Hỗ trợ doanh nghiệp

An Giang bàn giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNVN - Hiện tỉnh An Giang có 8.246 doanh nghiệp (DN) hoạt động với tổng vốn đăng ký 80 ngàn tỷ đồng, thu hút hơn 25 ngàn lao động, doanh thu hàng năm đạt gần 53 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, thống kê năm 2021, mật độ DN hoạt động chỉ đạt 2,5 DN/1000 dân, xếp thứ 9 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, so với mức trung bình cả nước vẫn còn thấp.

Kiến nghị giảm 50% điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa / “Làn gió mới” mang lại niềm vui cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Ngày 17/10, tại An Giang đã diễn ra hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tỉnh An Giang” nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư, khuyến khích DN vừa và nhỏ trên địa bàn ổn định, phát triển bền vững...

Tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân" nhằm thúc đẩy, hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển

Tỉnh An Giang tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân" nhằm thúc đẩy, hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh An Giang, báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Đầu tư kinh doanh nông nghiệp sáng tạo đối với 510 DN được khảo sát cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất hiện nay mà DN trên địa bàn tỉnh gặp phải đó là sức ép cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước; việc tiếp cận với các chính sách ưu đãi hỗ trợ và các thủ tục hành chính.

Đánh giá này khá tương đồng đối với các cơ quan quản lý nhà nước khi cho rằng 2 thách thức của DN nhỏ và vừa của An Giang là năng lực nội tại của DN và sức ép cạnh tranh.

Điểm đáng chú ý là có đến 65% DN chưa từng được đề nghị hỗ trợ; trong đó, DN từng được đề nghị hỗ trợ nhưng chưa được hỗ trợ chiếm khoảng 2 – 3% trong tổng số 510 DN tham gia khảo sát; có 171 DN (chiếm 33,5%) nhận được ít nhất một loại hỗ trợ.

Theo số liệu khảo sát, trong số các DN được hỗ trợ, hỗ trợ thuế và kế toán chiếm nhiều nhất (100 DN), tiếp đến là hỗ trợ thông tin tư vấn (83 DN), hỗ trợ đào tạo (56 DN), thấp nhất là hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường (14 DN); hỗ trợ chuyển đổi DN từ hộ kinh doanh là 76 DN.

 

Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách hiện hành về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ DN vừa và nhỏ tại An Giang thì những hạn chế, tồn tại nằm chủ yếu ở 4 vấn đề: tiếp cận vốn; tiếp cận chính sách; lao động nhân sự và mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Qua khảo sát, DN nhỏ và vừa của tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hiệu quả hỗ trợ của nhà nước cho DN. Trong đó, nhóm chính sách mà DN quan tâm nhiều nhất là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và ổn định để các DN hoạt động và phát triển; thông tin chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực cho người lao động, chủ doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác giữa DN lớn và DN vừa và nhỏ….

Tìm giải pháp hỗ trợ

Trước thực trạng phát triển, nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu và và nhu cầu của DN, Sở KH&ĐT tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1965/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm giúp các DN nhỏ và vừa giải quyết khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh, đề án có 3 nội dung hỗ trợ chính: Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về khởi nghiệp, hướng dẫn quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ DN, hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN; cá nhân, nhóm cá nhân muốn thành lập DN, khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển thành DN nhỏ và vừa; hỗ trợ DN sau khi thành lập, đang hoạt động.

 

Hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết, lựa chọn các DN nhỏ và vừa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị tỉnh An Giang, ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu, là tiềm năng và lợi thế của tỉnh gắn với phát triển tài nguyên bản địa dựa vào sức mạnh công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện các ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, DN, các hiệp hội DN và Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật… đã có nhiều ý kiến, nêu lên các giải pháp nâng cao, hỗ trợ tín dụng ngân hàng cho DN vừa và nhỏ tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân ở An Giang; vấn đề liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; các giải pháp chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa; vấn đề vốn xã hội đối với DN; các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hậu Covid-19 và hội nhập kinh tế quốc tế…


Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm