Doanh nghiệp “ngồi không” hưởng nghìn tỷ từ Toyota, Honda “lên sàn” ngày mai
Định giá 1,5 tỷ USD ngày chào sàn
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 2/7, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu của Tổng công Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 13.288 tỷ đồng chính thức sẽ lên sàn UPCoM với mã VEA.
Mức giá tham chiếu ngày chào sàn của VEAM dự kiến là 27.600 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường VEAM tương ứng 36.675 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).
VEAM là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, thuộc Bộ Công Thương, thành lập ngày 12/5/1990.
Lĩnh vực hoạt động chính của VEAM là sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp, sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế tạo và lắp ráp ô tô-xe máy; vận chuyển hàng hóa...
Từ hồi tháng 1/2017, tổng công ty này được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng.
Hiện, VEAM có hệ thống 21 công ty con và công ty liên doanh liên kết ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, hoạt động tập trung trong lĩnh vực sản xuất, cơ khí hỗ trợ nhau; trong đó, có những liên doanh lớn như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam...
Bình quân hàng năm, hoạt động xuất khẩu các loại động cơ, máy nông nghiệp mang về cho VEAM khoảng 30 triệu USD. Bên cạnh đó, VEAM cũng có năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: tay biên, trục khuỷu, vòng bi, linh kiện xe máy…
Hiện có 4 công ty của VEAM chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí cung cấp cho các đối tác lớn để sản xuất xe máy nhãn hiệu Honda, Yamaha, Piaggio … Từ năm 2014 đến nay, các đơn vị này bắt đầu xuất khẩu một số sản phẩm phụ tùng ra nước ngoài (Nhật Bản) đạt khoảng 11 triệu USD/năm.
Honda, Toyota và Ford mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức
VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, 20% cổ phần tại Toyota Việt Nam và 25% cổ phần tại Ford Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của VEAM vào ba đơn vị này ban đầu chỉ là 558 tỷ đồng song đến cuối năm 2014, đã tăng lên hơn 8.400 tỷ đồng. Trong năm 2017, 3 công ty này chiếm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.
Bên cạnh 3 công ty liên doanh này, VEAM còn có 10 công ty liên doanh, công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.
Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) mang lại cho VEAM trong năm 2017 lên tới 5.170 tỷ đồng. Trong khi tổng doanh thu thuần của “ông lớn” này là 6.563 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.085 tỷ đồng. Với mức lãi ròng tăng 12% so với 2016, VEAM đã xóa toàn bộ khoản lỗ lũy kế đầu kỳ và ghi nhận có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 4.992 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Trước đó, vào 2016, VEAM đã đưa hơn 167 triệu cổ phần đấu giá lần đầu ra công chúng, trong đó 149,5 triệu cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân 14.291 đồng/cổ phần, thu về hơn 2.136 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ đấu thành công chỉ đạt 89%.
Theo đó, Nhà nước vẫn đang nắm giữ đến 88,47% cổ phần trong khi kế hoạch sau đợt IPO phải giảm còn 51%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc