TP Hồ Chí Minh: Từng bước mở cửa, doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Doanh nghiệp thủy sản chồng chất nỗi lo vì quy định ngưỡng xả thải từ 200 m3/ngày trở lên
Tập trung khôi phục sản xuất
Hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2021, dù đã trễ nhịp thị trường, cơ hội đã phần nào qua đi nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sẵn sàng tâm thế phục hồi sản xuất, kinh doanh khi TP Hồ Chí Minh đang dần kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại khi người lao động đã tiêm đủ số lượng vaccine. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp cũng được huy động tăng dần lên để đáp ứng cung cấp các đơn hàng theo đúng lịch trình.
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của COVID-19 tới sản xuất, thời gian qua, Công ty TNHH may mặc Hải Nam (quận Bình Tân) đã tăng cường rà soát nguồn cung ứng vật liệu đầu vào để kịp thời cập nhật giá cả cũng như kế hoạch giao hàng cho đối tác.
Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Hải Nam cho biết, là đơn vị chuyên sản xuất quần áo người lớn, trẻ em xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong tháng 7, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không chuẩn bị kịp mô hình “3 tại chỗ” nên toàn bộ 100% lao động của doanh nghiệp đã tạm thời nghỉ việc, sản xuất cũng ngừng hoạt động từ đó.
Theo ông Nam, trong tháng 6 vừa qua, công ty đã ký kết nhiều đơn hàng với đối tác trong nước và quốc tế, trong đó có hợp đồng cung cấp hơn 3.000 bộ đồng phục cho hệ thống trường học tại Hàn Quốc. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu và máy móc thì "đùng một cái" TP Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 vào giữa tháng 7. Lúc đó doanh nghiệp cho rằng giãn cách chỉ kéo dài tầm 1 tháng nên đã trao đổi với đối tác giao hàng trễ hơn 4 tuần, tuy nhiên sau đó dịch càng diễn biến phức tạp, đến cuối tháng 8 mà doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động để sản xuất đơn hàng được, vì thế đối tác đã chấm dứt hợp đồng để chuyển sang một đơn vị may mặc ở phía Bắc.
“Cũng may mắn là dù đơn hàng cung cấp 3.000 bộ đồng phục công ty chúng tôi không thực hiện được thì còn một số đơn hàng khác đối tácvẫn thông cảm, cho chúng tôi giao hàng trễ. Tôi trao đổi với đối tác, TP Hồ Chí Minh có thể mở cửa đầu tháng 10, khi ấy sẽ huy động toàn bộ nhân lực để làm dứt điểm đơn hàng cho đối tác đã ký kết trước đó. Bên cạnh đó, những ngày qua, công ty đã tăng cường rà soát nguồn cung ứng vật liệu đầu vào để kịp thời cập nhật giá cả cũng như kế hoạch giao hàng cho những đối tác mới sau thời gian thành phố mở cửa trở lại”, ông Nam cho biết.
Doanh nghiệp mong chờ TP Hồ Chí Minh sớm mở cửa kinh tế để khôi phục sản xuất.
Đồng thời, theo ông Nam, để chuẩn bị cho việc vừa sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch sau thời gian nới lỏng giãn cách, hiện doanh nghiệp của ông đã chuẩn bị đầy đủ các hệ thống máy móc cũng như mua sẵn bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho công nhân để có thể tự test ngay tại chỗ. Cùng với đó, ông Nam mong muốn từ nay tới cuối năm 2021, toàn bộ người dân TP Hồ Chí Minh sẽ được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. Có như vậy thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở lại với trạng thái bình thường mới một cách tốt nhất.
Còn tại Công ty TNHH Ngàn Thông (Quận 7, TP Hồ Chí Minh), bắt đầu từ ngày 16/9, khoảng 50% lao động, tương đương 120 người của doanh nghiệp này đã bắt đầu sản xuất trở lại. Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty Ngàn Thông cho biết, vào giữa tháng 7 khi TP Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo phòng chống dịch thì công ty chỉ bố trí 45 người ở lại hoạt động sản xuất, số này chỉ đáp ứng khoảng 20-30% công suất so với thời điểm trước dịch nên việc sản xuất và cung ứng đơn hàng cho đối tác rất khó khăn.
Đến nay khi hầu hết công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine nên bắt đầu tham gia sản xuất nhiều hơn. “Với 50% công nhân làm việc trở lại như hiện nay là do những công nhân này ở gần công ty, cộng với việc tiêm đầy đủ số mũi vaccine theo quy định, bên cạnh đó trong quá trình hoạt động công ty thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế và công ty đảm bảo xét nghiệm định kỳ nên đã được tăng cường số lượng công nhân hoạt động. Số công nhân còn lại đang ở những quận khác, do khó khăn trong việc xin giấy đi đường nên vẫn chưa thể trở lại nhà máy làm việc được. Theo kế hoạch mở lại các hoạt động kinh tế, tôi kỳ vọng toàn bộ hệ thống của công ty Ngàn Thông sẽ hoạt động trở lại vào tháng 10”, bà Thanh Tuyền nói.
Bà Thanh Tuyền cho biết thêm, để đảm bảo cho việc trở lại hoạt động với quy mô toàn bộ nhà máy, hiện công ty đã xây dựng một số phòng đầy đủ tiện nghi tại khu vực sản xuất, nếu trong quá trình hoạt động có công nhân bị dương tính thì sẽ cách ly riêng biệt tại đây. Bên cạnh đó, công ty đã thành lập Tổ an toàn COVID-19 để giám sát sức khỏe người lao động, khách hàng ra, vào công ty, đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào và lấy mẫu xét nghiệm đủ số lần được yêu cầu.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, song đến nay công ty chúng tôi đã chuẩn bị gần như đầy đủ nguồn lực từ nguyên liệu đến đến người lao động để có thể bắt nhịp ngay sau khi hết giãn cách. Có sự chuẩn bị như vậy thì doanh nghiệp sẽ không rơi vào thế bị động và có thể bù đắp được khoảng trống do lùi thời hạn giao hàng”, bà Thanh Tuyền cho biết và mong muốn, khi nới lỏng các hoạt động, chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới, TP Hồ Chí Minh cũng cần sớm có những quy định để tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc.
Chuyển đổi số để thích ứng với đại dịch
Có thể thấy, thời gian qua khi khi dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, gây xáo trộn tới đời sống xã hội cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh” để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch.
Là một doanh nghiệp có rất nhiều đối tác và người tiêu dùng biết đến khi có 3 chuỗi cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chuyên bán hơn 300 mặt hàng là sản phẩm nông sản của các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, đã khiến hoạt động của Công Ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông sản Việt Hồng Tiến (quận Tân Phú) gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương bị “đóng băng”.
Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất thì dù dịch bệnh kéo dài nhưng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn ít bị ảnh hưởng.
Cửa hàng đóng cửa, vận chuyển hàng hoá gặp trở ngại đã khiến nguồn thu của doanh nghiệp gần như không có, trong khi đó hàng tháng vẫn phải trả lương cho nhân sự và tiền cho nhà cung cấp, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty Hồng Tiến xác định trong bối cảnh hiện tại phương thức bán hàng trực tiếp không còn phù hợp nên đã chủ động tìm hướng đi phù hợp, tận dụng khoa học công nghệ để có chiến lược kinh doanh mới.
Theo đó, công ty Hồng Tiến đã đồng bộ các khâu quản trị, kế toán, lưu kho… bằng phần mềm công nghệ và tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, từ tháng 6 năm 2021 đến nay, các sản phẩm nông nghiệp đóng gói của doanh nghiệp đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee đã được rất nhiều đối tác, khách hàng mới chọn mua.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và phát triển sản phẩm trên hệ thống thương mại điện tử, hiện nay có rất nhiều nền tảng công nghệ để doanh nghiệp lựa chọn. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị nguồn lao động trẻ và quan trọng nhất là chứng minh được chất lượng sản phẩm, thương hiệu uy tín để tham gia các sàn thương mại điện tử.
“Nhờ nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong mùa dịch, doanh nghiệp chúng tôi đã chuyển từ hình thức bán hàng trực tiếp sang bán hàng gián tiếp bằng hình thức online. Qua quá trình áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp đã giảm 70% nhân sự không cần thiết nên chi phí trả lương giảm, hiệu suất kinh doanh tăng, doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong bối cảnh dịch. Không chỉ vậy, việc tham gia các sàn thương mại điện tử, nhãn hiệu của doanh được lan tỏa nhanh hơn và khi doanh nghiệp đã có niềm tin của khách hàng mua trước thì dễ dàng chinh phục khách hàng đến sau”, bà Thu Hồng cho biết.
Tượng tự, bà Hoàng Thanh Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH May Thương mại Toàn Tâm cho biết, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp của bà giảm quy mô hoạt động. Trước thực trạng này, Công ty Toàn Tâm đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số để khắc phục khó khăn.
“Dịch COVID-19 tại phía Nam diễn biến phức tạp đã khiến ngành may mặc đứng trước sự cạnh tranh gay gắt. Khắc phục khó khăn này, từ tháng 5 đến nay, công ty áp dụng làm việc tại nhà đối với cán bộ quản lý, văn phòng. Trao đổi thông tin, bàn giao công việc và họp đều thực hiện online. Đến nay, mặc dù dịch phần nào đã được kiểm soát, công ty vẫn tiếp tục áp dụng chính sách làm việc trực tuyến với đối tác từ khâu tìm kiếm, trao đổi, thỏa thuận, ký kết đến kiểm tra và tiếp nhận hàng hóa.
Hiện nay công ty đã chỉ hàng tỷ đồng để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại, hoạt động theo hình thức tự động như máy cắt vải, tra vai, trải vải, lập trình… để nâng cao năng suất lao động. Nhờ đó, quá trình sản xuất được rút ngắn thời gian rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất như vậy thì dù dịch bệnh kéo dài nhưng hoạt động sản xuất của đơn vị vẫn diễn ra bình thường và ký kết được nhiều đơn hàng mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo