Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nữ đại gia vàng bạc, đá quý - vợ ông Trần Phương Bình “biệt đãi” các “tướng” PNJ

Thông qua kế hoạch phát hành 2,6 triệu cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt với mức giá chỉ bằng 1/4 thị giá, có vẻ như chính sách này của bà Cao Thị Ngọc Dung đang khiến cổ đông nhỏ lẻ “mếch lòng”. Cổ phiếu PNJ theo đó đang giảm mạnh.

Nữ đại gia Việt có “đắc lợi” từ thương chiến Mỹ- Trung? / Những dự án đất vàng của nữ đại gia có Roll-Royce tứ quý 7 giờ ra sao?

Cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa tạm dừng phiên giao dịch sáng nay (25/9) với mức giảm khá mạnh, đánh mất 1.000 đồng tương ứng 1,2% còn 82.000 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ ba liên tục giảm của mã này.

Cổ phiếu PNJ giảm giá bất chấp công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng với doanh thu thuần tăng 9% lên 10.281 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 12% lên 710 tỷ đồng. Với kết quả này, PNJ hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2019.

Có vẻ như chính sách mới của PNJ đó là phát hành 2,6 triệu cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt với mức giá bằng 1/4 thị giá, đang không được lòng cổ đông nhỏ lẻ.

Cụ thể, PNJ dự kiến sẽ phát hành 2,22 triệu cổ phiếu cho các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành và các lãnh đạo chủ chốt với giá phát hành 20.000 đồng.

Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng 12 tháng; 70% số lượng bị hạn chế chuyển nhượng trong 24 tháng và 40% số lượng bị hạn chế chuyển nhượng trong 36 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Bên cạnh đó, PNJ còn dự kiến phát hành 400.000 cổ phiếu cho ông Robert Alan Willet - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập với giá phát hành 61.050 đồng/cổ phiếu. Giá phát hành này đã được chiết khấu 25% so với giá đóng cửa bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp từ ngày thông qua Nghị quyết này (từ 9/9 đến 20/9/2019). Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ

Trong phiên giao dịch sáng nay, các chỉ số trên hai sàn cơ sở đều ghi nhận trạng thái mất điểm. Trong khi VN-Index đánh mất 4,53 điểm tương ứng 0,46% còn 983,6 điểm thì HNX-Index cũng giảm nhẹ 0,17 điểm tương ứng 0,16% còn 103,84 điểm.

Sắc đỏ bao trùm thị trường với số lượng mã giảm giá áp đảo hoàn toàn so với số lượng mã tăng. Có 280 mã giảm, 26 mã giảm sàn so với 198 mã tăng và 21 mã tăng trần.

Trong số những mã giảm có một số mã vốn hoá lớn và phần nào tác động lên VN-Index. GAS khiến chỉ số chính mất 1,01 điểm, VCB khiến chỉ số mất 0,76 điểm; VIC, VNM, VHM, BID cũng giảm. Tuy nhiên mức giảm tại những mã này nhìn chung không lớn nên chưa ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số.

Chiều ngược lại, SAB, KDH, PPC, MWG tăng giá và là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index sáng nay, song thực tế, ngoại trừ SAB đóng góp cho chỉ số 0,87 điểm thì những mã khác tác động rất ít đến xu hướng thị trường.

 

Thanh khoản đạt 100,38 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 1.942,97 tỷ đồng và con số này trên HNX là 10,89 triệu cổ phiếu tương ứng 113 tỷ đồng.

Các chuyên gia chứng khoán từ SHS cho rằng, thị trường nhìn chung vẫn nằm trong xu hướng đi ngang và tích lũy, nếu chưa thể vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.000 điểm thì xu hướng vẫn chưa được cải thiện.

Nhóm chuyên gia này dự báo, trong phiên giao dịch hôm nay (25/9), VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với hỗ trợ gần nhất là ngưỡng 983 điểm và xa hơn là ngưỡng 975 điểm.

Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua trước đó. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh (nếu có) về vùng hỗ trợ của chỉ số trong khoảng 975-983 điểm để giải ngân thăm dò các vị thế mới trong ngắn hạn.

Theo Mai Chi/Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm