Hỗ trợ doanh nghiệp

Mở cửa du lịch cần có "sự đối đãi và ứng xử riêng", không nên nôn nóng

DNVN - Mở cửa đón khách du lịch cần một lộ trình như thế nào trong trạng thái bình thường mới? Vấn đề này được ông Lê Diệp Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam.

Trà Vinh triển khai Kế hoạch để doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành của cơ quan Nhà nước / TP Hồ Chí Minh: Cho phép khu công nghiệp hoạt động lại theo cơ chế thẻ xanh và vàng

Đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, “hộ chiếu vaccine” là một giải pháp được nhiều người trông đợi. "Hộ chiếu vaccine" tạo thuận lợi hơn cho các chuyên gia, lao động, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, “hộ chiếu vaccine” cũng là điều kiện để triển khai chương trình thí điểm du lịch khép kín đối với khách quốc tế đã được tiêm đủ vaccine tới Việt Nam. Đảo Phú Quốc - Kiên Giang là nơi được Chính phủ cho thí điểm đầu tiên, là một chuyên gia trong ngành du lịch, ông đánh giá như thế nào về quyết định cho mở cửa du lịch của Chính phủ?

Ông Lê Diệp Thanh Tùng: Chính phủ đã có chủ trương thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc - Kiên Giang. Với mục tiêu đảm bảo du lịch an toàn, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 được coi là công cụ quan trọng hàng đầu. Về cơ bản, "hộ chiếu vaccine” là tài liệu xác nhận một người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, hỗ trợ việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong quá trình đi lại.

Đây là một nỗ lực nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khôi phục lại các hoạt động của ngành du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Việt Nam.

Các đơn vị được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí chung về phương án tổ chức đón và quản lý đoàn khách, đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19 theo quy định, đáp ứng yêu cầu về tiêm phòng vaccine đối với những người tham gia đón và phục vụ khách, được tập huấn về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ còn phải đáp ứng những tiêu chí riêng tùy theo mỗi loại hình để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Tôi được biết, trong giai đoạn thí điểm, dự kiến chỉ áp dụng đối với khách đi du lịch thông qua chương trình “du lịch trọn gói” do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác. Tuy nhiên, cần xem xét độ phủ của vaccine đối với dân trên đảo Phú Quốc, như vậy chúng ta mới đủ tự tin khi đưa vào thử nghiệm “hộ chiếu vaccine”.

Ông Lê Diệp Thanh Tùng: "Muốn kích cầu cần có lộ trình vững chắc"..

Ông Lê Diệp Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận.

Thưa ông, mặc dù mạnh dạn thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” ở Phú Quốc vào dịp cuối năm, nhưng với kế hoạch kích cầu du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra từ nay đến cuối năm trong khi dịch bệnh vẫn đang còn phức tạp, vậy ông có tin vào khả năng thành công cho chiến lược kích cầu này không?

Ông Lê Diệp Thanh Tùng:Chúng ta đều trải qua những lần kích cầu du lịch trước đây, Nhà nước và đặc biệt là doanh nghiệp đều không tốn ít tiền của cho những chiến lược kích cầu của ngành du lịch. Đặc biệt là doanh nghiệp, mỗi lần kích cầu đều phải bỏ không ít tiền của, có người còn vay mượn, bán nhà cửa, tài sản để chuẩn bị cho chiến lược kích cầu. Tôi làm bài tính nhé, để chuẩn bị cho một doanh nghiệp lữ hành hay khách sạn, nhà hàng hoạt động trở lại, thì cả một bộ máy phải khởi động ít nhất trước đó 2 tháng, nào tiền lương, chiến lược quảng bá, rồi doanh nghiệp phải tung ra một số tiền mua chỗ ngồi máy bay, khách sạn, đặt trước nhà hàng…

Sau đó nếu không may, tôi nói không may nhé, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì tiền đặt cược chỗ muốn lấy lại thì cũng cần nhiều giấy tờ thủ tục. Trong khi đó doanh nghiệp để có tiền đặt cược chỗ đó phải đi vay, có nhiều doanh nghiệp sau những cuộc kích cầu đã bán luôn nhà và giải thể luôn công ty vì hết tiền.

Tôi nghĩ rằng, du lịch không nên nóng vội. Nóng vội quá sẽ gánh chịu một hậu quả đáng tiếc. Theo tôi, chúng ta nên đi từng bước cẩn trọng, không chạy theo kiểu phong trào… để ngành du lịch “luôn sống” trong lòng du khách. Và chuẩn bị cho những bước đi vững chắc thì địa phương nên có những hoạt động truyền thông bài bản, truyền thông bằng nhiều cách, từ cách kênh miễn phí, đến các kênh có phí, hoặc truyền thông trên báo, đài…

 

Không thể nóng vội trong kích cầu du lịch.

Không thể nóng vội trong kích cầu du lịch. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Tôi cho rằng, hiện tại du lịch nên chuẩn bị một lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh tình trạng nôn nóng, trong thời điểm dịch bệnh này phải gọi đây là “ngành đặc biệt”, mà đã là “ngành đặc biệt” thì nên dành cho nó sự đối đãi và ứng xử riêng, là chúng ta không thể lẫn chung các ngành nghề khác, rồi đặt mục tiêu kép “vừa sản xuất vừa chống dịch” được.

Nếu muốn cho du lịch mở cửa thì toàn thể nhân viên ngành du lịch phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, rồi chuẩn bị đón khách đã có “hộ chiếu xanh” theo kiểu thăm dò trước. Và không chỉ nhân viên ngành du lịch có “hộ chiếu xanh” mà toàn dân phải có “hộ chiếu xanh” và đạt được miễn dịch cộng đồng, rồi lúc đó mới kích cầu cũng chưa muộn. Hay có thể, ngành du lịch nên thăm dò từng địa phương, như cho mở cửa du lịch nội tỉnh, khách và nhân viên tham gia tour phải có “hộ chiếu xanh”, và để kiểm soát tốt thì chỉ công ty du lịch chỉ được đón khách của “vùng xanh”.

Tôi hy vọng ngành du lịch nên có lộ trình bài bản và đúng thời điểm, rồi cân nhắc trước quy trình từ truyền thông quảng bá, xúc tiến, đến kích cầu…

 

Dịch bệnh đã đẩy doanh nghiệp du lịch lâm vào cảnh bĩ cực chưa từng có, trên 70% doanh nghiệp du lịch đóng cửa hoặc phá sản. Vậy theo ông bài toán để cứu doanh nghiệp du lịch trong thời điểm này là gì?

Ông Lê Diệp Thanh Tùng:Chúng ta ai cũng biết bài toán ấy, như ngân hàng cần hạ lãi suất, hay cho khoanh vùng nợ, vấn đề này nhà nước cần bảo hộ cho doanh nghiệp, rồi cho nợ tiền điện, nước trong vòng bao lâu, tiền thuế đất… nhưng đến giờ chúng ta vẫn loay hoay tìm lời giải các bài toán này, với những chính sách nhỏ giọt và chưa quyết liệt để cứu doanh nghiệp một cách cấp bách.

Hiện tại chúng tôi đang chờ Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đối với các doanh nghiệp lữ hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.

Đây là biện pháp cụ thể hỗ trợ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động, cũng như các doanh nghiệp mới muốn tham gia vào lĩnh vực lữ hành.

Cần một bàn tay "bà đỡ" để cứu doanh nghiệp du lịch.

Cần một bàn tay "bà đỡ" để cứu doanh nghiệp du lịch.

 

Tôi được biết Thủ tướng đã chỉ đạo, đến hết năm 2021 phấn đấu lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Với doanh nghiệp du lịch hiện nay, chúng tôi cần một bàn tay là "bà đỡ" là nhà nước để đồng hành cùng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại.

Hướng dẫn viên (HDV) du lịch một trong những lực lượng quan trọng của ngành du lịch, song nhiều HDV du lịch chưa tiếp cận được gói hỗ trợ vẫn còn nhiều điều đáng bàn, vì quy định chưa phù hợp thực tiễn nên nhiều HDV không được nhận trợ cấp thất nghiệp từ Nhà nước. Nhiều người cho rằng, chính điều này gây nên sự chán nản trong lòng HDV, vì họ nhận thấy không được sự bảo vệ, và đây cũng có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân sự HDV trong thời gian sắp tới?

 

Ông Lê Diệp Thanh Tùng:Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, gần 2 năm nay, hàng loạt HDV du lịch đã bị thất nghiệp, nguồn thu nhập từ nghề trở về con số 0. Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó HDV là nhóm đối tượng nằm trong 12 nhóm chính sách sẽ được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để đối tượng này tiếp cận gói hỗ trợ là phần lớn HDV làm tự do, hợp đồng thời vụ và hợp đồng theo tour. Không những vậy, họ không là thành viên của bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp nào về HDV. Hướng dẫn viên tự do thì không có hợp đồng lao động. Nhiều người cũng không là thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và của 7 Chi hội được phê duyệt.

Thực trạng này không chỉ riêng ở một địa phương mà ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, theo tôi, để đảm bảo quyền lợi cũng như tránh thiệt thòi cho HDV, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành nên tìm hướng tháo gỡ những khó khăn cho HDV du lịch tùy theo đặc thù của từng địa phương. Chúng tôi mong muốn tất cả những HDV được cấp thẻ đều nhận gói hỗ trợ này. Chúng ta có câu nói “Không để lại ai ở phía sau”, nếu chúng ta làm được điều này thì đây là động lực để HDV quay lại với nghề, đảm bảo nguồn nhân lực của ngành du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.

Xin cám ơn ông!

Thanh Loan (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm