải gây kinh ngạc dư luận bằng việc trong 55 phút tạo ra “3 ông” Chủ tịch: Ông Saitoh đương nhiệm được từ nhiệm, ông Nguyễn Quang Thông lên làm Chủ tịch tạm thời, rồi ông Saitoh lại lên làm Chủ tịch sau khi ký Nghị quyết bầu mình. Còn Chủ tịch Nguyễn Quang Thông thì lặng lẽ thôi chức Chủ tịch sau 55 phút giữ chức? Chẳng lẽ đúng pháp luật lại phức tạp, khó hiểu đến như thế?

Ông Quốc nói: “Theo điều lệ, luật là sẽ bầu một Chủ tịch tạm thời, giữ chức chủ tọa hôm đó”.

Tuy nhiên, chính Kết luận thanh tra Ngân hàng Eximbank cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Các Tổ chức tín dụng chỉ có qui định “Chủ tịch HĐQT làm chủ tọa cuộc họp” chứ chưa có qui định khi Chủ tịch HĐQT đi vắng hoặc không có điều kiện làm chủ tọa cuộc họp HĐQT thì “cuộc họp bầu một người làm Chủ tọa” như Điều lệ Eximbank qui định (dù Điều lệ Eximbank đã được NHNN chuẩn y nhiều năm nay). Thanh tra Ngân hàng đã kết luận quy định này là trái luật, có nghĩa là phải sửa đồi hoặc hủy bỏ. Nay ông Quốc lại áp dụng điều lệ trái luật với luật là không thuyết phục.

Phải chăng chính vì sự “áp dụng” này đã dẫn đến kết quả khó hiểu đến mức gây kinh ngạc dư luận?

Gây chú ý về sự không thuyết phục tiếp theo là ông Quốc nói rằng: “Ông Saitoh cũng hy sinh lắm mới chịu ngồi ghế Chủ tịch”.

Sự “hy sinh” của ông Saitoh đã cho kết quả đầu tiên là tạo nên “sự kiện 55 phút” ngày 13/4, gây nghi ngờ, khó hiểu và hoang mang đối với cổ đông trước thềm đại hội; tiếp đó là kết quả bất thành của cả 2 đại hội.

Và bây giờ, trước sự thất bại của 2 đại hội, ông Saitoh và HĐQT lại quên không tự xem lại mình để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các nhóm cổ đông đòi bãi nhiệm hầu như tất cả HĐQT trước đại hội, mà lại quy ngay trách nhiệm cho các nhóm cổ đông, trong đó, nêu cụ thể cổ đông SMBC.

Với vị thế một ngân hàng tầm cỡ toàn cầu, một cổ đông lớn nhất, đầu tư góp vốn chiếm 15% vốn điều lệ tại Eximbank từ năm 2008, cổ đông chiến lược SMBC chắc chắn không thể không có trách nhiệm đối với sự ổn định, phát triển của Eximbank cũng như đối với phần vốn góp hàng nghìn tỷ đồng của mình tại đây.

Còn trách nhiệm của ông Saitoh đối với Eximbank thì sao? Ông Saitoh đã có 2 lần làm Đơn từ nhiệm khỏi vị trí được tín nhiệm trong HĐQT, một lần bị NHNN ra quyết định xử phạt vì vi phạm quyền cổ đông, gần 1 năm làm Chủ tịch luôn bị 2 nhóm cổ đông liên tục kiến nghị đòi bãi nhiệm và nhiều lần không thể tổ chức thành công đại hội cổ đông.

Ông Yasuhiro Saitoh từng được biết đến trong nhiều sự kiện “lạ” gắn với Eximbank, lần này cũng vậy, ông tiếp tục tạo thêm sự lạ đời khi “trách ngược” cổ đông về kết quả bất thành của ĐHĐCĐ thường niên trên báo chí.

Cần lưu ý rằng, để được “hy sinh” làm Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày hôm nay, như đồng sự của ông ta nhận xét, ông Saitoh phải nhớ ơn “ông chủ” của mình đã tín nhiệm và đề cử ông ta đại diện phần vốn góp lớn của SMBC tại Eximbank vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo