Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp đủ điều kiện phải niêm yết cổ phiếu trên sàn

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, vừa có chỉ đạo các cơ quan, DN đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau khi cổ phần, DN đủ điều kiện phải niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Theo Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu DNNN đạt kết quả tích cực. Kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNN nâng lên; hoạt động của DNNN ngày càng công khai, minh bạch; DNNN làm tốt hơn vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích, phục vụ an sinh xã hội.

 

Ảnh minh họa
 
 
Cơ chế chính sách về đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo khung pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và đổi mới hoạt động của DNNN.
 
Kết quả năm qua đã sắp xếp 167 doanh nghiệp, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; thoái vốn nhà nước trên  6.000 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2013, thu về trên 8.000 tỷ đồng, bằng 1,3 lần mệnh giá. Trong 432 doanh nghiệp cổ phần hóa, đã có 390 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 288 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 175 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, một số cơ chế chính sách chưa được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời. Số doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tuy có triển khai nhưng chưa quyết liệt, đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung thực hiện những nội dung, công việc chủ yếu sau: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Bảo đảm thời hạn trình các Đề án còn lại theo Chương trình kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao. Tháo gỡ các cơ chế, chính sách vướng mắc, tồn tại còn tồn đọng trong năm 2014, cần hoàn thành ngay trong quý I/2015.
 
Rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua.
 
Đối với doanh nghiệp chưa thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa: Trong quý I/2015 cần thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và bắt tay vào việc xác định giá trị doanh nghiệp, phấn đấu trong quý III/2015 công bố giá trị doanh nghiệp và quý IV/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
 
Đối với doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa: Tổ chức ngay việc xác định giá trị doanh nghiệp, phấn đấu trong quý II/2015 tất cả đều công bố được giá trị doanh nghiệp và quý III/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
 
Đối với doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp: Phấn đấu đến quý I/2015 tất cả đều công bố được giá trị doanh nghiệp và cuối quý II/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
 
Đối với doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp: Trong quý I/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
 
Những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường.
 
Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp đủ  điều kiện phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp đã IPO nhưng tỷ lệ bán cổ phần chưa đạt như phương án đề ra, cần tiếp tục bán cổ phần. Không chuyển các đơn vị sự nghiệp về Bộ khi cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao thì thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Có lộ trình phù hợp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với những khoản đầu tư dở dang nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
 
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giải quyết các kiến nghị liên quan đến thuế, tài chính; hướng dẫn việc hạch toán rõ giữa hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công ích trong DNNN; tháo gỡ vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp như hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn nhà nước, xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần; xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động và tổ chức công đoàn đối với những doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa có điều kiện IPO; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 về phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định...
 
 
Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo