4 doanh nghiệp nguy cơ mất trắng 5 container hàng xuất sang UAE
Gỡ nút thắt thu hút đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long / Doanh nghiệp thủy sản gặp khó bởi những quy định bất cập
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 24/7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, 4 doanh nghiệp (DN) đã giao 5 container hàng cho người mua là công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT) có địa chỉ tại No 1006. Mai Tower, Al Nahda, Dubai, UAE.
Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry. Mob/Whatsapp, còn ngân hàng thu hộ người mua là Ajman Bank PJSC. Hàng hóa đã được giao trong tháng 6, và cập cảng trong tháng 6 - 7/2023.
Tính đến thời điểm hiện tại, 4 lô hàng gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế và 1 container điều với tổng giá trị khoảng 400 ngàn USD đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán. Trong khi đó, 1 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023 trị giá 126,3 ngàn USD và bộ chứng từ cũng đã bị mất.
Với 4 lô hàng bị mất, VPA cho biết, các DN ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.
Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ.
Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán.
Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Trong khi đó, người mua không liên hệ được và hiện công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.
Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam điện đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp. Tuy vậy, đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.
Sau khi được DN trình báo sự việc, hiệp hội đã nhanh chóng báo cáo cơ quan chức trách liên quan và đề nghị phối hợp hỗ trợ giúp DN thu hồi được tiền hàng.
VPA có công văn báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước về tình hình khấp cấp của sự việc. Hiệp hội đề nghị các bộ, ban, ngành hỗ trợ và phối hợp giúp thu hồi được tiền hàng về cho doanh nghiệp đối với 4 lô hàng trị giá gần 400 ngàn USD đã bị lấy ra khỏi cảng.
Hỗ trợ và khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Dubai để bằng mọi cách chặn người mua, đại diện người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc của lô hàng làm thủ tục thông quan và lấy hàng ra khỏi cảng theo lịch hàng đến cảng là ngày 26/7/2023. Nếu không kịp can thiệp với hãng tàu, cảng vụ và cảnh sát Dubai UAE trước ngày 26/7 - ngày dự kiến hàng cập cảng - thì chắc chắn lô hàng hoa hồi trị giá 126,3 ngàn USD sẽ tiếp tục bị mất trắng như 4 lô hàng trước.
VPA đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc. Yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức, có tính toán của người mua là công ty BARFT nhắm vào các DN Việt Nam và phải có trách nhiệm giúp thu hồi tiền hàng về cho người bán theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P.
"Sự việc này phải được giải quyết sớm để một mặt giúp thu hồi tiền hàng cho 4 DN Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn để kịp thời ngăn chặn các trường hợp tương tự khác xảy tiếp tục xảy ra mà ngay trước mắt là 1 container hoa hồi dự kiến sẽ cập cảng Jebel Ali ngày 26/7/2023. Khả năng cao lô hàng này cũng có thể sẽ bị lấy mất khi bộ chứng từ gốc đã không còn trong ngân hàng nhờ thu hộ qua nghiệp vụ thanh toán D/P tương tự như 4 lô hàng trước", thông cáo nhấn mạnh.
VPA cho rằng, các DN mất mát tổn thất quá lớn trước cùng một đối tượng mua hàng, cùng một ngân hàng, cùng một hình thức lừa đảo có âm mưu, có tổ chức, khả năng có thể có sự cấu kết với ngân hàng/nhân viên ngân hàng.
Do đó, hiệp hội đề nghị Ngài Obaid Saeed Bin Taresh Al Dhaheri - Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tại Việt Nam khẩn trương yêu cầu các cơ quan chức năng tại UAE, các cơ quan thực thi pháp luật hỗ trợ các DN Việt Nam và các cơ quan liên quan của Việt Nam tại UAE:
"Tính chất vụ lừa đảo rất tinh vi, nghiêm trọng, có sự liên đới trách nhiệm của cùng một người mua với cùng một ngân hàng Ajman thực hiện nghiệp vụ nhờ thu D/P. Vì vậy, nếu không nhận được sự xem xét, hỗ trợ, cùng phối hợp để có tác động hơn nữa ở cấp Chính phủ gồm Đại sứ, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương thì chắc chắn hiệp hội và các DN xuất khẩu cùng với các ngân hàng Việt Nam riêng lẻ khó có khả năng lấy lại được gần 400 ngàn USD giá trị lô hàng đã bị cướp mất.
Hiệp hội và các DN rất mong nhận được sự quan tâm, sự phối hợp nội bộ chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành để hỗ trợ giúp DN hạn chế được tổn thất lớn này", VPA kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo