Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ khó đưa hàng đi xa

Thói quen tiêu dùng của người miền Bắc khác rất nhiều so với miền Nam cùng với chi phí vận chuyển và hậu cần khác (như chi phí thuê kho, văn phòng...) rất cao tại Hà Nội, chưa kể chi phí về thời gian đang là rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa An Giang khi muốn tiếp cận thị trường Hà Nội.
Ông Đoàn Văn Phóng - Chủ cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi tại An Giang cho biết, mỗi tháng đều chuyển khoảng 4 tấn đường thốt nốt về Hà Nội, giao cho các thương nhân đầu mối ở chợ Đồng Xuân.
 
Đường thốt nốt, cá linh kho mía, xôi phồng, gạo mầm… là các sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc thù của An Giang, không chỉ được người dân nhiều thành phố lớn ưa chuộng mà còn đang được xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhưng, doanh nghiệp như của ông Phóng là số ít có quan hệ thương mại với thị trường Hà Nội, vì việc đưa hàng về tiêu thụ tại Thủ đô không hề dễ dàng, đặc biệt là với DNNVV, hiện chiếm phần lớn trong số DN sản xuất hàng đặc sản địa phương của An Giang.
 
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh An Giang, trong lúc tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng của tỉnh, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh sức tiêu thụ các đặc sản của An Giang cũng đã “bão hòa”, thì Hà Nội là “tia hy vọng” đang được nhen lên.
 
Với số dân khoảng 7 triệu người, cùng hơn 300 nhà phân phối lớn của cả nước, Hà Nội được xem là điểm đến lý tưởng cho các DN An Giang, có khả năng giúp các DN tỉnh này thoát thế hàng tồn kho chất đống trong kho hiện nay. Tuy nhiên, thực tế lại không thuận lợi như tính toán trên.
 
Khó khăn thứ nhất mà các DNNVV An Giang gặp phải khi đưa hàng hóa về Hà Nội là vì thói quen tiêu dùng của người miền Bắc khác rất nhiều so với miền Nam.
 
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao lưu ý rằng, nếu người Hà Nội chọn dùng thử sản phẩm một lần và tín nhiệm, sau đó họ có khuynh hướng khá trung thành so với người tiêu dùng miền Nam. “Người miền Bắc và người Hà Nội rất chú trọng đến thương hiệu. Trước hết, họ xem thương hiệu đó có hoành tráng không. Nếu họ không coi trọng thương hiệu thì phải xem sản phẩm đó có giá mềm không”, bà Hạnh nói.
 
Điều này, thực tế lại là khó khăn với các DN An Giang, đặc biệt là các DNNVV, khi bản thân các doanh nhân ở tỉnh này không thường hành xử như vậy.
 
Khó khăn thứ hai đối với DNNVV An Giang khi đưa hàng ra miền Bắc là chi phí vận chuyển và hậu cần khác (như chi phí thuê kho, văn phòng...) rất cao tại Hà Nội, chưa kể chi phí về thời gian.
 
Để chở hàng bằng ô tô tải từ An Giang ra Hà Nội (gần 2.000 km) mất khoảng 3 ngày. Điều này là rào cản gần như rất khó vượt qua đối với các DNNVV của An Giang. “Chi phí vận chuyển là một trong những trở ngại khiến những năm gần đây chúng tôi không thể tổ chức được chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội. Thậm chí, các chi phí này càng ngày càng cao hơn”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.
 
Cùng quan điểm trên, bà Vũ Thị Hậu - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - DN sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết thêm, hệ thống giao thông tại nội thành Hà Nội cũng gây nhiều khó khăn cho DN để vận chuyển hàng hóa đến điểm tập kết...
 
Để giải quyết những khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa từ An Giang ra Hà Nội, lãnh đạo hai địa phương này đã phải vào cuộc. Hà Nội và An Giang đã cùng ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương. Theo đó, UBND Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc ký kết với các sở, ngành liên quan của An Giang một số nguyên tắc hợp tác để khơi thông liên kết thương mại giữa DN hai địa bàn này.
 
Từ sự mở đường của lãnh đạo hai địa phương, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, làm việc với một số DN của tỉnh An Giang để tìm nguồn hàng và thu mua thủy hải sản, gạo... Tổng công ty Du lịch Hà Nội đã khảo sát và xây dựng mới một số tour du lịch với An Giang và các tỉnh, thành khác thuộc khu vực Tây Nam bộ. “Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng của hai địa phương”, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận xét.
 
Một chương trình hợp tác toàn diện hơn đã được hai địa phương xem xét triển khai. Theo ông Sửu, UBND Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho các DN An Giang quảng bá sản phẩm, tiếp cận nhanh, trực tiếp đến hệ thống bán lẻ và các nhà phân phối trên địa bàn Thủ đô, cũng như giới thiệu các cơ hội hợp tác, kinh doanh cho DN hai địa phương. “Hà Nội sẽ giúp An Giang cả về mặt thông tin, truyền thông, quảng bá cho các DN của An Giang. Bản thân các hệ thống siêu thị, chợ của thành phố sẽ được phổ biến, quảng bá giá trị sản phẩm của An Giang đến với người dân thủ đô”, ông Sửu khẳng định.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo