Hỗ trợ doanh nghiệp

Ai giúp doanh nghiệp giảm chi phí?

Việc giải bài toán chi phí của doanh nghiệp Việt giữa mùa dịch này sẽ không quá khó nếu như có những động tác nhanh chóng, hành động cụ thể để cùng nhau tháo gỡ từ khâu chính sách, miễn, giảm phí và sự đồng cảm giữa các doanh nghiệp, đối tác, nhà cung cấp.

VINASME "xắn tay" cùng Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua Covid-19 / Thương hiệu trà sữa nổi tiếng Nhật Bản sắp có mặt tại Việt Nam

Chẳng hạn như nhóm doanh nghiệp (DN) thuỷ sản thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) vừa qua có than phiền về phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống.

Theo đó, phí chuyển tiền ngoài hệ thống ngân hàng hiện đang rất cao, chuyển tiền tiền trong nước cùng hệ thống thì phí giao dịch tại quầy là như nhau.

Ngân hàng vào cuộc

Vì vậy, các DN thuỷ sản đề xuất miễn phí chuyển khoản trong hệ thống, giảm phí chuyển khoản ngoài hệ thống (đề nghị giảm 50%). Do hiện nay hạn chế sử dụng tiền mặt nên DN tăng cường thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và mong được miễn phí các khoản tiền nước ngoài vào tài khoản của DN.

Để giảm chi phí giữa mùa dịch, DN cần những hành động cụ thể

Để giảm chi phí giữa mùa dịch, DN cần những hành động cụ thể

Ngoài ra, với phí dịch vụ thanh toán, các DN đề xuất miễn phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền) và giảm phí đối với các phương thức còn lại. Các dịch vụ khác cũng giảm phí để hỗ trợ trong thời gian khó khăn hiện nay.

Đơn cử như miễn phí dịch vụ nộp tiền và rút tiền mặt khi giao dịch tại ngân hàng để giảm chi phí cho DN. Hoặc là giảm phí dịch vụ: Kiểm tra, vận chuyển, thanh toán bộ chứng từ xuất khẩu do tình hình sản xuất kinh doanh đang khó khăn; bỏ phí báo có; giảm (50%) phí dịch vụ thanh toán…

Nhiều ý kiến cho rằng phí ngân hàng lâu nay vẫn quá cao so với mặt bằng chung của các DN vừa và nhỏ. Ông Lê Hữu Hiệp, giám đốc một DN kinh doanh máy công cụ ở quận 12 (Tp.HCM), than thở là mức thu phí khi sử dụng dịch vụ thanh toán của một số ngân hàng còn “quá rát” khi mà nhiều DN đang làm ăn chật vật như bây giờ.

Theo ông Hiệp, việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt là hòa chung vào thông lệ quốc tế, cũng như an toàn cho người gửi, người nhận. Tuy nhiên, với nhiều mức phí còn khá cao thì rất cần Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lại phí ngân hàng cho hợp lý.

 

Sau nhiều than phiền từ phía DN, ghi nhận đến ngày 18/3 cho thấy theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã và đang tiếp tục có động thái miễn, giảm phí chuyển tiền.

Cụ thể là một số ngân hàng thương mại cổ phần đã quyết định miễn phí 100% tất cả giao dịch chuyển tiền nhanh, áp dụng cho đến hết năm 2020 hoặc bắt đầu miễn phí vô điều kiện cho các giao dịch chuyển tiền ngoại mạng không kể hình thức thường hay nhanh. Hay như CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) từ ngày 25/3 sẽ giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.

Việc giảm chi phí này có thể sẽ không quá áp lực một khi phía ngân hàng nhận được yểm trợ từ các định chế tài chính để vừa bớt gánh nặng phí ngân hàng, vừa khơi thông dòng vốn cho DN vượt khó giữa mùa dịch.

Như thông báo mới đây từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này đã quyết định tăng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD để những ngân hàng này có thể tiếp tục tài trợ các công ty có nhu cầu, đặc biệt là DN vừa và nhỏ vốn đang gặp khó khăn do tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19.

Hành động cụ thể

 

Hoặc như chi phí mặt bằng kinh doanh. Quan sát của Thời báo Kinh Doanh ở Tp.HCM cho thấy trước tình cảnh giới kinh doanh thua lỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguy cơ trả lại mặt bằng rất cao vì nặng gánh chi phí, nhiều chủ mặt bằng đã bắt đầu giảm giá cho thuê từ 10-50% để hỗ trợ người thuê kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thân, chủ của 7 cửa hàng đầm bầu ở quận 10 và quận Tân Bình (Tp.HCM), cho biết vừa nhận được sự hỗ trợ giảm giá mặt bằng khoảng 20% trong 3 tháng từ phía chủ mặt bằng.

Còn ông Nguyễn Anh Đức, chủ một thương hiệu cà phê ở quận 10, phấn khởi chia sẻ vừa thương thảo thành công với các chủ mặt bằng về việc giảm 15% giá thuê trong 6 tháng liên tiếp.

Nhiều chủ DN trong ngành hàng dịch vụ ăn uống bày tỏ rằng chi phí mặt bằng là thách thức lớn nhất mà họ đối mặt trong lúc này, rồi tiếp đến mới đến những khoản chi phí khác. Cho nên, việc chủ mặt bằng đồng cảm với cảnh khó khăn của DN để giảm giá thuê sẽ giảm bớt rất nhiều áp lực cho DN.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, để giảm chi phí sản xuất kinh doanh trong lúc khó khăn này, phía DN cần mạnh dạn đề xuất những gì được cho là vướng mắc trong khâu chính sách hay từ phía đối tác, nhà cung cấp.

 

DN có thể thương lượng giá thấp hơn với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu để giảm được chi phí đầu vào. Trước tình hình khó khăn chung trong mùa dịch thì phía đối tác cung cấp sẽ hiểu rằng họ cần giảm giá một chút còn hơn là mất đi một khách hàng thường xuyên.

Ông Dũng nhấn mạnh tự thân các DN vừa và nhỏ cần tiết kiệm các chi phí ở những khâu gián tiếp không liên quan nhiều đến sản phẩm mà mình đang sản xuất kinh doanh. Thậm chí cũng phải giảm chi phí những sản phẩm trong quá trình sản xuất, kể cả các chi phí về quản lý, tiền thưởng và các chi phí không tên khác.

Tựu trung lại, trong việc giảm chi phí cho DN giữa mùa dịch này đang rất cần những giải pháp, hành động kịp thời và cụ thể thay vì chỉ hô hào nói suông!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm