Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam ở đâu trong cộng đồng ASEAN?

Chỉ còn mấy tháng nữa, cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra mới đây, có đến 76% doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) không biết gì về AEC. Vậy chỗ đứng của các DNVN sẽ ở đâu và điều gì đang chờ đợi họ trong cuộc chơi mới này?

 

Bị động khi hội nhập
 
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành vào thời điểm cuối năm 2015, tạo ra một thị trường có quy mô 2.300 tỉ USD, với 600 triệu dân, tương đương với một nền kinh tế đứng thứ 7 toàn cầu. Theo lộ trình đã được thống nhất giữa các nước tham gia AEC, thì thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa trong khu vực sẽ bằng 0%, qua đó tạo nên dòng chảy hoàn toàn tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng (trước mắt là 8 ngành gồm bác sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, giám định và du lịch).
 
Các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm: Ông Phạm Đình Đoàn, bà My Lan, bà Lê Thị Ngọc Hải và ông Phạm Hoài Nam (từ phải sang trái)
 
Thị trường ASEAN chỉ chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2012. Bởi vậy, AEC sẽ là cơ hội lớn cho các DNVN mở rộng thị trường trong khối, nhưng thực tế cho thấy rằng, các DNVN vẫn ở vào thế bị động chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chơi này.
 
Theo khảo sát mới đây của Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), có tới 76% DNVN không biết và cũng không hiểu gì về AEC; 94% DNVN không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC.
 
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Nên không bất ngờ khi có tới 63% doanh nghiệp cho rằng, AEC sẽ chẳng ảnh hưởng gì, hoặc ảnh hưởng nhỏ tới việc kinh doanh của họ. Theo các chuyên gia kinh tế thì đây là một cách hiểu sai “nguy hiểm”, có thể sẽ mang tới những cú sốc lớn cho khối doanh nghiệp này.
 
Trong khi Chính phủ đang cố gắng bứt tốc trong giai đoạn “nước rút” này, thì việc các doanh nghiệp vẫn đủng đỉnh, không có sự chuẩn bị cho sân chơi mới, tự nâng cao năng lực cạnh tranh… Thì chỉ trong tương lai gần thôi, hàng hóa từ các nước trong AEC sẽ tràn ngập Việt Nam, khi đó DNVN sẽ “trở tay không kịp” và khi đó hối thì đã quá muộn
 
Năng lực cạnh tranh quá thấp
 
Với hơn 90% DNVN là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số ít doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, Việt Nam hiện đang thiếu những doanh nghiệp thực sự lớn, đủ tầm để dẫn dắt nền kinh tế trong thời kỳ FTA. Hơn nữa, những số liệu thống kê gần đây của các tổ chức thương mại quốc tế cho thấy Việt Nam đang ở vị thế quá thấp khi tham gia hội nhập.
 
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong 3 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đứng chót bảng về năng lực cạnh tranh trong 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán tham gia (dự kiến cũng sẽ được ký kết trong năm 2015 - PV).
 
Còn trong AEC, tình hình có vẻ không quá tệ khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng dưới 5 nước, trên 3 nước. Thế nhưng, nếu nhìn vào quy mô kinh tế thì mới thấy được bản chất thật của vân đề. Những nước xếp trên Việt Nam về năng lực cạnh tranh chiếm tới 89% GDP của cả khối, trong khi Việt Nam chỉ xếp trên nhóm 3 nước đóng góp vỏn vẹn 3% GDP.
 
Doanh nghiệp các nước trong ASEAN đã chuẩn bị chiến lược rất bài bản để tham gia cuộc chơi của TPP và AEC. Singapore là nước đầu tiên trong ASEAN ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU. Và ngay tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp của Thái Lan, Philippines cũng đang tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình trong thị trường bán lẻ, quảng bá thương hiệu, dọn đường cho cuộc chinh phục thị trường Việt Nam.
 
Ngay cả với nông nghiệp, vốn là ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nếu không có những sự thay đổi tích cực, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên “sân nhà”.
 
“Nông nghiệp 5 ăn 5 thua. Trồng trọt, lương thực thủy sản có cơ hội nhưng mía đường, đậu tương, ngô gặp khó. Chăn nuôi nguy cấp, 3 đối tượng chính là heo, gà và bò thua là chắc. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ thua thiệt. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế nội địa vì người dân có thói quen dùng thịt tươi. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi” - ông Doanh nhận xét.

Những việc cần làm ngay
 
Tham gia AEC, TPP… các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem như những con thuyền từ sông hẹp ra biển lớn. Và chỉ có những chiếc thuyền đủ lớn thì mới có thể tồn tại giữa bão táp ngoài khơi xa, giống như việc chỉ có những doanh nghiệp đủ tầm, đủ lực thì mới có thể vượt qua được “cơn bão” hội nhập.
 
Với kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn chia sẻ 5 điều cần thiết cho các doanh nghiệp nếu muốn thành công trong tương lai. Theo ông Đoàn, trong tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, đã đến lúc các DNVN tùy theo hoàn cảnh của mình mà đổ hết vốn đầu tư vào tay thuận hay thế mạnh của mình, không nên đầu tư vào tay nghịch và dàn trải như trước đây.
 
“Đối với DNVN chúng ta phải thừa nhận đều là các doanh nghiệp nhỏ, nhỏ về vốn, nhỏ về kinh nghiệm, nhỏ cả về kiến thức, nhỏ cả về phong cách... Vì vậy chúng ta nên nghĩ đến việc đầu tư theo cách “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Chỉ có điều cái giỏ đó là cái giỏ nào mà thôi. Hơn nữa, cái lợi của việc hội nhập là chúng ta có thể dựa vào một số nguồn lực là những doanh nhân, doanh nghiệp hoặc tập đoàn nước ngoài lớn để dẫn dắt chúng ta, đón đầu công nghệ. Và đặc biệt, doanh nghiệp hãy đầu tư hơn nữa vào giáo dục những người trẻ, những thế hệ kế cận”, ông Đoàn nói.
 
Còn bà Vũ My Lan - Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VinAcademy, thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã đưa ra quan điểm của mình: “Chúng ta khá chủ quan và vô tư với việc hội nhập này, thấy cơ hội nhiều nhưng chưa thấy được điều gì khiến chúng ta thua trên sân nhà”.
 
Theo bà Lan, việc đầu tiên cần phải làm trong thời kỳ hội nhập là đội ngũ lãnh đạo của các DNVN phải đi học để nâng cao khả năng lãnh đạo. Dưới sự chỉ huy của một lãnh đạo giỏi thì doanh nghiệp mới có đủ năng lực cạnh tranh trong một sân chơi đẳng cấp hơn với nhiều lãnh đạo “ngôi sao” mang tầm quốc tế.
 
Ngoài ra, bà Lan còn cho rằng DNVN phải thay đổi tư duy làm ăn, thay vì cạnh tranh độc lập thì hợp tác cùng phát triển. Đưa ra ví dụ về trường hợp của một công ty logistic luôn đi cùng Nokia đến các thị trường trên thế giới, bà Lan nói: “Ở Việt Nam nếu ai đó thành công thì những người khác đều bắt chước theo đúng ngành đó. Nhưng sao chúng ta không nghĩ đến những ngành phụ trợ để cùng đẩy nhau lên. Thế giới vẫn làm như vậy”.
 
Nếu doanh nghiệp tiếp tục thờ ơ với hội nhập, Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu? Từ thực tế có thể thấy, trong nhiều ngành kinh tế, chúng ta đã mất dần khỏi những vị trí có giá trị gia tăng cao như thiết kế, tạo thương hiệu, phân phối bán lẻ… để lùi dần về vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị đó là gia công lấy công làm lãi.
Theo PetroTimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo