Doanh nghiệp Việt định hình lại thị trường bán lẻ
Đó là nhận định của Công ty Nielsen Việt Nam trong nghiên cứu mới nhất về thị trường bán lẻ, đặc biệt là thị trường tiêu dùng nhanh.
Theo đó, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, cho rằng, trong năm 2017, doanh số thị trường tiêu dùng nhanh tại khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng 5%.
Trong đó, đồ uống, thực phẩm và thuốc lá là những ngành hàng chính đóng góp vào sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh tại khu vực thành thị.
Còn ở nông thôn, thị trường tiêu dùng nhanh vẫn chưa được các doanh nghiệp khai thác hết nên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
"Mặc dù vẫn tồn tại nhiều biến động qua từng quý nhưng thị trường nông thôn luôn ghi nhận sự tăng trưởng tốt hơn so với khu vực thành thị", bà Quỳnh nhận định.
Đánh giá chung về thị trường bán lẻ Việt Nam, Nielsen cho rằng các doanh nghiệp nội địa đang ngày càng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đa quốc gia.
"Các doanh nghiệp này đã và đang định hình lại thị trường bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là các khu vực nông thôn và các thành phố/thị xã thứ cấp", Tổng giám đốc Nielsen cho biết.
Nghiên cứu của công ty này cũng cho thấy, với kênh thương mại truyền thống, hiện Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng trên toàn quốc, đóng góp gần 83% doanh số của thị trường tiêu dùng nhanh.
Dù vậy, kênh thương mại hiện đại cũng đang có sự dịch chuyển tích cực, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ trong hệ thống các cửa hàng hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng cửa hàng trong vài năm qua.
Từ đó, Nielsen cho rằng, tốc độ tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nắm bắt sự thay đổi của thị trường như thế nào và có những định hướng ra sao để bắt kịp với nhịp độ thay đổi liên tục của thị trường.
"Câu chuyện về 'cá nhanh nuốt cá chậm' sẽ tiếp tục được bàn luận nhiều hơn trong năm 2018, khi tốc độ thay đổi mạnh mẽ của hành vi người tiêu dùng, công nghệ và các mô hình kinh doanh cũng như các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Cơ hội tăng trưởng vẫn luôn hiện hữu và điều quan trọng là các doanh nghiệp có đầu tư tiền bạc cũng như nguồn lực để nắm bắt và chuyển mình để thích nghi với nhu cầu mới đến từ người tiêu dùng và thị trường", Nielsen nhấn mạnh.
Công ty này cũng cho rằng, một điều quan trọng nữa để các doanh nghiệp giành được thắng lợi tại thị trường Việt Nam là cần phải có những nghiên cứu cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho từng khu vực địa lí cũng như từng kênh thương mại riêng biệt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo