Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực thực hiện '3T', duy trì sản xuất

Thực hiện 3 tại chỗ "sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ" (3T) là phương án hiện được nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương lựa chọn để duy trì sản xuất. Đây là phương án đòi hỏi DN phải huy động tổng nguồn lực cả con người và tài chính để duy trì sản xuất, ổn định tâm lý, tư tưởng của hàng trăm công nhân.

200 xe taxi Mai Linh tham gia phản ứng nhanh hỗ trợ y tế tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh / Sân bay Đà Nẵng lên tiếng "phản ứng" về phân bổ vaccine phòng COVID-19

Các DN gỗ Bình Dương vừa sản xuất an toàn vừa chống dịch. Ảnh: Nguyễn Dũng.

“3T” là yêu nước… gấp đôi

Ngày 28/7, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) tổ chức toạ đàm trực tuyến chia sẻ về nội dung các thành viên của BIFA đang thực hiện các phương án “3T” hiện nay.

Ông Lê Phước Tân, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) chia sẻ hình ảnh toàn bộ Công ty “bật” chế độ “3T” với những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt theo các lớp, với những vùng sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân được bố trí riêng biệt, thoáng mát.

“Chúng tôi xây dựng 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, bình quân 6 người sử dụng 1 nhà tắm và không ai được sử dụng lẫn sang khu vực khác. Chúng tôi cũng thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của công nhân với kỷ luật 'nội bất xuất, ngoại bất nhập'. Trước khi đưa công nhân vào sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, chúng tôi đều test nhanh, test PCR, có người được test tới 5 lần”, ông Tân cho biết.

Cũng theo ông Tân, dù sản xuất theo mô hình “3 T” khá tốn kém nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì vì nếu nhà máy đóng cửa thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Đồng quan điểm, anh Phạm Hồng Phước, Giám đốc Công ty An Khang Furniture, cho biết đầu mùa dịch, trong khu vực nhà máy có ca F0, địa phương thực hiện phong tỏa, Công ty buộc phải tạm dừng hoạt động trong giai đoạn đó. Hết phong tỏa, Công ty chính thức bước vào sản xuất theo phương án “3 T”.

“Chúng tôi lường trước được làm 3T sẽ có nhiều khó khăn nhưng khó vẫn phải làm. Cái khó thứ nhất là nhiều công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm việc tập trung. Vì thế, lãnh đạo Công ty phải 4 lần kêu gọi tập hợp được 65% công nhân. Sau đó là test đầu vào, lúc đó chỉ cần có ca F0 là phải dừng hết sản xuất, nhưng may mắn chúng tôi vượt qua. Tiếp đó là việc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất”, anh Phước cho biết.

Cũng theo anh Phước, hiện An Khang Furniture đang ở ngày thứ 10 áp dụng mô hình “3 T”, rất may đến giờ này dây chuyền vẫn ổn. Công ty định kỳ test sàng lọc cho công nhân một lần. “Nếu cuối tuần này xét nghiệm tiếp không phát hiện ca nghi nhiễm thì Công ty sẽ ở vùng xanh an toàn”, anh Phước nói.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp

Thực tế, qua triển khai thực hiện “3T”, các doanh nghiệp cũng thấy đây là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cũng như chiến lược duy trì hệ sinh thái phục vụ sản xuất.

Đơn cử như Công ty CP Lâm Việt, doanh nghiệp đã thực hiện “3T” từ cuối tháng 6/2021, khi có thông tin một số ca nhiễm cộng đồng trên địa bàn thị xã Tân Uyên.Tính đến nay, Lâm Việt đã có hơn 4 tuần thực hiện “3 T” cho hơn 700 người lao động.

Để đảm bảo an toàn, Lâm Việt tiến hành test nhanh toàn bộ người lao động; chia nhóm theo khu vực làm việc, mỗi nhóm sẽ do một tiểu đội trưởng quản lý; sắp xếp chia ca ăn và vệ sinh (lệch nhau 1 giờ) để tránh bị tắc nghẽn; xây dựng nhà vệ sinh dã chiến dùng cho 10-15 người; chia khu vực tắm và giặt riêng; khu nam riêng, nữ riêng. Khu vực ăn, nghỉ của công nhân được trang bị wifi,… Người lao động ở lại Công ty được hỗ trợ 4 bữa ăn/ngày và 500.000 đồng/tháng (ngoài lương).

Trong khi đó, theo ông Lê Phước Tân, để đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ”, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, trong đó phải chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống dịch có thể phát sinh trong khu vực “3 tại chỗ”.

Ông Dư Hoài Long, Giám đốc Công ty TNHH Phú Khang Phát cho biết 10 ngày trước, Công ty của ông cũng đứng trước đắn đo có nên làm “3 tại chỗ” không, nếu không phải làm là tốt nhất nhưng mỗi khách hàng, thị trường có những đòi hỏi khác nhau nên Công ty quyết định duy trì sản xuất theo mô hình “3T” từ 20/7 với 300/450 công nhân làm việc. “Đến nay, chúng tôi tạm hài lòng nhưng nếu kéo dài 3T, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì chi phí phát sinh lớn”, ông Long nói.

Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, hiện Hiệp hội có 37 doanh nghiệp thực hiện "3T" và 19 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 3.700 doanh nghiệp thực hiện phương án "3T".

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm