Eximbank: Những “kỷ lục bom tấn” trước đại hội cổ đông
Thị trường chứng khoán ngày 24/2: Thử thách tại mốc 1.180 không thành, VnIndex trở lại mốc 1.160 / Phát triển thị trường vốn: Cần duy trì lãi suất thấp, khuyến khích khởi nghiệp cần vốn rẻ
“Kinh ngạc, khó tin, sốc” là những từ mà giới quan sát đang dùng để miêu tả những “kỷ lục” gắn với tên gọi EIB. Trong bối cảnh đó, EIB quyết định tổ chức 3 đại hội cổ đông trong 3 ngày 26, 27/4 và 14/5/2021 sắp tới. EIB sẽ tổ chức đại hội thành công hay lại ghi thêm “kỷ lục” mới?
2 năm, 8 đời Chủ tịch HĐQT
Ngày 13/4/2021, EIB tiếp tục thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT lần thứ 6,7,8.
Theo Thông báo của EIB, HĐQT đã họp và ban hành 2 nghị quyết, trong đó, HĐQT đã bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời làm Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu chủ tịch mới. Cuộc họp diễn ra từ 10h15 đến 11h10.
Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Quang Thông ký Nghị quyết 156 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh.
Vài chục phút sau, Nghị quyết 157 ra đời, do chính ông Yasuhiro Saitoh ký, với nội dung bầu chính ông Yasuhiro Saitoh giữ chức… Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, từ 1/3/2019 đến 15/6/2019, EIB đã từng 5 lần thay phiên Chủ tịch: Từ Lê Minh Quốc, sang Lương Thị CẩmTú, trở lại Lê Minh Quốc, sang Cao Xuân Ninh, rồi về YasuhiroSaitoh.
“Sự kiện” ngày 13/4 nhanh chóng làm “nóng” các mặt báo với gần 100 tin bài, gây xôn xao vì không hiểu việc gì đang diễn ra tại EIB.
Tạo “bom” trước Đại hội cổ đông
Lần thứ nhất, vào ngày 22/3/2019, EIB ban hành Nghị quyết 112. Theo đó, nữ doanh nhân trẻ (SN 1980) Lương Thị Cẩm Tú ngồi vào “ghế nóng” thay ông Lê Minh Quốc (SN 1951) bị miễn nhiệm. Bà Tú là cá nhân có cổ phần lớn nhất (1,12%) tại EIB.
Nhưng bà Tú chỉ ngồi được vài ngày, đã bị “lật đổ” bởi ông Lê Minh Quốc. Cổ đông đã miêu tả vụ này như phim hình sự.
Ông Quốc làm Đơn khởi kiện ra TAND TP.HCM, đề nghị và được Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112 từ ngày 27/3/2019. Ông Quốc tạm thời trở lại ghế Chủ tịch.
Ngày 14/5/2019, ông Quốc rút đơn, Tòa đình chỉ vụ án, Nghị quyết 112 có hiệu lực trở lại vào ngày 14/5 - ngày Tòa ban hành Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp “có hiệu lực thi hành ngay”.
Nhưng, trong ngày 15/5/2019, khi văn bản của Tòa tận cuối giờ chiều mới đến Văn phòng EIB, HĐQT đã họp. Dù không phải chủ tọa, dù cuộc họp chưa kết thúc, ông Quốc vẫn cùng 4/8 thành viên ký 1 Biên bản không có chữ ký của Chủ tọa (ông Đặng Anh Mai), thư ký, và 2 thành viên dự họp còn lại.
Dựa vào “Biên bản” ấy, ông Lê Minh Quốc lấy tư cách Chủ tịch HĐQT ký ngay Nghị quyết 231 để hủy bỏ Nghị quyết 112 ngay khi cuộc họp chưa kết thúc và kịp trước thời điểm Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112 của Tòa án về tới EIB.
Khi biết được “sự đã rồi” này, Chủ tọa cuộc họp cùng nhiều thành viên đã phản đối, yêu cầu nộp lại “Biên bản” và “Nghị quyết” nhưng ông Quốc không chấp hành. Và khi biết đã có Quyết định của Tòa án cho phép Nghị quyết 112 có hiệu lực vào ngày 14/5, Chủ tọa cuộc họp đã ra ngay Thông báo bằng văn vản khẳng định Nghị quyết 231 không có giá trị pháp lý, cuộc họp HĐQT chưa kết thúc, từ ngày 14/5 ông Quốc không còn là Chủ tịch EIB nữa.
Dù tranh cãi pháp lý căng thẳng, Nghị quyết 231 với sự đồng thuận của nhóm 5/9 thành viên HĐQT, vẫn được “coi” là có hiệu lực và khởi đầu cho “kỷ lục” 2 năm 8 đời Chủ tịch HĐQT.
Và do những lần thay đổi Chủ tịch đều diễn ra trước thềm Đại hội với nhiều diễn biến căng thẳng nên đã có cổ đông coi đây là “âm mưu nhằm tổ chức hoặc không tổ chức đại hội” theo “toan tính”.
Bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi “ghế nóng” ngày 22/3 khi ngày 27/4 tổ chức Đại hội thường niên 2019.
Ông Lê Minh Quốc lấy lại ghế Chủ tịch, rồi trao cho ông Cao Xuân Ninh bằng các Nghị quyết 231 và 238 đầy bất đồng, đến mức 1 tháng sau, ông Ninh phải làm đơn từ nhiệm.
Nhưng phải 1 năm sau, khi EIB quyết định tổ chức hai đại hội thường niên và bất thường vào cùng ngày 30/6/2020, ông Cao Xuân Ninh mới được bãi nhiệm.
Vào thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” đó, ông Ninh có Đơn từ nhiệm lần 2, HĐQT họp và đồng ý cho ông Ninh được từ nhiệm vào ngày 24/6/2020.
Ông Yasuhiro Saitoh, được bầu giữ chức Chủ tịch thay ông Ninh cùng ngày 24/6/2020, cách ngày khai mạc “liên hoàn” hai đại hội đúng... 4 ngày!
Sau đó, như đã biết, cả 2 đại hội “liên hoàn” đều bất thành khi do cổ đông đến dự không đủ tỷ lệ theo quy định, trong đó ĐHĐCĐ thường niên chỉ có hơn 17%, so với qui định là 65% trở lên.
Hiện nay, trước thời điểm diễn ra sự “liên hoàn” 3 đại hội: thường niên 2020 (26/4); thường niên 2021 (27/4) và bất thường (14/5), ông Yasuhiro Saitoh lại xin từ nhiệm, rồi lại ngồi ngay vào “ghế nóng” để điều hành sự kiện “phức hợp” nói trên khi thời gian khai mạc chỉ còn đúng… 13 ngày.
Kỷ lục giữ chức Chủ tịch HĐQT chỉ… 55 phút
Với kết quả “tương tác” giữa Nghị quyết 112, Quyết định của Tòa án và Nghị quyết 231, bà Lương Thị Cẩm Tú chỉ ngồi “ghế nóng” có 5 ngày. Theo đó, bà Tú đi vào “lịch sử” EIB với “kỷ lục” giữ chức Chủ tịch HĐQT ngắn nhất.
Tuy nhiên, “sự kiện” ngày 13/4/2021vỡ “kỷ lục” trên. Lần này, nhân vật ghi danh vào “kỷ lục” là ông Nguyễn Quang Thông với thời gian đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT có …55 phút (từ 10h15 đến 11h10).
9 lần dời, hoãn, tổ chức bất thành Đại hội
Ngày 11/1/2019, Chủ tịch Lê Minh Quốc thông báo họp ĐHĐCĐ 2019 vào ngày 26/4/2019. Sumitomo MitsuiBanking Corpoation (SMBC) - cổ đông lớn nhất, chiếm 15% vốn điều lệ tại EIB từ năm 2008 – đã gửi Văn bản kiến nghị bổ sung 03 nội dung vào chương trình nghị sự: Xem xét việc ông Yasuhiro Satoh từ chức; Những vấn đề tồn tại của EIB và khuyến nghị của Ủy ban chỉ đạo độc lập thuộc HĐQT; Thanh lọc, cắt giảm qui mô HĐQT (từ 10 xuống 5-7 người).
Do bị từ chối nhiều lần, SMBC đã yêu cầu triệu tập đại hội bất thường để xem xét kiến nghị của mình. Đồng thời, SMBC có Thông báo gửi HĐQT: “từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC”.
Kiến nghị của SMBC bị từ chối, nhiều cổ đông bức xúc, điều đó khiến cho HĐQT bị chi phối trở thành một trong những nguyên nhân phải dời, hoãn hoặc tổ chức không thành công các đại hội.
Kỷ lục 9 lần dời, hoãn hoặc không tổ chức thành công đại hội trong vòng 2 năm đã khiến cho EIB trở thành ngân hàng duy nhất không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2019, không có Tổng giám đốc; không có người đại diện theo pháp luật; không có kế toán trưởng…; 8/9 thành viên HĐQT đương nhiệm đang bị các nhóm cổ đông kiến nghị bãi nhiệm…
Quán quân về tổ chức đại hội cổ đông bất thành
Trong đại hội thường niên sắp diễn ra vào ngày 26/4 tới, nhiều vấn đề "nóng" sẽ được trình bày trước cổ đông như sửa đổi Điều lệ EIB, kế hoạch trả cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu sau 7 năm không chia…
Về Điều lệ, sẽ trình sửa đổi tỷ lệ cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi đủ tỷ lệ 33% (giảm so với 51%). ĐHĐCĐ lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.
Tỷ lệ tán thành thông qua quyết định của ĐHĐCĐ cũng được đề nghị từ 65% xuống 50%.
Nhìn vào diễn biến trong 2 năm 2019 và 2020, EIB nhiều lần thông báo tổ chức ĐHĐCĐ nhưng đều bất thành, trong đó, ĐHĐCĐ thường niên lần 1 và 2 tổ chức ở TP.HCM vào ngày 30/6/2020 và 29/7/2020 không thực hiện được do không tỷ lệ cổ đông tham dự.
EIB rõ ràng là đang thể hiện ý chí “khỏa lấp” những “lực cản” từng xuất hiện khiến cho ĐHĐCĐ trước đây bất thành.
Tuy nhiên, từng xảy ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ 3, tổ chức vào ngày 21/6/2019, đã bất thành dù số cổ đông tham dự vượt ngưỡng 51% cổ phần có quyền biểu quyết và lên tới đỉnh điểm là 93,86%, với 199 cổ đông đến dự.
Như một cổ đông đã phát biểu, “đại hội như một cái chợ”, kết quả là đến 11h30, Trưởng ban Kiểm soát phải tuyên bố ngừng đại hội vì “cổ đông không đồng ý thông qua qui chế họp”.
Các vấn đề cổ đông đã phát biểu đến mức tranh cãi tại đại hội nói trên bao gồm: Lãnh đạo EIB coi thường và vi phạm quyền cổ đông; không chấp nhận và đòi xem xét tư cách chủ tọa, đòi bầu bổ sung chủ tọa...
Các vấn đề đó, cho đến kỳ đại hội lần này, dù đã có Kết luận Thanh tra NHNN (KLTT) chỉ đích tên những người vi phạm, nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được bất đồng đang trầm trọng.
Vẫn xuất hiện đơn khiếu nại, tố cáo sau KLTT, về các vi phạm tiếp tục diễn ra tại EIB, thậm chí khiếu nại ngay chính nội dung KLTT…
Có thể “kỷ lục” đổi ghế đến mức khó hiểu của ông Yasuhiro Saitoh ngày 13/4 chỉ là “thao tác kỹ thuật” cho sự chính danh của ông này trước đại hội, nhưng thời điểm và cách thức thực hiện là không thuyết phục.
Đáng quan tâm là đã có 2 nhóm đổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ yêu cầu bãi nhiệm 8/9 thành viên HĐQT đương nhiệm, theo quy định, EIB phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nếu một trong hai nhóm cổ đông yêu cầu.
ĐHĐCĐ bất thường từng có nội dung xem xét, thanh lọc, làm “sạch” HĐQT, nhưng chưa tổ chức thành công. Lần này nữa, lại được bố trí tổ chức sau đại hội thường niên. Lịch trình này từng được cho là có sự “toan tính”, khiến kiến nghị của cổ đông không còn nhiều ý nghĩa.
Trả lời báo chí mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc EIB thay đổi lãnh đạo thường xuyên, tiêu biểu cho sự không thống nhất trong nội bộ một thời gian dài, đã đẩy lùi sự phát triển của EIB.”
Là cố vấn cao cấp nhiều ngân hàng tại Việt Nam, ông Hiếu kiến nghị: EIB nếu muốn lấy lại ví trí top đầu như thời gian trước đây, cần có cuộc “đại cách mạng” thay đổi cách quản trị, tìm được sự đồng thuận về chính sách, định hướng cũng như quản lý ngân hàng...
Như vậy, EIB đang đứng trước hai lựa chọn: “Đại cách mạng” hay lập thêm “kỷ lục” mới về sự bất thành của ĐHĐCĐ trong thời gian tới?
End of content
Không có tin nào tiếp theo