Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp lo lỗ nặng vì xăng "cõng" tới 8.000 đồng/lít thuế môi trường

(DNVN) - Nhận định việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít là thiếu hợp lý, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc này sẽ khiến tình hình kinh doanh gặp khó khăn, có thể dẫn tới thua lỗ.

Bộ Tài chính mới đây vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến rộng rãi. Theo Dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

Đối với dầu diezel, mức thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900 - 4.000 đồng, trongg khi đó dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300 - 2.000 đồng.

Thông tin này ngay lập tức bị dư luận phản ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải vì việc đánh thuế này được đánh giá là ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp vận tải ở Thanh Hóa cho rằng, nếu Dự thảo được Quốc hội thông qua thì đây là vấn đề nan giải với doanh nghiệp vận tải, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính dự thảo nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít.

Theo lý giải của doanh nghiệp này, việc nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu với mức khung từ 3.000 - 8.000 đồng/lít là quá cao, doanh nghiệp không thể gánh nổi. Đặc biệt, nếu tăng thuế thì nhiều loại chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên và sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tính toán giá cả.

"Bây giờ tăng thuế lên mức cao như vậy thì bắt buộc các chi phí liên quan sẽ tăng cao gây lỗ cho doanh nghiệp, khi đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán đến việc nâng giá vé xe để bù lỗ mà tất nhiên khi nâng giá vé thì tất nhiên người dân sẽ không đồng tình, phản đối. Trước nay, người dân đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chỉ mất 90.000 đồng nhưng nếu tăng thuế thì giá vé có thể được điều chỉnh cao hơn, mà giá cao người dân không đi thì ai chịu cho chúng tôi", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Đồng quan điểm với ý kiến này, trao đổi với báo chí, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, giá xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá thành. 

Theo ông, ở thời điểm này, doanh nghiệp vận tải đã gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, thuế phí, phí BOT tăng, phí cầu đường, áp lực cạnh tranh... Hơn một năm qua, doanh nghiệp cũng không điều chỉnh tăng giá cả dịch vụ vận tải vì muốn bình ổn thị trường.

Do đó, theo ông Hải, nếu thuế bảo vệ môi trường xăng tăng lên đến 8.000 đồng/lít sẽ là tận thu. Ông Hải tính toán với mức tăng này, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 30%, sẽ lỗ nặng. Với mức tăng này, ông Hải cho rằng giá cả hàng hóa sẽ leo thang, và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thiệt.

 

Trước đó, đánh giá về việc này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long -  nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc áp thuế bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu với mức khung từ 3.000 - 8.000 đồng/lít trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường là quá cao, không hợp lý.

Dẫn giải cho nhận định của mình, ông Long cho biết, hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mà trong đó lại có Việt Nam. 

Theo ông Long, mỗi lít xăng đã phải gánh rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Mỹ thì mức thuế phí hiện giờ của nước ta là quá cao, cao gấp rưỡi Mỹ.

Ông Long cũng cho biết, trước đây, khi cơ quan quản lý đánh thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 - 4.000 đồng/lít đã gây phản đối của dư luận thì việc tăng thuế nữa sẽ khiến dư luận bức xúc. Theo ông, vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường.

Vị chuyên gia cũng cho biết, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi khi thuế tăng thì các loại phí sẽ tăng mà phí tăng sẽ kéo giá đẩy lên cao, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt thì khả năng cạnh trạnh đã rất yếu.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo