Doanh nghiệp - Doanh nhân

Làn sóng COVID-19 thứ 4 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của doanh nghiệp

DNVN - Gần 10% doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoàn toàn, và 65% doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự theo nhiều hình thức để duy trì hoạt động trước làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Việt Nam có thêm startup tỷ USD trong lĩnh vực công nghệ / Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp dỡ phong tỏa, chuẩn bị hoạt động lại

Bức tranh toàn cảnh

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã kéo dài tới hơn 90 ngày và được đánh giá vẫn chưa đạt đỉnh, cũng chưa thể dự báo tới khi nào sẽ kết thúc. Đứng trước những diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp buộc buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách, đóng cửa, gây ra không ít cản trở trong hoạt động kinh doanh.

Đơn vị nghiên cứu Base cùng với FPT đã tiến hành một khảo sát với gần 300 doanh nghiệp trong hai tháng 5 và 6 để đánh giá được ảnh hưởng của làn sóng thứ tư đến hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp.

Với đối tượng khảo sát là những CEO, Giám đốc và quản lý của 271 doanh nghiệp với hơn 50% doanh nghiệp nằm trong khu vực thực hiện Chỉ thị 15 và 16, còn lại là doanh nghiệp không nằm trong khu vực giãn cách. Quy mô nhân sự các doanh nghiệp trải đều từ quy mô nhỏ tới quy mô lớn, thời gian hoạt động từ 1 – 2 năm tới hơn 10 năm, và thuộc 5 ngành phổ biến nhất là Thương mại – Bán lẻ, Gia công – Chế biến – Sản Xuất, Giáo dục – Đào tạo, Công nghệ - Viễn thông, Xây dựng – Kiến trúc.

Khảo sát dựa trên bảng câu hỏi với các phần chính bao gồm ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động doanh nghiệp, biện pháp ứng phó với COVID-19 của doanh nghiệp, kỳ vọng & dự đoán đối COVID-19 của doanh nghiệp và dự định triển khai công nghệ của doanh nghiệp. Kết quả có tới 53% doanh nghiệp đang tạm ngưng hoặc tạm dùng một phần hoạt động kinh doanh, trong khi đó có 46,13% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Đáng chú ý số doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoàn toàn lên tới 8,85%.

Việc nhân viên phải làm việc tại nhà, không được tới công ty, văn phòng cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ khi hơn 60% doanh nghiệp sẽ phải tạm ngưng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Chỉ có 39,85% doanh nghiệp vận hành bình thường. Trong khi đó 50,55% doanh nghiệp vận hành từ xa một phần, có kế hoạch kinh doanh thay thế và 9,6% doanh nghiệp chấp nhận tạm “ngủ đông’. Trong đó, 64,9% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dưới các hình thức cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm.

Giãn cách xã hội mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều vấn đề cần phải đối mặt và giải quyết. Tới 61,99% doanh nghiệp đánh giá khó khăn đến từ việc đối tác của họ cũng khó khăn mà gây ảnh hưởng tới đơn vị, 43,1% là do nhu cầu giảm sút, 37,98% từ vấn đề thiếu hụt nguồn tiền. Tiếp đó là các vấn đề liên quan tới vận hành doanh nghiệp từ xa, nguồn cung khan hiếm đắt đỏ gây đứt gãy vận hành, thiếu hụt nhân lực cho bệnh dịch hoặc cách ly y tế, và một số nguyên nhân khác.

Đối với người lao động, những người đang đứng trước nhiều thay đổi lớn của nền kinh tế, đều phải chịu nhiều áp lực từ các vấn đề khác nhau. 60,52% cho rằng họ cảm thấy lo lắng về tương lai công việc, xáo trộn tinh thần làm việc. 52,4% thấy thiếu gắn kết khi làm việc từ xa, một hình thức làm việc hoàn toàn khác. 43,17% thấy thiếu kỷ luật khi làm việc từ xa. 31% thiếu công cụ khi làm việc từ xa và những lý do khác là những vấn đề mà nhân sự phải đối mặt khi làm việc từ xa.

Theo khảo sát, ngành bị ảnh hưởng ít nhất là Công nghệ - Viễn thông và Xây dựng – Kiến trúc với hơn 51% doanh nghiệp Công nghệ - Viễn thông không phải cắt giảm lao động. Trong khi đó, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là F&B – Dịch vụ ăn uống và Giáo dục – Đào tạo, khi tới 28% doanh nghiệp F&B tạm thời phải dừng hoạt động nếu phải vận hành từ xa.

d


Mỗi doanh nghiệp phải có kế hoạch ứng phó riêng

Đứng trước tình hình thực tế, mỗi doanh nghiệp đều có những kế hoạch riêng để ứng phó với dịch bệnh còn có khả năng kéo dài. 73,32% doanh nghiệp đưa ra các quy định về an toàn phòng chống bệnh dịch COVID-19. 60,52% doanh nghiệp đưa ra các chính sách cho nhân viên khi làm việc từ xa. Tiếp theo đó là các kế hoạch truyền thông nội bộ trong giai đoạn dịch bệnh của doanh nghiệp, các kế hoạch xử lý khủng hoảng mới, xây dựng hay nâng cấp cơ sở hạ tầng cho việc làm từ xa. Một số các ý kiến khác bao gồm tạo ra sản phẩm mới, kế hoạch cắt giảm chi phí, có sản phẩm mới để có nguồn thu; chuẩn bị nhân sự dự phòng thay thế các vị trí nhạy cảm để duy trì hoạt động trong trường hợp nhân sự phải cách ly hay điều trị dài hạn và các cơ chế quản lý, giám sát khi làm việc từ xa.

Với các dự tính cho tương lai ngắn hạn, 51,66% doanh nghiệp tỏ ra lạc quan rằng doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động vào đầu tháng 8/2021, nhưng cũng có tới 43,54% không hề lạc quan về điều này, đặc biệt 4,8% doanh nghiệp không quan tâm vì thời điểm đó không ảnh hưởng tới họ.

Nếu không thể trở lại hoạt động bình thường trong 2 - 3 tháng tới, chưa tới một nửa số doanh nghiệp chiếm 45,66% chắc chắn có thể duy trì hơn 12 tháng, trong khi đó 26,63% doanh nghiệp duy trì được hơn 6 tháng, 21,3% doanh nghiệp hoạt động được hơn 3 tháng và 6,51% doanh nghiệp duy trì được dưới 3 tháng.

Đối với việc triển khai công nghệ cho việc vận hành từ xa, hơn 91% doanh nghiệp đã triển khai hoặc có dự định triển khai trong giai đoạn này liên quan tới các khía cạnh marketing - sales - thanh toán, vận hành nội bộ, quản lý đánh giá phát triể nhân sự, chăm sóc khách hàng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

f


Khảo sát tuy chỉ dựa trên ý kiến của vài trăm doanh nghiệp nhưng cũng giúp các doanh nghiệp có cơ hội nhìn lại bức tranh toàn cảnh và đưa ra định hướng tốt hơn trong giai đoạn sắp tới khi tình hình còn nhiều phức tạp.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm