Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI ôtô chuyển hướng "đi buôn"

2.000 chiếc xe Honda với thuế nhập khẩu bằng 0% chuẩn bị phân phối về đại lý với giá rẻ hơn vài chục đến gần 200 triệu so với giá xe trước đây. Bước đi này cho thấy các doanh nghiệp FDI sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang dần chuyển hướng sang nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp xe trong nước.

Doanh nghiệp chuyển hướng "đi buôn"?

Những ngày qua, Honda đang trở thành “tâm điểm” khi chính thức thông quan lô hàng 2.000 xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN với mức thuế nhập khẩu bằng 0%. Các hãng xe khác cũng rục rịch chuẩn bị nhập khẩu xe về Việt Nam như: Ford với mẫu Everest, Ranger; GM với Chevrolet Colorado…

Viễn cảnh ô tô từ Indonesia và Thái Lan được đưa vào Việt Nam khi thuế xuất nhập khẩu giảm về 0% vào năm 2018 thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước, theo chuyên gia về lĩnh vực ôtô Nguyễn Minh Đồng là đã nằm trong tính toán của các tập đoàn ôtô toàn cầu. Trước thực tế chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN trong năm 2017, chuẩn bị cho đà đổ bộ từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực này về 0%, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng, việc ngừng sản xuất, lắp ráp chuyển qua nhập khẩu là bước đi của các doanh nghiệp FDI.

Gần 1.000 chiếc xe Honda với mức thuế 0% cập cảng Cảng Đình Vũ đầu tháng 3/2018. Ảnh: Tiền Phong.

Các tỉnh đau đầu thất thu ngân sách

Sáng 30/3, tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, năm 2017, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hụt hơn 5.000 tỷ đồng chủ yếu từ mặt hàng ô tô, do tác động về giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN. Số lượng ô tô sản xuất năm 2017 trên địa bàn tỉnh giảm 20% so với năm 2016 và dự báo, năm 2018 vẫn có những khó khăn do các chính sách liên quan đến ngành ô tô. Do sản xuất ô tô trên địa bàn giảm, thu nội địa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ảnh hưởng theo.

Năm 2016, thu nội địa của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 29.150 tỷ đồng trong tổng số hơn 32.000 tỷ đồng tổng thu ngân sách trên địa bàn. Trong phần thu nội địa nói trên, đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn chiếm khoảng 80%. Đặc biệt, các doanh nghiệp ô tô – xe máy có vốn đầu tư nước ngoài với các tên tuổi như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam cũng chiếm 80% đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, việc có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô trong nước được ông Trì cho là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đang có trên địa bàn Vĩnh Phúc như Toyota Việt Nam đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam.

Tương tự, tại Hải Dương, nơi đặt nhà máy của Ford Việt Nam, báo cáo thu ngân sách năm 2017 của Sở Tài chính tỉnh Hải Dương cho thấy, các khoản hụt thu nội địa lên đến 1.576 tỷ đồng, trong đó, thu từ các doanh nghiệp FDI chỉ đạt 3.569 tỷ đồng, hụt 1.431 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do Ford Việt Nam hiện chủ yếu tiêu thụ xe nhập khẩu, đồng nghĩa cơ cấu tiêu thụ xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu cũng thay đổi. Với các liên doanh ôtô Toyota, Honda, Ford tại Việt Nam, những dòng xe chủ lực trong danh mục sản phẩm bán trên thị trường hiện cũng chủ yếu là các dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục thuế tỉnh Hải Dương thông tin, riêng thu ngân sách từ hoạt động sản xuất của Cty Ford Việt Nam năm 2017 đã là gần 2.500 tỉ đồng. Hoạt động sản xuất của Cty Ford được coi như là “xương sống” của thu ngân sách tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, khoản nộp thuế tạm tính quý I/2018 của Ford chỉ khoảng 400 tỉ đồng, giảm khá nhiều so với mức nộp 600 tỉ đồng/quý I/2017. Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hải Dương, Cty Ford đã đưa ra những lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, trong đó có lo ngại về thuế khi thuế từ các nước ASEAN về bằng 0%, rất khó cạnh tranh với các thị trường Indonesia, Thái Lan.

 

Theo một số chuyên gia lĩnh vực ô tô, đối với doanh nghiệp, đầu tư tất nhiên phải có hiệu quả. Suốt hơn 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp ôtô đang đề nghị nới điều kiện nhập khẩu, đã đề nghị và nhận được nhiều ưu đãi, từ thuế, đất đai, mặt bằng... Nhưng hầu hết các mục tiêu đặt ra cho ngành công nghiệp ôtô đều không đạt được. Dĩ nhiên khi thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về 0%, ngay lập tức có doanh nghiệp giảm sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam khiến nhiều địa phương bị hụt thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Và họ tiếp tục đề nghị nới điều kiện để nhập khẩu. Vấn đề ở chỗ những cam kết gắn bó lâu dài ở Việt Nam chỉ là “lời hứa suông” khi nhiều doanh nghiệp FDI đang có xu hướng nghiêng về “đi buôn”?

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo