Hỗ trợ doanh nghiệp

"Ngủ đông" vì Covid sẽ rất tai hại với DN nhỏ và siêu nhỏ?

DNVN - Có ý kiến cho rằng, trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ nếu quyết định "ngủ đông" thì cơ hội kinh doanh, thị trường và khách hàng sẽ được nhường cho cho các đối thủ năng động hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, "ngủ đông" như những con gấu. Vậy, DN nên "ngủ đông hay không ngủ đông"?

Các chuỗi bán lẻ gặp nhiều khó khăn vì cách ly xã hội trong dịch Covid-19 / Đâu là gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp Việt thời Covid-19?

DN có nên ngủ đông?
Trong một cuộc giao lưu trực tuyến mới đây với chủ đề "Sống sót qua đại dịch Covid-19", các khách mời là đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia làm chính sách đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về việc doanh nghiệp, đặc biệt là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ có nên "ngủ đông" chờ Covid qua đi hay không cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sống sót trong thời đại dịch Covid-19.
Cho rằng việc "ngủ đông" với các DN nhỏ và siêu nhỏ rất tai hại, Chủ tịch HĐQT NextTech Group Nguyễn Hòa Bình dẫn đại ý câu nói của Albert Einstein rằng, vũ trụ vận hành theo thuyết tương đối, không có gì tuyệt đối. Chính vì thế, từng nhóm giải pháp phù hợp riêng với từng đối tượng. Với doanh nghiệp vừa và lớn, có định phí cao như mặt bằng, nhân công trong khi tổng cầu thấp kỷ lục thì phải "ngủ đông" để tiết kiệm tối đa dòng tiền cho doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tôi có quan điểm khác với nhóm đối tượng này. Dừng kinh doanh trong DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn rất linh động và năng động cùng định phí thấp, thì hậu quả lại rất cao. Qua 2 tuần cách ly xã hội, rõ ràng chúng ta thấy nhiều người cảm thấy trì trệ, rồi suy nghĩ thì tiêu cực, góc nhìn hạn chế hơn so với đi làm", Shark Bình nhìn nhận.

Chủ tịch HĐQT NextTech Group Nguyễn Hòa Bình.
Ông Bình phân tích thêm, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu tạm dừng kinh doanh, thiếu cọ sát và thực chiến trên thị trường thì biết đâu họ lại lỡ cơ hội nắm bắt thời cơ mới. Một số doanh nghiệp may mặc, trong cơn khốn đốn lại đi sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ, xuất khẩu sang các thị trường đang cần. Nếu không vận hành, họ không thể phát hiện cơ hội kinh doanh từ trên trời rơi xuống đó.
"Các DN nhỏ và siêu nhỏ, khi "ngủ đông", sẽ nhường cơ hội kinh doanh, thị trường và khách hàng cho đối thủ năng động hơn. Ngoài ra, chưa ai biết các doanh nghiệp sẽ phải ngủ đông đến bao giờ, ngủ ở mức độ nào vì chưa ai biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt. Ngoài ra, khi "ngủ đông" thì sẽ cần thêm một thời gian nữa để quay lại guồng cũ", ông Bình khuyến cáo.
Ông Bình cho rằng, bản thân các doanh nghiệp hiện nay cũng là người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp không hoạt động, nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, tạo ra ảnh hưởng dây chuyền. Do vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không nên tạm ngừng hoàn toàn mà nên duy trì hoạt động kinh doanh ở mức phù hợp, an toàn theo quy định nhà nước, chú trọng chuyển đổi số để không tụ tập phòng chống dịch bệnh. Trong cái khó phải ló khôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tìm cách bán hàng nếu không khả năng chết cao.
Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công lại nhìn nhận theo một chiều hướng khác. Trả lời câu hỏi: "Ngủ đông hay không ngủ đông", Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC nói: "Tôi thấy thời điểm bây giờ, một số ngành nghề doanh thu hầu như không có. Định phí thì phải cố gắng tìm kiếm giải pháp lắm mới giảm được nên dẫn đến hoạt động thua lỗ, không khéo âm luôn vốn. Nhìn xung quanh, rất khó tìm lối ra. Nếu cố gắng xoay xở mà tìm kiếm được doanh thu trong thời điểm này thì mình sẽ cố, nhưng hầu như các doanh nghiệp trong thời điểm này đều phải có giải pháp để trước hết là tồn tại. Tôi nghĩ đến việc "ngủ đông", như những con gấu.
Hiện giờ các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 khó khăn như thế thì cần có giải pháp nào để chậm lại, nghiệm lại và tìm kiếm kế hoạch, định hướng cho đơn vị của mình. May là ý kiến "ngủ đông" cũng được nhiều doanh nghiệp vào trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp thú vị".

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công.
Theo ông Hồng Anh, khi "ngủ đông", DN phải lên kế hoạch chiến lược để sau khi dịch được kiểm soát thì mời nhân sự lại như thế nào, kiểm soát lại tình hình ra sao. Hiện nay, công tác hội họp giảm thiểu, online nhiều. 50% ở nhà, 50% đi làm. Các tình huống xấu nhất, giả sử có doanh nghiệp có nhân viên nhiễm Covid-19, thì chúng ta phải cách ly ở đâu. Trụ sở mà bị phong tỏa thì xử lý ra sao? Khi "ngủ đông" ta phải hình dung hết các kịch bản.
Ông Hồng Anh chia sẻ, trong số cách doanh nghiệp ông quản lý, công ty du lịch đã "ngủ đông". Các hệ thống khách sạn, trung tâm tiệc cưới đã đóng cửa cả. Trách nhiệm xã hội thì họ phải cách ly. Qua truyền thông, công ty ông lập tức hỗ trợ ngành y tế, đưa các khách sạn trở thành khu cách ly tài trợ cho y bác sĩ bệnh viện nhiệt đới. Họ không phải về nhà tránh lây nhiễm cho gia đình, được nhân viên TTC chăm sóc để an tâm chống dịch. Do đó, ông thấy "vui vì tận dụng được thời gian ngủ đông này để hỗ trợ Bộ Y tế".
Bình luận về quan điểm của Shark Bình và Đặng Hồng Anh, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, ý kiến của hai khách mời này tuy trái ngược nhau nhưng đều đúng. Tư duy "ngủ đông" là hay nhưng chỉ nằm trong các DN đã tích lũy được rồi, bây giờ là lúc giảm chi phí ít nhất có thể thì tốt nhất là không làm gì, vì không làm thì vẫn lỗ. Nhiều DN không thể không đóng cửa.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VINASME: "DN kiếm ăn từng bữa không ít và không thể "ngủ đông" được, thì nhóm này phải chuyển đổi hình thái kinh doanh. Nhiều lúc chúng ta làm chưa chắc hay bằng chúng ta ngồi nghĩ. Anh Bình có nói ngồi một chỗ thì ì trệ, nhưng để là 1 ông chủ DN thì trong khó khăn đều tìm ra đc cơ hội. Trong khi nghỉ vẫn tìm tòi được cơ hội. Nhiều khi chúng ta vội vàng quá không có thời gian nghĩ, thời gian sáng tạo, cần có thời gian tĩnh để sáng tạo".
Lời khuyên cho DN
Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải loay hoay với bài toán tồn tại và thích nghi. Trên tinh thần lạc quan, Chủ tịch VINASME cho rằng, cộng đồng DN cần phải chung sức, đồng lòng để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn nên duy trì ở mức độ cho phép, nhưng phải đảm bảo sự an toàn và chế độ chính sách cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME.
Thứ hai, các chủ doanh nghiệp cần chủ động "thích ứng" với hoàn cảnh và tìm lối đi phù hợp cho doanh nghiệp mình, trong đó đặc biệt lưu ý cần nắm bắt các chính sách của Nhà nước để được tiếp cận với hỗ trợ; chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra và đầu vào mới; phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương hỗ; và chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp để tăng năng suất và giảm chi phí.
Đưa ra lời khuyên cho DN, Shark Đặng Hồng Anh phát biểu "Dưới góc độ chủ quan của tôi, trong cái họa luôn có cái phúc, trong cái nguy sẽ có cái cơ. Thời điểm này là thời điểm khó với doanh nghiệp, nhưng cũng đừng nên nản lòng. Chúng ta nên nghĩ tích cực là qua dịch ta học được rất nhiều bài học, thấy được, đánh giá được tất cả các mối quan hệ xung quanh. Doanh nghiệp đang phát triển thì mọi thứ thế nào, doanh nghiệp đang khó khăn thì bạn bè, tư hữu đối tác, cán bộ nhân viên đối xử ra sao để nghiệm về cuộc đời mình.
Trong thời điểm này, ngoại trừ chống chọi với dịch, có thời gian rảnh rỗi hơn thì ta nên nghiên cứu, trao đổi, học hỏi về lĩnh vực của mình, về công tác quản trị điều hành của mình, thông qua sách vở, thông qua các chuyên gia, các cuộc hội thảo trên mạng, để tích lũy kiến thức, trải nghiệm để sau dịch có định hướng cho doanh nghiệp".
Trong khi đó, Shark Bình cho rằng, dịch bệnh hiện nay là cơ hội vàng cho doanh nghiệp đưa năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, không chỉ của doanh nghiệp mà từng người dân lên 1 tầm cao mới.
Trong quá khứ, các doanh nghiệp công nghệ từng phải đi đốt tiền để lấy người dùng với những chi phí siêu đắt đỏ. Tuy nhiên, đại dịch giúp họ làm điều này một cách rất hiệu quả và hoàn toàn miễn phí. Vết thương từ cuộc khủng hoảng này quá lớn, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Ngay kể cả kết thúc rồi nhưng vết thương của nó khiến cả người dân và doanh nghiệp phải phòng ngừa, duy trì các kênh online song song với offline.
"Cú huých này bằng cả chục năm xã hội kêu gào chuyển đổi số. Chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh là tất yếu và không thể thiếu của mọi ngành nghề", ông Bình nhận định.
Theo đó, ông dự đoán rằng xu hướng tới là giảm đầu tư vào offline và tập trung nhiều hơn vào online. Một xu hướng kinh doanh mới và lớn, sẽ bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng này.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm