Doanh nghiệp - Doanh nhân

Giám đốc VCCI Đà Nẵng “trải lòng” về xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI 2021 của thành phố

DNVN - Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được công bố, Đà Nẵng đã có bước tiến so với những năm trước. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn chính quyền TP cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Chính thức ra mắt MV “Chào Đà Nẵng” / Đón chuyến bay thương mại đầu tiên từ Hàn Quốc trở lại Đà Nẵng sau dịch

Ngày 27/4 vừa qua tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI) năm 2021. Theo đó, Đà Nẵng đứng thứ 4 toàn quốc với 70,42/100 điểm (sau Quảng Ninh 73,61 điểm – xếp hạng “Rất tốt”; Hải Phòng 70,61 điểm và Đồng Tháp 70,53 điểm – cùng xếp hạng “Tốt”).

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng.

Như vậy sau 3 năm liên tiếp 2018 – 2020 đứng ở vị trí thứ 5, PCI 2021 của Đà Nẵng đã tăng lên một bậc với điểm số cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, qua phân tích cụ thể kết quả các chỉ số thành phần PCI 2021, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Đà Nẵng còn rất nhiều việc cần phải làm nhằm tiếp tục tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng thêm sức hút đầu tư vào TP trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề trênDoanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI – Chi nhánh Đà Nẵng.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả xếp hạng PCI năm 2021 của TP Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Tiến Quang: PCI 2021 của Đà Nẵng tăng 0,3 điểm và tăng 1 bậc so với năm 2020. Năm nay TP có 5 chỉ số thành phần đạt điểm cao nhất trong vòng 5 năm qua, gồm: Tiếp cận đất đai (7,51/10 điểm, xếp thứ 10); Chi phí không chính thức (7,29/10 điểm, xếp thứ 23); Tính năng động của chính quyền tỉnh (7,01/10 điểm, xếp thứ 26); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,57/10 điểm, xếp thứ 9); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,33/10 điểm, xếp thứ 24).

Đặc biệt, chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm 2021 của Đà Nẵng đạt mức cao nhất kể từ khi VCCI phối hợp với USAID bắt đầu thực hiện bảng xếp hạng PCI (năm 2006). Cùng với đó, chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 của Đà Nẵng tăng 1,25 điểm so với năm 2020, cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.

Điều đó đã phản ảnh nỗ lực của chính quyền TP trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm số PCI 2021 của Đà Nẵng cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp có góc nhìn chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền TP trong việc vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Trong các chỉ số thành phần của PCI 2021, những chỉ số nào giảm điểm hoặc tụt hạng so với năm trước?

Ông Nguyễn Tiến Quang: Trong 10 chỉ số thành phần của PCI 2021, Đà Nẵng có 6 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm so năm trước đó. 4 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Gia nhập thị trường giảm 1,81 điểm; Chi phí thời gian giảm 1,16 điểm; Đào tạo lao động giảm 0,72 điểm và Cạnh tranh bình đẳng giảm 0,26 điểm.

Bên cạnh đó, tuy tổng điểm số PCI 2021 có tăng so với PCI 2020, có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, nhưng xét về thứ hạng thì có đến 6 chỉ số thành phần của Đà Nẵng đã tụt hạng so với năm trước (Gia nhập thị trường giảm 26 bậc, Tiếp cận đất đai giảm 3 bậc, Chi phí thời gian giảm 24 bậc, Chi phí không chính thức giảm 11 bậc, Đào tạo lao động giảm 1 bậc, Thiết chế pháp lý & an ninh trật tự giảm 4 bậc).

Trong đánh giá, xếp hạng PCI 2021 có 2 chỉ số thành phần là Cạnh tranh bình đẳng và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã được đổi mới; chỉ số Gia nhập thị trường được bổ sung nội dung đánh giá về thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện; chỉ số Chi phí thời gian được bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết thủ tục trực tuyến. Xin ông cho biết kết quả xếp hạng của Đà Nẵng ở các chỉ số này?

Ông Nguyễn Tiến Quang: Trong 6 chỉ số thành phần PCI 2021 của Đà Nẵng có sự sụt giảm thứ hạng thì có 2 chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian giảm khá mạnh cả về điểm số lẫn thứ hạng. Đáng quan tâm là năm trước, Đà Nẵng nằm trong TOP 10 cả nước về hai chỉ số này và là những chỉ số thành phần được đánh giá tốt của TP, nhưng năm nay lại bị giảm điểm và thứ hạng khá mạnh (CSTP Gia nhập thị trường vị thứ 30 và CSTP Chi phí thời gian ở vị trí 32).

Đặc biệt, ở chỉ số Gia nhập thị trường, Đà Nẵng giảm điểm mạnh so với năm 2020 (từ 8,75/10 điểm giảm xuống còn 6,94 điểm, xếp thứ 30). Đây cũng là số điểm thấp nhất của TP ở chỉ số này kể từ năm 2006 đến nay. Chỉ số Chi phí thời gian cũng giảm đáng kể so với năm 2020 (từ 8,62 điểm còn 7,46 điểm, xếp thứ 32).

Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (5,92 điểm, xếp thứ 35) lần đầu tiên đi xuống sau 3 năm liên tiếp đi lên (2018 - 2020). Chỉ số Đào tạo lao động (7,15 điểm) cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay dù vẫn xếp thứ 4 toàn quốc năm 2021. Chỉ số Tính minh bạch (6,3 điểm, xếp thứ 16) tuy có tăng so với năm 2020 song vẫn ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2006.

Mặc dù kết quả xếp hạng PCI 2021 có cải thiện nhưng Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm để môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự hấp dẫn hơn nữa

Mặc dù kết quả xếp hạng PCI 2021 có cải thiện nhưng Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm để môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự hấp dẫn hơn nữa.

Như vậy qua phân tích các chỉ số thành phần PCI 2021 có thể thấy Đà Nẵng tuy có cải thiện về tổng điểm số và thứ hạng chung nhưng chưa nhiều. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Quang: Qua phân tích kết quả PCI 2021 của Đà Nẵng và ghi nhận ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp thì chính quyền TP cần tiếp tục thực hiện nhanh hơn, hiệu quả quả hơn các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất và hiệu quả hơn:

Các doanh nghiệp kiến nghị TP Đà Nẵng cần rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành của TP trong việc giải quyết các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều sở, ngành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo chúng tôi, Đà Nẵng cần đặc biệt quan tâm việc rút ngắn khoảng cách từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo của lãnh đạo TP đến cấp thực thi. Qua khảo sát PCI 2021 cho thấy có tới 42% doanh nghiệp trả lời “Đồng ý” với câu hỏi: “Các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh”, khiến Đà Nẵng chỉ xếp thứ 51/63 tỉnh, thành ở hạng mục này.

Từ kết quả PCI 2021, cộng đồng doanh nghiệp có những kiến nghị gì đề chủ đề năm 2022 của Đà Nẵng là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” thực sự đi vào thực chất?

Ông Nguyễn Tiến Quang: Thực tế là suốt thời gian dài dịch bệnh hoành hành, hệ thống chính quyền tập trung chủ yếu cho công tác phòng chống, nay dịch bệnh đã được khống chế tốt thì với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, các cấp chính quyền và các sở, ngành TP Đà Nẵng cần tích cực chuyển đổi trạng thái phục vụ. Việc xác định nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cần ưu tiên hơn cho giải quyết các vấn đề phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế TP.

Qua ghi nhận ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI – Chi nhánh Đà Nẵng kiến nghị chính quyền TP cần có những giải pháp để việc thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến một cách thực chất, hiệu quả hơn tại các cơ quan đơn vị. Ngoài ra cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch, kỷ luật công vụ, trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ tại bộ phận “Một cửa” các cấp và cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cũng theo ý kiến của các doanh nghiệp, công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau dịch COVID-19 tuy có những kết quả ban đầu nhưng cần triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, Đà Nẵng cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại điện từ; đồng thời thực sự “theo chân” doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết nhanh, có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải trong cả quá trình trước, trong và sau đầu tư.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị chính quyền Đà Nẵng cần nâng cao mức độ sẵn sàng, khả năng cạnh tranh cao hơn nữa trong tiếp cận, đón nhận nhà đầu tư, dự án đầu tư chất lượng vào TP. Trong một số trường hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc do thay đổi chủ trương, chính sách, pháp luật hoặc các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau thì cần quan tâm hơn đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Không đẩy khó khăn, trách nhiệm về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo niềm tin cho họ khi kinh doanh, đầu tư tại Đà Nẵng.

Xin cảm ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm