Hỗ trợ doanh nghiệp

7 giải pháp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNVN - Đây là một trong bảy giải pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được ThS. Phạm Thị Hiền Thảo - Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) nêu ra trong nghiên cứu của mình nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp này.

Nghịch lý: 52% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ, vẫn mở rộng quy mô / Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên Bang Nga cần là cầu nối cho hàng Việt

ThS. Phạm Thị Hiền Thảo cho rằng: Mặc dù, các quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã góp phần hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, thách thức, song hiệu quả đạt được còn thấp. Việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế cũng được cho là nguyên nhân làm thu hẹp và giảm tính bền vững của quy mô động viên NSNN.
Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DNNVV thời gian qua còn nhỏ lẻ, mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm và chưa mang tính liên tục, quá trình triển khai vẫn còn hạn chế và chưa đạt được hiệu quả cao trong ứng dụng vào thực tiễn.

Theo chuyên gia này, để có căn cứ xác định DNNVV hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN là doanh thu chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của DN. Đồng thời, với cùng quy mô DN, một số ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ có thu nhập cao hơn.
Trước thực trạng và những tồn tại trên, ThS.Phạm Thị Hiền Thảo đã đưa ra 7 giải pháp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP và tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định xã hội:
Thứ nhất, rà soát lại tổng thể để loại bỏ những chính sách ưu đãi thuế không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực NSNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 25/2016/QH14: “Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế... hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các luật thuế.
Thứ hai, có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DNNVV trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học - công nghệ; cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để hỗ trợ và đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba, điều chỉnh giảm thuế suất đối với DNNVV, mặc dù giảm thuế suất thuế TNDN, sẽ dẫn đến giảm thu NSNN, nhưng sẽ kích thích đầu tư, tăng GDP, đảm bảo tính cạnh tranh của Việt Nam với khu vực và trên thế giới (phổ biến ở các mức 10%, 15%, 17%, 19% và 20%).
Thứ tư, áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với DNNVV khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh. Một trong những khó khăn của DNNVV là thiếu vốn kinh doanh, vậy Nhà nước có thể hỗ trợ cho DN khi họ đầu tư mua sắm tài sản cố định phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua hình thức khấu trừ thuế đầu tư.
Thứ năm, để xác định DNNVV hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN nên căn cứ vào ngưỡng thu nhập thay vì căn cứ vào doanh thu. Quy định này giúp cơ quan thuế giảm chi phí quản lý, tạo sự công bằng giữa các DN cùng quy mô.
Thứ sáu, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế đối với DNNVV như: DN siêu nhỏ chỉ nộp tờ khai thuế TNDN 1lần/ năm; tờ khai thuế TNDN nên được thiết kế đơn giản hơn, chỉ cần một số chỉ tiêu (Doanh thu; chi phí trong năm; thu nhập trong năm; các khoản điều chỉnh mà không cần kèm theo các Phụ lục hay báo cáo tài chính như hiện tại)...
Thứ bảy, cần đưa ra những khuyến khích mạnh mẽ đối với việc kê khai thu nhập, khuyến khích việc thực hiện các giao dịch minh bạch, rõ ràng qua ngân hàng; thực hiện tốt sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan thuế nên đưa ra những khuyến cáo đối với DNNVV về những rủi ro của kiểm toán và thanh tra, kiểm tra thuế; thực hiện truy tố trước pháp luật.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm