Doanh nghiệp mong lãi suất dài hạn về 9%
Lãi vay trung dài hạn vẫn trên 10-11% trong khi phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá từ xăng, điện, tỷ giá... khiến nhiều doanh nghiệp chật vật chống đỡ.
Tổng giám đốc một công ty sản xuất ống nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo chia sẻ với VnExpress, công ty ông năm qua đã mạnh tay vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để mong có thể cạnh trong thời gian tới và chấp nhận cảnh thua lỗ trong ngắn hạn.
"Năm nay chúng tôi đưa ra mục tiêu hòa vốn nhưng mới những tháng đầu năm đã liên tiếp gánh chịu các đợt tăng giá từ xăng dầu, điện rồi tỷ giá, trong khi lãi suất trung dài hạn chưa giảm nhiều, vẫn ở ngưỡng cao 11% nên nguy cơ thua lỗ năm nay là khó tránh".
Đây cũng là nỗi niềm của phần lớn doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, riêng mặt hàng xăng dầu đã tăng tổng cộng 4.800 đồng, điện đắt thêm 7,5%, tỷ giá nới thêm 2% nhưng đầu ra sản phẩm thì không dám tăng khiến nhiều doanh nghiệp chật vật chống đỡ và họ chỉ mong lãi suất cho vay có thể giảm xuống để phần nào bớt khó khăn.
Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, ông Cao Tiến Vị cho rằng, tiền gửi thời gian qua liên tục giảm nhưng lãi cho vay thì giảm khá chậm hoặc gần như giẫm chân tại chỗ. Hiện nay lãi suất cho vay trung dài hạn 10,5-11% một năm, còn vay ngắn hạn dao động 8-8,5% mỗi năm.
Nếu so sánh với mặt bằng của thế giới và lạm phát (hết quý I/2015 là 2,8%) thì rõ ràng lãi suất ở Việt Nam hiện vẫn quá cao. Theo ông Vị, lãi suất cho vay bình quân từ 7% mỗi năm ngắn hạn và 9% dài hạn thì doanh nghiệp mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được.
Lãnh đạo một công ty thuộc ngành nhựa cũng than rằng, ngân hàng luôn nói ưu ái nhưng nhiều doanh nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều. Lãi suất cho vay 7-8% một năm chỉ là danh nghĩa hoặc là chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thực tế hầu hết doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 9% mỗi năm ngắn hạn, và phải chịu lãi suất 11% thậm chí 12% một năm dài hạn.
"Với tỷ suất sinh lời hiện nay mà gánh mức lãi như vậy thì doanh nghiệp nội làm sao có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài", ông nói.
Tiến sĩ Trần Du Lịch còn đưa ra so sánh, năm ngoái ông thấy lãi suất cho vay trung dài hạn dao động 11%, năm nay cũng quanh mức này thì không biết ngân hàng đã điều chỉnh giảm như thế nào. Ông phân tích thêm, CPI tháng 4 không tăng và cả năm chỉ tầm 3% mà lãi suất trung dài hạn tới 11% là quá cao.
Trước vấn đề này, đại diện Ngân hàng ACB cho rằng, lãi suất trung dài hạn 11% chủ yếu là dành cho lĩnh vực phi sản xuất, còn hiện nay khối ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối cho vay chỉ tầm 9% một năm, các nhà băng cổ phần cho vay trong chương trình kết nối cũng chỉ xoay quanh mức này.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh thông tin thêm, lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện đã giảm từ 0,6 đến 0,9% một năm so với cuối 2014. Đồng thời, đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua tín dụng có tăng trưởng ngay cả trong tháng giêng, trong khi trước đó, 4-5 tháng đầu năm dư nợ cho vay vẫn tăng trưởng âm.
"Chưa có thời điểm nào trong lịch sử tín dụng mà cho vay trung dài hạn lại tăng mạnh như hiện nay. 4 tháng đầu năm, dư nợ trung và dài hạn trên địa bàn TP HCM tăng 7,66%, chiếm 53,5% trong tổng dư nợ; trong khi nợ ngắn hạn tăng 0,36% và chiếm 46,5% tổng dư nợ trên địa bàn", ông Minh nói.
Lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, 4 tháng qua tín dụng của nhà băng đã tăng 5,6%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi tiền huy động có giảm đi, cho thấy vốn của doanh nghiệp có quay ra sản xuất kinh doanh. Cũng theo vị này, lãi suất không còn là vấn đề nóng do nó đã ở mặt bằng tương đối thấp.
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo