Hỗ trợ doanh nghiệp

"Nên áp dụng mức thuế 10% và 13% cho DN siêu nhỏ và nhỏ"

DNVN - Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến của doanh nghiệp khi trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam về việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% với nhóm doanh nghiệp nhỏ thay vì mức 20 - 22% như hiện nay.

Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì sự phát triển bền vững / Chính phủ đồng ý ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Tin vui với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Theo tin từ Bộ Tài chính, Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về một số chính sách thuế thu nhập (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người). Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ (có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người).
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với 2 trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Có thể nói, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được xem là động lực và nguồn động viên giúp các doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn. Động thái này của Bộ Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần cho biết: "Đề xuất của Bộ Tài chính khiến doanh nghiệp chúng tôi rất vui vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về chủ quan và khách quan. Do đó, việc giảm thuế TNDN trong thời gian tới như Dự thảo của Nghị quyết tạo điều kiện cho DN khắc phục khó khăn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Hiện nay, ngoài chi phí về lao động, thị trường, các vấn đề liên quan đến đầu vào và đặc biệt là sự thay đổi thường xuyên của Nhà nước về lương tối thiểu, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN.
"Đây là cố gắng của Nhà nước và Chính phủ giúp DN vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất. Thông qua việc giảm thuế sẽ giúp DN phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, và nguồn thu của Chính phủ trong tương lai sẽ tăng lên", ông Đại cho biết thêm.
Mức thuế suất 15% và 17% vẫn cao
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhấn mạnh cơ chế của Nhà nước trong việc hỗ trợ DNNVV và siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh lấy ví dụ rằng, giả sử một DNNVV đầu tư vào đâu đó từ dưới 200 triệu đến 300 triệu đồng vào ứng dụng CNTT, dù bất kể là ứng dụng nào mà Nhà nước miễn thuế cho họ thì Nhà nước sẽ bớt đi thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, bù lại, việc DN áp dụng CNTT giúp họ họ nâng cao được năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Đây là thị trường lớn cho các DN cung ứng giải pháp vừa và nhỏ trong mảng CNTT phát triển. Cuối cùng ở một mức độ nào chúng ta nghĩ là thất thu thuế thu nhập DN. Nhưng thực ra nếu chúng ta có một chính sách tốt như thế tôi tin sẽ thúc đẩy thị trường CNTT, từ đó phát triển ngành CNTT ứng với xu hướng mới.
Trong khi đó, đánh giá về mức thuế đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng với DN siêu nhỏ và nhỏ lần lượt ở mức 15% và 17%, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt, cho rằng, mức thuế suất này vẫn còn cao so với nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ hiện nay của Việt Nam.
"Theo tôi, Nhà nước nên áp dụng mức thuế suất 10% và 13% cho các DN siêu nhỏ và nhỏ nhằm vực dậy nhóm DN này hoạt động trở lại và khuyến khích DN thành lập mới", ông Tuyên kiến nghị.
Với đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh của Bộ Tài chính, ông Tuyên cho rằng, nên miễn thuế TNDN trong 3 năm sẽ hấp dẫn hơn, bởi đây như một sự động viên, khuyến khích của Nhà nước dành cho cộng đồng DN mới thành lập.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA kiến nghị, nên áp dụng miễn thuế thu nhập 2 năm đầu cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thành lập mới, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp chuyển từ hình thức hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Theo ông Tiến Anh, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thành lập mới trong 2 năm đầu đều hầu như không có lợi nhuận. "Với đề xuất này của tôi, xét trên phương diện kinh tế, chủ trương cũng như tính hài hòa trong xã hội sẽ đồng đều và tốt cho tất cả các bên".
Giới chuyên gia nhận định, với các DNVVN cũng như DN siêu nhỏ, mức giảm thuế trên có thể không quá nhiều nhưng là nguồn động viên lớn với DN cho thấy sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ với nhóm DN này. DN nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế cũng sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ, qua đó các DN này đóng góp nhiều hơn vào ngân sách Nhà nước.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm