Doanh nghiệp xi măng “thở phào”
Nhiều khó khăn bủa vây
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng ngày càng hội nhập sâu và những năm qua, xuất khẩu xi măng đã mang về nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam.
Chẳng hạn, thuế tài nguyên ngày càng tăng, thêm các thuế, phí khác, cùng với chi phí nhân công ngày càng tăng, đẩy giá thành sản xuất lên cao, nên xi măng Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc giá bán sau áp thuế xuất khẩu cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực đã làm cho các đối tác, khách hàng đang mua xi măng của Việt Nam phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang mua của các thị trường khác có giá bán cạnh tranh hơn.
Một khó khăn nữa mà ngành xi măng trong nước gặp phải trong thời gian qua, đó là Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu và xuất khẩu xi măng bị áp thuế suất 5% và không được hoàn thuế VAT.
Sau hơn 1 năm triển khai, xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do khó cạnh tranh về giá bán với xi măng của Trung Quốc, Thái Lan… Xuất khẩu xi măng khó khăn, tiêu thụ nội địa tăng chậm khiến nhiều doanh nghiệp xi măng đứng ngồi không yên.
Trút được gánh lo
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trước tình trạng khó khăn của ngành xi măng thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nội dung này trong Nghị định 100 để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và ngày 15/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2017 sửa đổi nội dung này.
Theo ông Anh, Nghị định này sẽ có một trường hợp ngoại lệ được áp dụng thuế xuất khẩu 0%, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu tương tự trường hợp của xi măng.
Thứ nhất, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác rồi tiếp tục chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, có thể khép kín hoặc từng công đoạn thì thuộc đối tượng 0% nếu đáp ứng điểm c khoản 1, Điều 12, Luật Thuế giá trị gia tăng (có hợp đồng thực tế xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng).
Thứ hai, sản phẩm kinh doanh được chế biến từ nguyên liệu chính không phải tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế 0% % nếu đáp ứng điểm c khoản 1, Điều 12, Luật Thuế giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, việc thuế VAT với xi măng xuất khẩu về 0% và hoàn thuế VAT, giúp các doanh nghiệp xi măng trút được gánh lo và mở toang cánh cửa đầu ra cho ngành xi măng.
Tuy nhiên, theo ông Cung, bên cạnh vướng mắc lớn vừa được tháo gỡ, ngành xi măng vẫn có những khó khăn nhất định, như tình trạng cung vượt cầu cả thị trường trong nước và thị trường thế giới. Do đó, ông Cung cho rằng, cách tốt nhất là các doanh nghiệp nên đặt mục tiêu chính vào thị trường nội địa, bên cạnh việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu để đảm bảo khả năng tiêu thụ.
“Thị trường xi măng thế giới cũng cạnh tranh rất khốc liệt, buộc doanh nghiệp các nước phải có chiến lược xuất khẩu thông minh và làm ăn chuyên nghiệp mới mong giữ được khách hàng. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt cho ngành xi măng Việt Nam trong thời gian tới”, ông Cung nói và cho rằng, để tăng sức cạnh tranh, ngành xi măng Việt Nam nên hình thành các tập đoàn lớn, thay vì các doanh nghiệp nhỏ như hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo