Hỗ trợ doanh nghiệp

'Trăm phương, ngàn kế' thoát hiểm Covid-19

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cho thấy bản lĩnh vượt khó, kịp thời xoay xở, tìm thấy cơ hội dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất do dịch Covid-19 gây ra. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiến xa mà còn thể hiện tinh thần kiên cường của người Việt Nam trong mọi thời kỳ.

Doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ 3,4 lần vốn tự có, gấp đôi FDI / Apple "tổn thương" lớn vì COVID-19

Nhận định tình thế khó khăn của Trung Quốc và Ấn Độ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nói khó khăn của họ sẽ là cơ hội để công ty phần mềm như FPT vươn lên, đặc biệt khi Việt Nam đang làm tốt công tác chống dịch.

"Tôi chỉ cần một miếng bánh nhỏ của họ là nuôi anh em tốt. Ở các thị trường truyền thống không có khả năng chống dịch như chống giặc thì đều có cơ hội", Chủ tịch FPT nhìn nhận thời cơ.

Chứng tỏ bản lĩnh doanh nghiệp Việt

Theo Chủ tịch FPT, trong cuộc chiến chống Covid-19, yếu tố quan trọng nhất là người chỉ huy phải dự báo trước tình hình, một người lo bằng kho người làm, phải làm nhanh, quyết liệt bởi chậm là chết. Thời này là "cá nhanh ăn cá chậm".

Doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp vượt khó (Ảnh: Tư liệu)

Doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp vượt khó (Ảnh: Tư liệu)

Dịch Covid-19 ập đến là lúc CTCP nông nghiệp Thế Hệ Mới vẫn còn một lượng lớn gạo hữu cơ bãi rươi trong kho. Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cho biết ngay lập tức, Công ty xác định cần phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, cách thức bán hàng để kịp thời tiêu thụ số gạo tồn kho trên, đồng thời xây dựng thương hiệu gạo bãi rươi, quảng bá rộng rãi đến với nhiều khách hàng.

"Công ty triển khai các đợt giảm giá, giao hàng mọi lúc, mọi nơi... giúp người dùng đảm bảo lương thực trong đợt dịch, đồng thời đưa thương hiệu gạo hữu cơ đến với nhiều khách hàng", ông Tuân cho hay.

Xuất khẩu gián đoạn, hơn 90% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ có nguy cơ tạm dừng sản xuất nhưng một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề chế biến gỗ chuyển đổi sang hình thức bán hàng online đẩy mạnh phân phối tại thị trường nội địa. Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ đã thành lập nhóm trên Zalo, Viber và Facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, sự đứt gãy trong các chuỗi cung xuất khẩu do các hạn chế về cách ly xã hội cho thấy một yêu cầu hết sức cấp bách của ngành trong việc chuyển đổi phương thức bán hàng theo cách truyền thống sang hình thức bán hàng online. Đây cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay.

 

Được biết, BIFA đang hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Cụ tể, 2 đối tác này đang tiến hành hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh thị trường thế giới "đóng băng", kết quả xuất khẩu của một vài doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 3 con số. Đại diện Tập đoàn Phúc Sinh cho hay, doanh nghiệp này sớm ứng dụng công nghệ số vào quản trị, sản xuất và giao dịch với khách hàng nên trong dịch Covid-19, các nhân viên có thể làm việc từ xa mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này góp phần giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của Tập đoàn đạt 120 - 130%.

Tương tự, chuyển hướng kinh doanh trên cơ sở xác định các mặt hàng, thị trường chiến lược, trọng tâm, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã “biến nguy thành cơ”, chủ động sản xuất khẩu trang vải với đa chủng loại giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19.

Một số doanh nghiệp đẩy mạnh công tác nghiên cứu chế tạo thử nghiệm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tập đoàn Mỹ Lan ứng dụng công nghệ đóng gói khí cải tiến để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, ví dụ như thịt lợn có thể giữ được 7 - 11 ngày; phát triển hệ thống máy bán thực phẩm thông minh, có chức năng hâm nóng trước khi xuất cho người mua. Những mô hình này sẽ giúp thúc đẩy thương mại điện tử, mua sắm qua thiết bị di động, hỗ trợ cho công tác giãn cách xã hội như hiện nay.

Doanh nhân là những "chiến sỹ"

 

Theo bà Bùi Kim Thuỳ, Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard, các doanh nghiệp khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau nhưng tựu chung doanh nghiệp Việt Nam phản ứng linh hoạt với Covid-19. Các doanh nghiệp lớn phản ứng ngay lập tức, chuyển hướng hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh... Ví dụ, Vingroup chuyển sang sản xuất máy thở.Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua giai đoạn choáng váng ban đầu đã nhanh chóng nắm bắt các cơ hội để có thể kinh doanh, chung sống với Covid-19.

"Tôi đánh giá doanh nghiệp Việt Nam phản ứng tương đối nhanh và phù hợp trong bối cảnh Covid-19", bà Thùy nhận xét.

Điều này cho thấy rõ "bản lĩnh" của doanh nghiệp Việt Nam. Nói như cách của Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Những ngày này, đất nước ta đang giữa hai cuộc chiến: Cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Nếu như đội quân áo trắng - những thầy thuốc của nhân dân - là những chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến y tế, thì đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân là những chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến kinh tế. Cả hai cuộc chiến đều khốc liệt.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch chính là đội ngũ doanh nhân – những vị thuyền trưởng đang đứng mũi chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.

Khảo sát VCCI cho thấy hầu hết doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp. 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động...

 

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5 triệu hộ kinh doanh, xét về bản chất kinh tế cũng chính là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của nền kinh tế, bởi vậy nhiệm vụ của Nhà nước là làm sao nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu Covid.

Đây đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và việc đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở tương lai.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm