Doanh nghiệp - Doanh nhân

Dấu ấn doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu trên thương trường Việt

Một điểm chung dễ thấy đối với nhà sáng lập của Vingroup hay Sovico là họ từng có thời đi học ở những quốc gia Đông Âu...

"CEO của thế kỷ" / Cuộc chơi lớn của tỷ phú bậc nhất, nỗi cực biết tỏ cùng ai

Thành quả kinh tế rực rỡ của Việt Nam trong vài năm gần đây đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư trên toàn thế giới. Dĩ nhiên những thành tựu này có được nhờ vào sự đóng góp phần nào của các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, tờ Nikkei Asian Review nhận định.

Tập đoàn Vingroup của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, là một trong những ngôi sao đang lên ở thị trường này. Từ một tập đoàn bất động sản, Vingroup phát triển thành tập đoàn đa ngành lớn nhất của Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp - dịch vụ.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.

Gần đây, nhà sản xuất xe hơi Vinfast vừa giới thiệu dòng TV thông minh Vsmart hoạt động trên nền tảng Google, với tham vọng cạnh tranh với các tên tuổi lớn như Sony của Nhật Bản hay Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Hiện Vingroup được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) với mức vốn hóa thị trường đạt 13,7 tỷ USD. Tập đoàn này sản xuất TV thông minh tại nhà máy ở khu công nghệ cao Hòa Lạc gần Hà Nội. Đây cũng là nơi mà Chính phủ Việt Nam muốn phát triển thành trung tâm công nghệ cao.
Nhờ sự hậu thuẫn từ Chính phủ, Vingroup đã bắt đầu sản xuất xe hơi từ năm 2017. Tập đoàn đã đầu tư 400 tỷ Yên để lắp đặt các thiết bị công nghệ tối tân cho nhà máy Vinfast ở thành phố Hải Phòng.
Vingroup của tỉ phú Vượng đã chuyển mình thành một tập đoàn công nghệ, công nghiệp. (Ảnh: Nikkei).

Vingroup của tỉ phú Vượng đã chuyển mình thành một tập đoàn công nghệ, công nghiệp. (Ảnh: Nikkei).

Ngoài ra, Vingroup còn hợp tác với các ông lớn nước ngoài, như hãng sản xuất thép lớn nhất của Hàn Quốc Posco cũng như BMW và Bosch của Đức để thực hiện tham vọng xe hơi này. Trong giai đoạn đầu hoạt động, Vingroup bắt đầu sản xuất xe hơi thể thao đa dụng và dòng xe sedan.
Mặc dù doanh số bán xe hơi ở Việt Nam còn khá thấp, khoảng 300.000 chiếc mỗi năm, nhưng Vingroup đã lên kế hoạch sản xuất tới 250.000 chiếc ở thời điểm hiện tại và 500.000 chiếc trong tương lai, hướng tới tham vọng xuất khẩu xe ra nước ngoài.
Nhà sáng lập và Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam với tổng tài sản khoảng 7,6 tỷ USD, theo Forbes. Câu chuyện thành công của ông cũng có nhiều điểm giống với người khởi nghiệp khác xuất phát từ lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam.
Một điểm chung dễ thấy là họ từng có thời đi học ở những quốc gia Đông Âu. Ông Vượng học ở Moscow và khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng ở Ukraine. Sau đó, ông sớm chuyển sang sản xuất mì ăn liền và rồi phát triển thiết bị khử nước sử dụng trong hoạt động sản xuất mì ăn liền.
Năm 2009, ông bán công ty cho Nestle – một tập đoàn thực phẩm đa quốc gia của Thụy Sỹ – với giá 150 triệu USD. Từ đó, ông có vốn để lập nên doanh nghiệp bất động sản.
Một trường hợp khác là Chủ tịch của Sovico Holdings, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – vốn cũng học và nghiên cứu ở Moscow từ năm 1988. Khi còn ở Moscow, bà nhập khẩu cao su, máy fax, quần áo và hàng tiêu dùng từ Nhật Bản và Hàn Quốc để bán trong nước.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.

Ngay sau khi tốt nghiệp, bà đã kiếm được 100 triệu Yên. Có trong tay số tiền kha khá, bà cùng chồng thành lập doanh nghiệp bất động sản. Vào cuối năm 2011, tập đoàn Sovico thành lập hãng hàng không giá rẻ Vietjet – giờ đang là đối thủ cạnh tranh với hãng hàng không Vietnam Airlines.
Hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang dẫn đầu thị trường bay nội địa. Mục tiêu của Vietjet hiện tại là vươn ra khu vực khi hãng này mở rộng không ngừng các đường bay quốc tế tới các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...
Forbes đánh giá bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không thế giới khi là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất khởi nghiệp, điều hành một hãng hàng không thương mại lớn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 38.134 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không là 30.597 tỷ đồng. Dù có doanh thu chỉ bằng phân nửa so với Vietnam Airlines Group, Vietjet Air báo lãi trước thuế 4.206 tỷ đồng, cao hơn mức lợi nhuận hợp nhất 3.291 tỷ đồng của đối thủ.
Theo số liệu khai thác chuyến bay của Cục Hàng không, Vietjet Air là hãng có thị phần hàng không nội địa lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với 43%. Vietnam Airlines xếp thứ 2 với 37% thị phần trong khi Jetstar Pacific chiếm 11%. 2 vị trí cuối cùng thuộc về Bamboo Airways (5%) và VASCO (4%).
Sau khi nắm trong tay thị phần số 1 tại thị trường trong nước, Vietjet Air của tỷ phú Phương Thảo đang tập trung mở rộng ra thị trường quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường, người có công rất lớn với Sun Group.
Ông Đặng Minh Trường, Tân Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sun Group

Ông Đặng Minh Trường, Tân Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sun Group

Được thành lập năm 2007, Sun Group hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm du lịch nghỉ dưỡng; vui chơi giải trí; bất động sản và hạ tầng, gắn với tên tuổi ông Lê Viết Lam. Tập đoàn này sở hữu số lượng dự án bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đáng kể nhất trong đó phải kể tới Dự án khu phức hợp giải trí nghỉ dưỡng cao cấp có quy mô lớn chưa từng có tại Vân Đồn, Quảng Ninh với quy mô 2.000 ha và tổng vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Đây cũng chính là chủ đầu tư và sở hữu hàng loạt khách sạn 5 sao tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng và Phú Quốc như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort; JW Marriott Phu Quoc; Premier Village Phu Quoc Resort… đều có vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Sun Group đang sở hữu loạt công trình du lịch tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ như Bà Nà Hills (8.500 tỷ đồng); Sun World Đà Nẵng (gần 4.400 tỷ đồng); Sun World Fansipan (trên 2.600 tỷ đồng) và Sun World Hạ Long (7.780 tỷ đồng)…
Mới đây, doanh nghiệp này cũng đã khánh thành và đưa vào khai thác sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam - Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn (7.500 tỷ đồng).
Theo Nikkei, các doanh nhân tỉ phú ngoài việc cùng khởi nghiệp từ Đông Âu, một điểm chung nữa là đều được hưởng lợi từ sự bùng nổ bất động sản tại Việt Nam.
Vào đầu những năm 2000, các khoản đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tăng vọt.
Kế đó dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng chảy vào Việt Nam nhiều hơn sau khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2007.
Báo cáo gần đây của Savills Việt Nam cho thấy giá căn hộ ở Hà Nội đã giảm phần nào trong quý đầu năm 2019. Nhưng giá đất ở khu vực trung tâm tại một số thành phố lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục leo dốc, cùng với đó, giá bất động sản cũng đi lên ở các thị trấn trong khu vực nhờ việc triển khai các dự án ở các khu nghỉ dưỡng du lịch như Đà Nẵng và đảo Phú Quốc.
Mức tăng trưởng nhanh chóng ở lĩnh vực bất động sản cũng diễn ra cùng nhịp với đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam. Tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo đạt 7% trong cả năm 2019, cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.
Ngày càng nhiều tập đoàn đa ngành đang chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Chi tiêu tiêu dùng cũng gia tăng nhờ tầng lớp trung lưu. Aeon – chuỗi siêu thị lớn của Nhật Bản – hôm 05/12 đã mở cửa hàng thứ 5 tại Việt Nam và Uniqlo – nhà bán lẻ quần áo Nhật Bản – cũng vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 06/12.
Cảm thấy phấn khởi vì môi trường kinh tế tích cực, các tập đoàn xuất phát từ lĩnh vực bất động sản có khả năng gia tăng sức ảnh hưởng như mà một động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, thách thức của họ nằm ở chỗ nâng cao quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội để thu hút thêm nhà đầu tư.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm