Thanh Hóa: Yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải có "Tổ an toàn Covid-19"
Top 100 Tin nóng nhất MXH và Báo chí ngày 25/5 / Xuất hiện chùm ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây, Hà Nội yêu cầu dừng nhiều hoạt động kinh doanh từ 12h trưa nay
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với công đoàn cơ sở thành lập bộ phận phòng, chống COVID-19 tại các doanh nghiệp (gọi tắt là “Tổ an toàn COVID-19”)
Ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc thành lập các “Tổ an toàn COVID-19” nhằm kịp thời chung sức cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi người lao động là một chiến sĩ”.
Thực hiện sát khuẩn khi vào các khu công nghiệp (Ảnh BTH).
Theo thống kê, Thanh Hóa có 187.816 công nhân đang làm việc nằm trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Trong đó, số doanh nghiệp có từ 200 công nhân trở lên có 120 đơn vị, số doanh nghiệp từ 1.000 công nhân lao động có 24 đơn vị. Đặc biệt, như Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam trên 22.000 người, Công ty TNHH giầy Rollsport Việt Nam 15.000 người, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam 13.000 người… tiềm ẩn lây nhiễm COVID-19 là rất lớn, nguy cơ bùng phát dịch.
“Tổ an toàn phòng chống COVID-19” có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe hàng ngày đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động trong đơn vị (ghi nhật ký sức khỏe). Phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của doanh nghiệp. Báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, công đoàn cơ sở và bộ phận y tế của doanh nghiệp khi phát hiện các trường hợp công nhân lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 khi sốt, ho đau họng, hội chứng cúm; biểu hiện viêm đường hô hấp…) để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi doanh nghiệp có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị với người có trách nhiệm, cán bộ công đoàn đảm bảo đầy đủ các biện pháp, phương tiện, vật tư trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo