Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản chồng chất nỗi lo vì quy định ngưỡng xả thải từ 200 m3/ngày trở lên

DNVN - Những khó khăn chồng chất vì dịch bệnh COVID-19 chưa dứt, hiện các doanh nghiệp thủy sản lại thêm nỗi lo phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải nếu có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên. VASEP ngỡ ngàng về ngưỡng xả thải này của ngành TN&MT không rõ dựa trên cơ sở khoa học nào, và có nhiều bất hợp lý (!?)

Trà Vinh triển khai Kế hoạch để doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành của cơ quan Nhà nước / TP Hồ Chí Minh: Cho phép khu công nghiệp hoạt động lại theo cơ chế thẻ xanh và vàng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), gần 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi - khai thác - chế biến- xuất khẩu.
Tính toán của sơ bộ của các DN sản xuất “3 tại chỗ” cho thấy, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm và quy mô công suất chế biến. Một DN trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất và mỗi tháng sẽ thiệt hại 50-55% nếu ngưng sản xuất.
VASEP cho rằng, DN vốn đang ''ngồi trên đống lửa'' thì nay lại thêm lo vì quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (Dự thảo) mà Bộ Tài Nguyên Môi trường đang lấy ý kiến. Theo dự thảo, các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên đã phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Ảnh minh họa. (Nguồn: NDO)
Phản ánh của doanh nghiệp thủy sản, tại Dự thảo, các cơ sở chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường chỉ từ 200 m3/ngày trở lên thì phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải. Quy định này đã giảm từ mức 1.000 m3/ngày (theo quy định tại Nghị định 40/2019) xuống 200 m3/ngày. Yêu cầu này khiến DN phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa. không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được.
Các DN cho rằng, đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỷ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc. Trong khi đó, hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác.
Hiện nay, theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường thì các nhà máy chế biến thủy sản có dung lượng xả thải 500 m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải. Nhưng theo thống kê, cho tới nay, tại nhiều địa phương, chỉ có 1 doanh nghiệp chế biến thủy sản lắp đặt được hệ thống này. Sắp tới, dự thảo nghị định giảm tiếp xuống ngưỡng 200 m3/ngày.
VASEP ngỡ ngàng về quy định về ngưỡng xả thải trung bình và lớn (làm căn cứ để yêu cầu lắp thiết bị quan trắc tự động và quy định tần suất quan trắc nước thải định kỳ) của ngành tài nguyên môi trường không rõ dựa trên cơ sở khoa học nào, và có nhiều điểm bất hợp lý.
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 1 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/lần. Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là 3 tháng/lần. Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các DN có vùng nuôi.
Hiện nay, ngành chế biến thủy sản đang bị xếp vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Tuy nhiên, VASEP và cộng đồng DN thủy sản cho rằng điều đó là không công bằng bởi thực tế so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như: bánh kẹo, sữa, dệt nhuộm... thì nước thải của ngành thủy sản ít ô nhiễm môi trường, ít độc hại hơn nhiều nhưng lại bị xếp vào mức độ cao hơn.
VASEP cũng cho biết, theo Dự thảo, ngành nuôi trồng (vốn phải sử dụng lượng nước lớn để nuôi) được xếp trong “Danh mục dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao”. Theo đó, dự án khai thác khoảng sản, tài nguyên nước; dự án có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước với công suất từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên phải xin cấp giấy phép về khai thác khoáng sản, tài nguyên nước từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Còn “Danh mục các dự án đầu tư Nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường” quy định “Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô trung bình từ 50 ha đến dưới 100 ha” được xếp vào Nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Các DN thủy sản nhận định, quy định này đang đi ngược lại với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, khuyến khích nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” của Chính phủ. Dẫn tới, các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ cũng phải xin cấp phép cấp Bộ Tài Nguyên Môi trường vẫn thuộc nhóm nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gia tăng thủ tục hành chính, tăng thêm gánh nặng cho các cơ sở nuôi trồng.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm