Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân bón không muốn... miễn thuế !?

Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kêu gặp nhiều khó khăn khi mặt hàng này được chuyển từ danh mục những mặt hàng chịu thuế suất thuế GTGT 5% sang danh mục không chịu thuế.

Quang cảnh buổi hội thảo.

 

Doanh nghiệp kêu khó

 

Từ 1-1-2015, Luật 71/2014/QH13 thuế GTGT về phân bón chính thức có hiệu lực. Theo đó, phân bón được chuyển từ danh mục những mặt hàng chịu thuế suất thuế GTGT 5% sang danh mục không chịu thuế.

 

Tuy nhiên, khi Luật đi vào thực hiện đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, đồng thời không thực hiện được mục đích hỗ trợ người nông dân. Đây là ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp khi tham gia hội thảo thực hiện Luật 71 do Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức ngày 9-4. Lý do xuất phát từ việc “được” miễn thuế.

 

Theo phân tích của các doanh nghiệp, khi phân bón được miễn thuế GTGT, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất sẽ không được khấu trừ khoản thuế GTGT đầu vào khi có chênh lệch. Bởi vậy, chi phí sản xuất sẽ bị đội lên, giá thành phân bón không thể giảm thấp và nông dân cũng không thể được lợi.

 

Ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng Giám đốc Công ty Cp Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tính toán,  khi áp dụng Luật 71 chi phí của công ty ông sẽ bị tăng thêm khoảng gần 100 tỷ đồng. Là doanh nghiệp sản xuất lớn  nhất Việt Nam trong lĩnh vực phân bón nên khoản tăng này không tác động nhiều đến doanh nghiệp, tuy nhiên buộc phải giảm lợi nhuận để bù đắp phần chi phí này.

 

Còn với những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động như Công ty TNHH MTV DAP Hải Phòng, Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc..., những chi phí này chắc chắn còn cao hơn rất nhiều.

 

Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV DAP Hải Phòng cho hay, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2015, DAP Hải Phòng đặt mục tiêu lãi 70 tỷ đồng trong năm 2015 nhưng khi áp dụng Luật 71 thì DN sẽ chịu lỗ 223 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lỗ 153 tỷ đồng. “Nếu tiết giảm các chi phí giỏi lắm chúng tôi cũng chỉ giảm được 20 tỷ đồng và số lỗ của năm 2015 vẫn lên tới trên 130 tỷ đồng”, ông Sinh cho biết.

 

Ngoài ra, ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay: “Điều chúng tôi lo lắng nhất là doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất đến một lúc nào đó sẽ bị phụ thuộc vào nhập khẩu”.

 

Bổ sung thêm ý kiến, ông Sinh cho rằng, trong khi xuất khẩu được hoàn thuế nên doanh nghiệp sẽ tìm cách xuất khẩu.

 

Kiến nghị về 0%

 

Với những phân tích trên, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị, Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật 71 đưa mặt hàng phân bón chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%; cho hoàn thuế GTGT các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã đóng thuế trước ngày 1-1-2015. Song song với việc điều chỉnh sửa đổi Luật 71, cần ban hành Nghị định và thông tư hướng dẫn Luật mới.

 

Trong buổi hội thảo này, đại diện của các bộ, ngành cũng đồng tình với ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn khi Luật 71 đi vào thực hiện. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc thực hiện 1-1-2015 gây bất lợi cho nhà sản xuất trong nước từ đó tác động tới việc tăng giá thành, giá bán ảnh hưởng đến người nông dân. Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng ở mỗi doanh nghiệp khác nhau.

 

“Với vai trò cơ quan tham mưu về chính sách, chúng tôi đã tiếp nhận đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp”, ông Thi nói.

 

Tuy nhiên, vị đại diện của Bộ Tài chính cũng lưu ý, những tác động tới doanh nghiệp là có nhưng có phải hoàn toàn như thế không? “Không phải nhà nước hoàn tiền thuế thì số tiền này sẽ lập tức chuyển đến người nông dân. Giá cả thị trường trong cơ chế thị trường là do thị trường quyết định. Thử hỏi có doanh nghiệp nào nếu được hoàn thì sẽ giảm giá cho người nông dân không? Chắc chắn là không có DN nào”, ông Thi nêu quan điểm.

 

Do vậy, sau cuộc họp với doanh nghiệp lần này, Bộ Tài chính sẽ tập hợp tất cả các ý kiến của doanh nghiệp, trên cơ sở đó xem xét, đề xuất và sớm báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Hải Quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo