Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Nhật đầu tư: Việt Nam vẫn đang tốt đẹp vì...

Các DN Nhật Bản khi lựa chọn đối tác để đặt quan hệ lâu dài họ sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam cũng là giúp mang lại lợi ích cho họ.

GS Kenichi Ohno, chuyên gia người Nhật Bản thuộc Diễn đàn phát triển GRIPS và Diễn đàn phát triển Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Đất Việt khi ông có dịp trình bày nghiên cứu của mình về bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam và gợi ý chính sách công nghiệp.


PV: - Trong những phát biểu gần đây, những quan chức VN đã chỉ rõ những cơ hội của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào VN: thị trường tiềm năng, hiệp định TPP, AEC, chính sách ưu đãi tối đa… Theo ông, đây có phải là những điểm cốt yếu khiến doanh nghiệp Nhật lựa chọn Việt Nam hay không và vì sao?
 
GS Kenichi Ohno: - Có thể thấy rằng các nhà đầu tư Nhật Bản không quan tâm nhiều đến những yếu tố ưu đãi của Việt Nam dù các ưu đãi này có thể không hẳn là nhỏ nhưng cũng không phải là quá lớn.
 
Tuy nhiên có hai yếu tố mà các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam là lao động rẻ và có nhiều.
 
Hơn nữa thị trường tiêu thụ của Việt Nam thì ngày càng mở rộng. Ở Việt Nam ngày càng có nhiều người giàu lên, nhu cầu sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, hàng hóa từ Nhật Bản.
 
Đây chính là hai yếu tố khiến các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam. Tuy nhiên phải nói thật là chính sách công nghiệp của Việt Nam rất tồi. Và trong thời gian sắp tới thì yếu tố giá rẻ có thể sắp biến mất.
 
Cũng tương tự như Việt Nam, chính sách công nghiệp của Indonesia rất tồi nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản cũng vẫn vào Indonesia.
 
Nhưng cho đến thời điểm này Việt Nam và Indonesia gần như là hai thị trường đầu tư lớn nhất của Nhật Bản.
 
GS Kenichi Ohno
 
PV: - Từ phía Nhật Bản, đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào VN trong thời gian qua. Theo ông, đây có phải là thời điểm tốt để doanh nghiệp Nhật lựa chọn đầu tư vào Việt Nam hay không và vì sao? Nếu không, ông có thể dự đoán thời điểm nào sẽ được doanh  nghiệp Nhật lựa chọn?
 
GS Kenichi Ohno: - Hiện tại Việt Nam vẫn là thị trường hứa hẹn những điều tốt đẹp cho các nhà đầu tư Nhật Bản và họ vẫn chưa giảm việc dồn vốn vào thị trường này.
 
Dù tôi có nói rằng yếu tố lao động giá rẻ có thể dần biến mất nhưng không phải thời điểm này mà có thể 5-7 năm tới mọi việc sẽ thay đổi.
 
Tuy nhiên khi chi phí lao động ở Hà Nội, TPHCM có thể cao hơn nhưng một vài tỉnh như Thái Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên… vẫn có thể rẻ và dồi dào.
 
Nhưng có một điều tôi muốn nói rằng hãy nhìn theo hướng các nhà đầu tư đến Việt Nam quan trọng không phải là số lượng mà là giá trị như thế nào?
 
PV: - Là người có 19 năm nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam, theo ông, làn sóng đầu tư Nhật Bản có đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên, tránh cho Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không? Xin ông phân tích cụ thể?
 
GS Kenichi Ohno: - Tôi thấy rằng các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong trường hợp họ cũng được lợi. Họ đến Việt Nam đều căn cứ trên chiến lược kinh doanh của riêng mình và họ cũng rất khó tính trong việc lựa chọn đối tác.
 
Khi lựa chọn đối tác để đặt quan hệ lâu dài, chiến lược họ sẽ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cũng là để giúp mang lại lợi ích cho họ.
 
Cũng như các doanh nghiệp của các nước khác như Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu các doanh nghiệp của Nhật Bản có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn vì họ có tư duy chiến lược lâu dài hơn ở Việt Nam. Cho nên họ có thể đào tạo, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng trong trường hợp họ cũng phải được lợi.
 
Thực tế qua các nghiên cứu của tôi thấy rằng Việt Nam đã rơi vào bẫy trung bình hoặc đang cận kề bẫy thu nhập trung bình.
 
Để tránh được bẫy này thì cần phải có những hành động thực tế của chính nội tại nền kinh tế nhưng tôi thì chưa thấy Việt Nam có hành động để tránh bẫy thu nhập trung bình đó.
 
Để tránh được nguy cơ rơi vào thu nhập trung bình ở đây là phải tạo ra được giá trị. Giá trị đó phải do chính người dân, doanh nghiệp Việt Nam tạo ra, đó chính là mục tiêu cần làm.
 
Phải tạo ra được các nguồn tăng trưởng, tạo năng suất, cải thiện môi trường tắc nghẽn, giao thông… Phải giải quyết được cả các vấn đề này thành công nếu không sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
 
Tuy nhiên điều quan trọng là phải tạo ra được của riêng mình chứ không phải là copy sao chép.
 
PV: - Theo ông để vượt qua giai đoạn khó khăn này Việt Nam cần phải làm gì? Nếu tiếp tục dựa vào lợi thế cạnh tranh giá thấp, giá vốn rẻ, bán tài nguyên theo ông Việt Nam sẽ đối mặt với những nguy cơ gì?
 
GS Kenichi Ohno: - Tôi từng nghiên cứu các vấn đề về kinh tế của Việt Nam trong 19 năm và rất nhiều vấn đề xung quanh chủ đề này. Tôi đã viết cả một cuốn sách đưa ra quan điểm và ý kiến chính của tôi liên quan đến nền kinh tế Việt Nam trong đó đã chỉ ra những luận điểm để Việt Nam có thể thay đổi mình.
 
Trước hết phải tập trung vào 3 chính sách đó là: (thu hút FDI, phát triển DN nhỏ và vừa và chính sách gắn kết giữa FDI và DN trong nước). Đây là 3 nhóm chính sách quan trọng nhất. Nhưng để có được chính sách này chúng ta cần phải học hỏi từ các thông lệ tốt nhất trên quốc tế. Nhưng quan trọng từ chính sách phải đi đến những hành động cụ thể để chính sách có tác động vào thực tế.
 
Như tôi đã nói, nếu một quốc gia quá phụ thuộc vào tài nguyên lao động giá rẻ hay các yếu tố từ bên ngoài thì đến một lúc nào đó những yếu tố này sẽ dần mất đi và quốc gia đó sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và ngày càng khó khăn.
 
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo