M&A tạo cơ hội "dọn dẹp" lại các doanh nghiệp sau cơn bão đại dịch
DNVN - Nói về cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A), các chuyên gia cho rằng hiện là thời điểm hợp lý để "dọn dẹp" lại các doanh nghiệp sau khi bị đại dịch COVID-19 quét qua.
Giá trị M&A năm 2019 dự báo đạt 6,7 tỷ USD / 6 tháng đầu năm, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD
Làn sóng M&A diễn ra mạnh mẽ với sự tham gia của doanh nghiệp Việt
Đánh giá về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị, biến nguy thành cơ thông qua hoạt động M&A, các ý kiến tại hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” diễn ra ngày 15/10 cho rằng hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, trong khó khăn vẫn có những doanh nghiệp có chung tầm nhìn, hòa hợp về triết lý kinh doanh “đứng cùng nhau tạo lập chuỗi giá trị” để dần nối liền những đứt gãy khách quan.
Trong kỷ nguyên COVID-19, các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam không chỉ đi đầu trên mặt trận chống dịch mà còn là những doanh nghiệp năng động, quyết liệt nhất trong các hoạt động tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động M&A.
Thời gian vừa qua, làn sóng M&A đã diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn. Đáng chú ý, xu hướng cũng đang có sự thay đổi đáng kể khi M&A "thù địch" dường như đang giảm đi và tăng M&A "thân thiện", đây có thể đánh giá là xu hướng tích cực.
Đưa ra các con số cụ thể, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có 3 đặc điểm về M&A rất đáng chú ý trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế thảo luận tại Hội thảo sáng 15/10/2021.
Đó là tác động của COVID-19 lên M&A là rõ nét, con số thực tế cho thấy là M&A gắn liền khối ngoại, nên tác động lên khối ngoại sẽ có tác động lên M&A Việt Nam.
M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng 2020 với tổng giao dịch 917 tỷ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi được kiểm soát, giá trị 2.200 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu là 2.600 tỷ USD.
Tác động tương tự ở Việt Nam, M&A năm 2019 đạt giá trị 7,2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ 3,5 tỷ USD.
Không chỉ ở con số, còn liên quan tới ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 cả tích cực và tiêu cực. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistic, dược phẩm, công nghệ… Nổi bật nhất là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi COVID-19 nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ 18%, hay thực phẩm đồ uống, dược phẩm, vật liệu xây dựng…
Cũng theo ông Hiếu, đặc điểm nổi bật là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội, có thời gian chúng ta từng lo nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt. Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30% cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ, các chủ thể tham gia vào M&A từ 2019 - quý I/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam các địa bản diễn ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và điều này là rất quan trọng.
Sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính - bị tác động bởi COVID-19 cũng rất rõ. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức triệt tiêu 1 bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát và 9% là liên doanh.
Đồng thời, dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng. Các thương vụ M&A theo chiều ngang (doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường) chiếm 45% giao dịch vừa qua, có 19% các giao dịch theo chiều dọc (hình thành chuỗi) và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp.
Các hoạt động M&A diễn ra sôi động giữa bối cảnh đại dịch.
Cần cải tiến chính sách để đẩy mạnh M&A
Dưới góc nhìn của nhà tư vấn, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhấn mạnh: Nói về thị trường M&A, trong năm 2020 KPMG Việt Nam tương đối "nhàn" bởi số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, các nước đã bắt đầu kiểm soát được đại dich và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền cho chuẩn bị cho các hoạt động M&A.
Từ cuối năm 2020, giá trị thượng vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.
“Tại Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện thành công các thương vụ M&A qua hình thức trực tuyến. Năm 2021 dù thị trường khó khăn, nhưng vẫn có những thương vụ lớn như thời điểm tháng 9/2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, khi chúng ta tiêm vaccine đầy đủ, chúng tôi tin tưởng hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc đổ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Ái kỳ vọng.
Theo ông Trần Đình Thiên, về cơ hội M&A, đây là thời điểm hợp lý, “dọn dẹp” lại các doanh nghiệp sau khi bị “cơn bão” quét qua. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp.
Nếu nói đến cơ hội, ông Thiên cho rằng có hai vấn đề: Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp Việt thì cần thay đổi, điều kiện, tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp, thay đổi chân dung cho doanh nghiệp Việt Nam, mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước.
Thứ hai là nỗ lực từ phía doanh nghiệp, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất.
“Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thay đổi doanh nghiệp, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế. Chúng ta cần bàn luận như thế nào để đẩy mạnh quá trình M&A để kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra các cải cách, cải tiến chính sách để đẩy mạnh M&A”, ông Thiên nói.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo